Giáo dục

Gian lận thi cử, cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm Bộ GD&ĐT

Trong vụ việc gian lận thi cử ở kỳ thi THPT năm 2018, cử tri bức xúc đề nghị đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình nhưng bộ chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm.

Vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bức xúc dư luận

Chưa rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắc Lăk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Tuy nhiên, khi trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, về trách nhiệm của mình Bộ chỉ nêu: “Ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

“Như vậy, Bộ GD&ĐT chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay”, báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ.

Cũng theo Ban Dân nguyện, Bộ GD&ĐT mới chỉ nêu việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi,.. chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm.

Ngoài ra, Bộ cũng chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm,... nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường ĐH xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này.

Đáng lưu ý, việc xử lý các cá nhân tập thể của bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.

Khắc phục triệt để gian lận thi cử

Về vấn đề tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học: cử tri tp Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết , bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi.

Gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang khiến dư luận bức xúc đề nghị làm rõ trách nhiệm

Ngày 4/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non.

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP