Di tích - Thắng cảnh

Gặp người sống sót trong đơn vị 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc một buổi chiều nắng lửa gay gắt, cô TNXP Trần Thị Bích Thao (quê Vĩnh Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh) đi biểu diễn văn nghệ đón đoàn pháo binh từ đất Bắc vào. Về đến đơn vị, cô đọc được dòng chữ của o Xuân ghi lại: “Thao ơi, mày đi văn nghệ về nhớ đóng cửa hầm cho tao với, hôm nay tao đi làm đấy”. Cô vội vàng thay trang phục, đi ra mặt trận tiếp tục nhiệm vụ của mình. Đi được nửa đường, máy bay Mỹ trút bom như giội lửa, đất trời rung chuyển, cô Thao bị sức ép quật ngã. Cô bàng hoàng nhìn về phía các đồng đội mình, tất cả họ đã bị chôn vùi trong lòng đất.

Bà Thao xúc động lần dò khuôn mặt từng đồng đội cũ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.6 
Cô gắng gượng chạy hộc tốc về đơn vị báo cho đại đội trưởng Linh: “A4, A5 chết hết cả rồi”, rồi gục xuống. Lúc tỉnh dậy, nhoài đầu ra ngoài được là lúc cô nghe được từng tiếng hô hoán đớn đau: “Mang về được 2 người rồi… được 3 người rồi… được 4 người rồi…”. Ngoài 4 nữ TNXP đi Nghi Xuân làm nhiệm vụ, o Thao là người nữ TNXP duy nhất trong tiểu đội A4 sống sót có mặt tại hiện trường, chứng kiến từ đầu chí cuối sự hy sinh bi hùng của 10 nữ đồng đội tại ngã ba Đồng Lộc. Đó là thời khắc không bao giờ quên được trong đời bà Thao. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tất cả ký ức như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu TNXP này. Bà vẫn hằng ngày, hằng giờ đau nỗi đau mất đồng đội, nỗi đau của người ở lại. 
Nhờ nắng miền Trung tìm xác đồng đội
Bà Trần Thị Bích Thao (SN 1942) là TNXP từ tháng 4.1965 – 4.1969 thuộc tổng đội 55, đơn vị 522, P18 Hà Tĩnh. Trong quãng đời làm TNXP của bà, phải chứng kiến sự hy sinh của 10 đồng đội tại Ngã ba Đồng Lộc ngày 24.7.1968 là một ký ức đau buồn, day dứt, không thể nào quên: “Hôm ấy tôi đi văn nghệ phục vụ đoàn pháo binh ở đất Bắc vào nên về sau. Trên đường về thì độp độp độp, chúng nó đến thả bom. Ôi giời ơi, máy bay nó đi qua rồi, lên Hương Khê, Hương Sơn rồi làm sao mà nó lại quật trở lại, 3 máy bay nó bỏ bom mù mịt, trắng tinh luôn…” – bà Thao bưng mặt khóc. Nước mắt giàn giụa, bà Thao ngậm ngùi kể: “O Xuân thâm tím hết, tôi không nhận ra được nữa. Chính tay tôi rửa mặt cho 9 cô gái đó. Chỉ riêng o Tần là không rửa được, vì 3 ngày sau mới tìm thấy. Áo mưa rải ra cái bãi nghĩa địa, đưa các cô lên. Sau đó lấy cái khăn ở trên đầu mà các o hay dùng rửa mặt đó, chậu nước đặt bên cạnh này, lau qua người, lau mặt thì mới nhận dạng được. Vì sức ép của bom, sức nặng của đất đá, có o thì lồi hai mắt ra, có o thì chảy máu mũi, o thì thâm tím, gãy sụm hết xương sống… dù thi thể thì vẫn nguyên. Đơn vị chôn cất 10 cô ngay gần nhà ăn cũ. Suốt đời tôi cũng không quên được những ngày ấy. Bây giờ, mỗi khi rửa mặt, nhìn vào chậu nước, tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt của o Xuân. Đau đớn lắm con à”.
Trong số 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, bà Thao gần gũi và thân thiết nhất là với o Xuân. Họ đã cùng nhau nhập ngũ, hằng ngày ăn, ở, ngủ, làm việc cùng nhau. Các đồng đội hy sinh, chỉ một mình bà Thao ở lại, khiến cho cuộc sống của bà luôn đăm đắm, buồn bã: “Tôi, o Tần, o Xuân là TNXP cũ. Còn các o: Hường, Rạng, Cúc, Xuân, Xanh.. là TNXP mới được bổ sung về đội. Mỗi nữ TNXP đều có một cái khăn trùm lên đầu hoặc buộc ở đuôi sam, cái khăn ấy có thêu tên tuổi, nếu chết thì vẫn còn tìm được nhau. Hôm ấy, hát xong đi về nhà, về cái chỗ mình ở để thay bỏ bộ áo quần trắng tinh ra đó, mặc áo quần khác. Đi được nửa đường ra gần chỗ làm thì bom nó đánh. Cây sim, cây mua tốt là lượt, dập tôi xuống.. Trời nắng chang chang, trên đường chỉ tôi chạy, tôi thấy xung quanh mình mọi thứ sụp xuống, cảm giác cô đơn rùng rợn. Lúc đó là khoảng hơn 4h chiều, 4h chiều miền Trung vẫn nắng…”.
“10 đồng đội của tôi đã chết trong cái vụ ấy. Riêng o Tần là A trưởng, bao giờ cũng có một cái hầm tròn tròn riêng đứng để quan sát, báo động cho chị em. Không may là Tần đứng riêng một góc nên là khó tìm. 3 ngày sau, nắng miền Trung gay gắt thì mùi bốc lên. Đưa con chó ra tìm thì mới biết o Tần ở cái góc đấy. TNXP chết phải có giày, dép, mũ, tư thế phải ngồi, chết mà không có cái xẻng để trước bụng như thế này là không được liệt sĩ. Bộ đội thì có súng, TNXP có cuốc xẻng, TNXP đi làm đất làm đường mà không có cuốc xẻng thì tay không bốc thế nào được đá sỏi. Bao giờ cũng ôm cái xẻng đằng trước như thế này”- bà Thao khom người, miêu tả lại động tác dùng xẻng đào đất của nữ TNXP thuở trước. 
Tôi đã từng thuộc nằm lòng bài thơ “Cúc ơi” của tác giả Yến Thanh viết về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, cũng đã đọc nhiều tài liệu, nhiều câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP ấy. Nhưng những lời tâm sự, rồi sự khẳng định chắc chắn của bà Thao khiến tôi không khỏi đặt ra một dấu hỏi: Có khi nào người ta có sự nhầm lẫn, xáo trộn ký ức bởi bản thân đã chứng kiến và trải qua nỗi đau mất mát quá lớn hay không? O Tần hay o Cúc là nữ TNXP tìm thấy cuối cùng sau 3 ngày xảy ra cái chết tập thể thương tâm ấy?
Biệt xứ để rời xa ký ức đau đớn

Sau lần bom Mỹ dội tàn ác ấy, o Thao bị thương phải đi điều dưỡng, nhưng vết thương mất đồng đội in sâu đã khiến o không thể nào yên lòng được. Theo sắp xếp của đơn vị, o Thao được ra Bắc học tại Trường Cơ khí 3, rồi tháng 3.1973 về làm công nhân lại nhà máy cơ khí Phổ Yên. Bà Thao lấy chồng đất Vĩnh Phú, sinh con đẻ cái rồi ở lại đất Bắc biền biệt. Năm 1989 bà nghỉ hưu mất sức, chồng mất sớm để lại ba mụn con. Bà Thao sống vất vả bằng nghề chạy chợ đến tận bây giờ. Mỗi khi có ai hỏi về thời TNXP xưa, bà lại buồn rầu kể, rồi có khi bà cáu bẳn, hằn học, đau đớn có lẽ vì những ám ảnh về cái chết của đồng đội đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai. 

Bức ảnh chụp tiểu đội 4 – TNXP, đơn vị của bà Thao và 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

Điều duy nhất xoa dịu bà Thao là những kỷ niệm còn lại về chuỗi năm tháng sống, làm việc cùng các cô gái TNXP anh hùng thuở trước. Bà Thao lục đáy hòm, lần giở lại tập ảnh cũ cất kỹ trong một chiếc túi da nhỏ. Bà lấy ra một bức ảnh đen trắng mờ mịt, được ép plastic cẩn thận. Những nhân vật trong bức ảnh đã không còn rõ ràng, nhưng khuôn mặt và nụ cười của họ vẫn hiện ra. Bà Thao chỉ: “Ảnh này đã được phóng to đưa về ngã ba Đồng Lộc rồi. Đây là bà Thao béo rụt cổ đây, o Xuân đây, o Tần A trưởng đấy. O Rạng đây, o Hường đây. Tất cả hội nhà ăn cùng chụp đấy. Ông chụp ảnh này giờ đang ở Hải Phòng. Ảnh các o ở trong di tích kia là ảnh hội họa thôi. Chỉ có o Tần mới là ảnh thật thôi. Trời ơi, thương lắm 

con ơi”.
“Ngày ấy, chúng tôi thường xuyên ở các nhà dân đã đi sơ tán hết. Nhà không có người ở nên mốc lắm. Chúng tôi cứ mệt là ngủ, tìm chiếu trải ra đất mà ngủ, không có thì nằm đất, không có giường phản gì cả. Nhà nào có vườn cam, quýt, bưởi thì vào ăn. Bưởi Phúc Trạch chi chít quả như thế này. Không làm sao mà ăn hết được. Nhiều khi, chúng tôi còn đóng giả con trai ngủ với nhau. Một đứa mặc áo quần rộng, vấn tóc lên, đóng giả con trai, vào nằm ôm lấy nhau rồi nói ngọt nhạt với nhau: Anh không về ăn cơm à? Về ăn cơm chiều 2h mà đi làm chớ. Này, mày tưởng là anh Tùng của mày đấy à. Tao đây. Rồi phá ra mà cười…”- bà Thao mỉm cười, có một nét vui hiếm hoi xuất hiện trên khuôn mặt nâu sạm của bà. 
Đó là những câu chuyện, những mảng ký ức rất thật về đời sống của các cô gái TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Bà Thao – cựu TNXP ngã ba Đồng Lộc đã biệt xứ gần nửa thế kỷ, giọng nói của người Hà Tĩnh vẫn da diết, đắm say. Bà Thao sống ở đất khách quê người với bao cam khó, vất vả, chịu đựng, bố mẹ già yếu qua đời, rồi anh trai mất, bà Thao cũng không thể về quê chịu tang. Nỗi đau của đứa con xa quê, của một người đàn bà biệt xứ cứ đeo đẳng bà có lẽ đến tận cuối đời. Đã hơn bảy chục tuổi đầu, đã trải qua một cuộc đời gian khó, vất vả, tha hương nhưng bà chưa bao giờ nguôi ngoai những ký ức về tiểu đội TNXP, về sự hy sinh anh hùng của các cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Cựu TNXP Trần Thị Bích Thao là một nhân chứng sống quan trọng về sự hy sinh bi hùng của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Bà Thao năm nay đã 72 tuổi, vẫn rất minh mẫn, sống nghèo khó trong một căn nhà cấp 4 ọp ẹp tại xóm Bông Hồng – TT Bãi Bông – Phổ Yên – Thái Nguyên; hằng ngày lao động vất vả kiếm sống. 
Cô Đặng Thị Yến, nguyên cán bộ của Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Cựu TNXP Trần Thị Bích Thao là đồng đội của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng năm tháng đằng đẵng, bà Thao sống xa quê hương, chúng tôi không nắm được nhiều thông tin về bà. Chỉ biết bà Thao đã ra Bắc học tập, làm việc rồi lập gia đình luôn ở ngoài đó”.
Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP