“ Nếu tính giá nước sinh hoạt của thị xã Hồng Lĩnh ngang bằng với mức giá nước thành phố Hà Tĩnh là khó có thể chấp nhận được. Chi phí sản xuất nước ở thị xã Hồng Lĩnh vào loại thấp nhất trên toàn quốc, bởi đây là nguồn nước thô tự chảy từ hồ Thiên Tượng nên tiêu hao điện năng rất ít. Cào bằng giá nước có nghĩa là Công ty cấp nước đã lấy lợi ích của người dân thị xã để “cưu mang” các địa phương khác” – Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Văn Hổ bày tỏ nỗi bức xúc.
Giá nước sinh hoạt tăng cao khiến người dân bức xúc
Cũng theo lời ông Hổ thì, trong những năm qua việc nâng cấp cải tạo hồ Thiên Tượng đã tiêu tốn khoảng 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thị xã. Hơn thế nữa, qua nhiều năm vận hành nhà máy nước thị xã mọi chiết khấu đã hoàn tất. Thế nên giá nước sinh hoạt ở thị xã Hồng Lĩnh phải thấp hơn mới đúng.
Những năm trước khi mức giá 4.000 đồng/m3 được Công ty cấp nước Hà Tĩnh áp dụng đối với tất cả các địa phương chẳng thấy đơn vị nào phàn nàn. Chỉ đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 1828 ngày 26/6/2012 quy định về mức giá nước sạch thì vấn đề về giá nước lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Sau Quyết định 1828, ngày 8/8/2012, UBND tỉnh lại tiếp tục ban hành Quyết định 2276 về việc thay đổi giá nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.
Về bản chất hai quyết định hoàn toàn giống nhau, khác chăng chỉ là thời gian thực hiện có sự thay đổi và bắt đầu từ tháng 8. Thế nhưng trước đó, từ tháng 7 công ty cấp nước Hà Tĩnh đã tiến hành thu theo giá nước mới. Theo đó, các hộ gia đình dùng nước sinh hoạt ở thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh được áp dụng như nhau và có 4 mức giá nước. 10m3 đầu được tính mức giá 5.500 đồng/m3; từ 11 đến 20m3 mức giá là 6.800 đồng/m3; từ 21m3 đến 30 m3 mức giá là 9.200 đồng/m3; mức giá 10.200 đồng/m3 sẽ được tính cho các hộ sử dụng trên 30m3 trở lên. Đối với các thị trấn và các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…cũng được áp dụng theo 4 mức như trên nhưng có thấp hơn một ít. Chẳng hạn như giá nước trong 10m3 là 5.200 đồng/m3. Toàn tỉnh hiện có 40.000 hộ gia đình dùng nước sinh hoạt, trong đó thị xã Hồng Lĩnh có 7.300 hộ.
Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc Hoàng Thanh Sơn ấm ức cho rằng, giá nước sinh hoạt giữa Thuận Lộc nói riêng và thị xã Hồng Lĩnh nói chung tính bằng giá thành phố Hà Tĩnh là không hợp lý. Bởi, “ Để có được nguồn nước sạch từ Xí nghiệp cấp nước Hồng Lĩnh, 820 hộ đã phải đóng nộp số tiền 2.370.000/mỗi hộ để lắp đặt hệ thống đường ống và mua sắm các trang thiết bị khác. Và, nguồn nước thô tự chảy sẽ là yếu tố tác động rất lớn đối với giá thành sản xuất nước”
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh Nguyễn Văn Quý khẳng định:“ Không chỉ có người dân mà ngay cả cán bộ cũng chẳng hiểu gì về các văn bản quy định của Nhà nước. Việc xây dựng giá nước là hoàn toàn phù hợp theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 75/2012-BTC-BXD-BNN tại Khoản 2 Điều 3 về việc quy định giá nước sinh hoạt”. Tuy nhiên khi xây dựng khung giá nước, Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh hoặc không biết hoặc “quên” một yếu tố quan trọng trong Thông tư liên tịch hướng dẫn là: “Có xét đến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Đồng thời phù hợp với đặc điểm tiêu dùng nước, nguồn nước và điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực”. Cũng theo ông Quý thì, sở dĩ giá nước Hồng Lĩnh bằng giá nước thành phố Hà Tĩnh là từ đầu năm đến nay, hồ Thiên Tượng đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV thủy lợi Hồng Lam nên công ty phải trả 750 đồng/m3 nước thô cho đơn vị này.
Tuy nhiên “ qua rất nhiều lần đồi nợ, Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh vẫn cứ “cù nhầy” và còn nợ chúng tôi hàng trăm triệu đồng” – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Hồng Lam Nguyễn Hùng thất vọng cho biết.
Hồ chứa nước Thiên Tượng thị xã Hồng Lĩnh đã được đầu tư nâng cấp với tổng số vốn gần 12 tỷ đồng
Theo tính toán chi phí giá thành sản xuất nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh có sự chênh lệch rất lớn. Theo đó, giá thành sản xuất nước ở thị xã Hồng Lĩnh là 6.590 đồng/m3; Can Lộc: 11.340 đồng/m3; thành phố Hà Tĩnh: 7.230 đồng/m3; Vũ Quang: 27.600đồng/m3.Từ đó, không thể nói khung giá nước được áp dụng một cách cứng nhắc và thiếu khoa học như vậy. Không đồng tình với mức giá nước hiện hành, ngày 28/8, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã có văn bản số 453 về việc đề nghị điều chỉnh lại giá nước phù hợp nhằm tránh những bức xúc không đáng có.
Về việc trích ngân sách để tái đầu tư vào hệ thống cấp nước sinh hoạt, ông Quý cho biết: “ Năm 2012, Công ty đã lắp đặt một hệ thống dẫn nước phi 110 từ Xí nghiệp cấp nước đến Nhà máy Sợi chiều dài 700m với tổng chi phí 400 triệu đồng. Đồng thời đầu tư 1,1 tỷ cho đường ống đi từ cầu Trắng (QL8A) đến ngã 3 Đức Thuận. Tất nhiên 1,1 tỷ đồng là nguồn của dự án và sẽ được thanh toán sau. Nhưng nếu không có nguồn lãi suất từ doanh thu 6-7 tỷ đồng (năm 2012) từ xí nghiệp nước Hồng Lĩnh thì Công ty sẽ không thể thực hiện được”.
Là một doanh nghiệp đương nhiên Công ty TNHH MTV Hà Tĩnh phải hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh đó, đơn vị còn phải thực hiện một sứ mệnh lớn là đảm bảo công bằng trong dịch vụ công ích đối với tất các các đối tượng. Đã đến lúc các ngành chức năng phải xem xét lại mức giá phù hợp theo thông tư liên tịch hướng dẫn. Có như vậy nỗi bức xúc của không chỉ người dân mà ngay đội ngũ cán bộ thị xã Hồng Lĩnh mới được giải tỏa.
Hoài Nam
Báo Hà Tĩnh