(Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh). |
Khu kinh tế Vũng Áng, thuộc thị xã Kỳ Anh, nằm ở phía Nam Hà Tĩnh vốn là cái nôi phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng biển,... Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, bất động sản Vũng Áng vẫn tăng trưởng trong nhiều năm qua nhưng mức tăng chậm so với các địa phương khác.
Tuy nhiên trong hai tháng cuối năm 2021, Batdongsan.com.vn ghi nhận giá đất khu vực này tăng vọt, các đoàn xe của giới đầu tư trong và ngoài tỉnh liên tục đổ về đây do có thông tin tập đoàn bất động sản lớn chuẩn bị triển khai dự án trong quý IV/2022.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, đất ở Kỳ Long tăng từ 3-4 triệu đồng/m2 lên mức 6-7 triệu đồng/m2. Đất ở Kỳ Trinh cũng tăng từ 4-5 triệu đồng/m2 lên mức 7-9 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp xã Kỳ Thịnh cũng tăng từ 3-4 triệu đồng/m2 lên mức 5.5-7 triệu đồng/m2.
Những vị trí ở sâu bên trong được chào bán 4-5 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm tháng 9/2021 chỉ có 3 triệu đồng/m2. Đối với những lô đất diện tích lớn (trên dưới 1.000 m2) ở Kỳ Thịnh, giá chào bán ũng tăng từ 1-1,5 tỷ đồng/lô vào đầu năm lên trên 2 tỷ đồng/lô.
Tương tự ở Kỳ Long, những lô đất có diện tích trên dưới 1.000 m2 có giá chào bán 1,5 tỷ đồng/lô, trong khi đầu năm dao động 800 triệu đồng-1 tỷ đồng/lô.
Theo các môi giới địa phương, trước khi có các dự án lớn đổ về, giá đất ở Vũng Áng, Hà Tĩnh tăng giá khá chậm. Những nơi giá đất tăng chủ yếu có vị trí đắc địa, mặt tiền đường lớn nhưng tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 10%/năm.
Cũng theo thông tin từ môi giới địa phương, giới đầu tư đồ về Vũng Áng thời gian vừa qua phần lớn đến từ Hà Nội, Thanh Hóa,... Ban đầu người dân địa phương khá ngỡ ngàng trước làn sóng nhà đầu tư đổ về vùng quê này để hỏi mua đất. Tuy nhiên đến đầu tháng 12, nhiều người dân địa phương cũng tham gia làn sóng khiến thị trường tăng nhiệt.
Số liệu từ văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh cho biết, có khoảng 9.000 giao dịch được hoàn tất, con số này cao gấp 5 lần so với năm 2020.
"Các cá mập đã gom hàng từ tháng tháng 4-5 và đây là thời điểm cao trào của cơn sốt. Các cá mập đang xả hàng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu không bắt đúng nhịp ra vào của thị trường rất dễ gãy sóng, bị đọng vốn nếu có ý định lướt", một môi giới cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, việc sốt đất thật rất khó xả ra ở thời điểm này bởi dịch COVID-19 gây ra những biến động về kinh tế, thu nhập,… khiến thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại) không sôi động.
"Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu. Và ở một số nơi có hiện tượng sốt ảo do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng 7-10 ngày là hết", ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam nhận định.
Mặt khác, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng tâm lý bầy đàn trong đầu cơ bất động sản cực kỳ nguy hiểm. Nhà đầu tư cần nắm bắt thông tin từ cơ quan chức năng để biết thong tin về quy hoạch, dự án, hạ tầng,... để có kế hoạch đầu tư rõ ràng.
Thực tế trong năm 2021, khi nền kinh tế vẫn còn chịu nhiều tổn thương do đại dịch, cơn sốt đất đã hiện diện tại nhiều tỉnh, thành; buộc các nhà quản lý phải ra thông báo khẩn và vào cuộc xử lý.
Tác giả: Ngọc Anh
Nguồn tin: doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn