Đối mặt với khó khăn
Hoạt động tại địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) – nơi được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa”, cuộc sống và công việc của những người “gác cửa” hầm gặp muôn vàn khó khăn. “Mùa hè, nắng nóng hầm hập như thiêu, như đốt. Mùa đông, mưa xối xả. Đã thế, nhiều trận gió còn “thổi” bay cả hệ thống biển cảnh báo, biển hướng dẫn và cọc tiêu. Những lúc như vậy, công nhân mỗi người “ôm” 1 cọc” – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà – đơn vị đảm nhận việc thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang – Trịnh Xuân Phúc mở đầu câu chuyện.
Cán bộ, nhân viên Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người qua lại nơi này. |
Lưu lượng phương tiện qua lại hầm rất lớn, trung bình 2.000 lượt ô tô ngày/đêm. Đất, đá, gỗ dăm “trút” xuống từ những xe tải không phủ bạt ở Quảng Bình ra thi công tuyến QL 1A và vào cảng Vũng Áng khiến đội ngũ công nhân không lúc nào được ngơi tay để làm sạch mặt đường. Hệ thống thông tin liên lạc chập chờn khiến công tác điều hành xử lý khó khăn. Mặc dù nằm không xa Khu kinh tế Vũng Áng nhưng xem truyền hình lại là một khái niệm xa lạ. Hàng ngày, hơn 70 người chỉ biết nắm bắt thông tin qua hệ thống… radio. Xa chợ và các cơ sở y tế, đời sống sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên rất kham khổ. Muốn trồng rau cải thiện cũng không được vì đất đai cằn cỗi. Nguồn nước lấy từ trên đỉnh đèo ưu tiên cho công tác PCCC, còn người sử dụng lại phải dè xẻn từng giọt…
Bản lĩnh người trong cuộc
Cho đến nay, lái xe khách biển kiểm soát 37B-006.59 chạy từ Nam ra Bắc và gần 30 hành khách vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự cố bất ngờ xảy ra. Sau khi qua khỏi hầm phía Bắc, khói và lửa trong xe bốc lên ngùn ngụt. Lập tức, những công nhân trực gác hầm nhanh chóng có mặt, phun nước kịp thời, chỉ ít phút sau, ngọn lửa bị khống chế, hàng chục hành khách thoát nạn, có người ra khỏi xe áo quần ướt sũng. Bấy giờ khoảng 15h45’ ngày 2/6/2014.
5 năm lại nay, chỉ duy nhất xảy ra sự cố nêu trên, còn chuyện xe chết máy trong hầm chiều dài 495m và hơn 2,3 km đường dẫn là chuyện thường ngày. Chỉ có điều, xe cứu hộ “trực chiến” thường xuyên nên việc ùn tắc toàn tuyến chưa xảy ra. Làm việc trong môi trường “nóng” ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhưng đội ngũ nhân viên hầm vẫn thân thiện, nhiệt tình và trách nhiệm. Mặc dù lưu lượng phương tiện lưu thông lớn nhưng chưa thấy lái xe phàn nàn về tình trạng thu phí không hợp lệ, không đúng tải trọng. Nhân viên các khâu từ bán, soát vé đến thống kê đều chịu sự giám sát chặt chẽ từ trung tâm qua camera.
Giám đốc Trịnh Xuân Phúc cho rằng: “Ngoài công tác giáo dục thường xuyên, công ty còn phân loại, xếp loại hàng tháng. Sai sót nhỏ nhắc nhở, 2 lần trở lên hạ chỉ tiêu thi đua; còn vi phạm nhiều lần thì… sa thải. Cho đến nay, công ty chưa áp dụng biện pháp mạnh tay nào”. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Trạm thu phí Đèo Ngang không chỉ đảm bảo lưu thông thông suốt mà còn đóng góp rất lớn vào ngân sách tỉnh với số tiền 6 tỷ đồng/năm. Đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho con em 2 tỉnh với mức thu nhập bình quân hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, những người đảm nhận công việc tại khu vực này vẫn băn khoăn, lo lắng là thời gian gần đây, ngành chức năng đặt trạm cân di động trên địa bàn Hà Tĩnh lại quá gần trạm thu phí nên rất dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ.
Những chuyến hàng xuôi ngược Bắc Nam qua lại hầm an toàn chính là niềm vui, hạnh phúc của những người “gác hầm”. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn nhận thấy ánh mắt và nụ cười tươi vui sau những chuyến xe qua.
Hoài Nam/baohatinh.vn