Chúng tôi đến huyện Ea Súp vào một ngày cuối tháng 3, cái khô hạn của vùng đất gần nửa năm không có giọt mưa khiến cơn đại hạn ở đây thêm khắc nghiệt. Cỏ tự khô, cháy, các vườn cây công nghiệp sắp biến thành “củi” khiến nhiều nông dân đang phải khóc ròng. Quanh khu vực trồng cây công nghiệp, hệ thống tưới tiêu chạy hàng chục km nhưng những rãnh, hồ tưới của bà con đã khô cạn nước từ lâu, những người nông dân đang cố gắng vớt vát lại chút ít để cứu cây của mình nhưng vẫn không ăn thua.
Đàn gia súc ngày càng thu hẹp vì thiếu thức ăn
Một người dân ở xã Buôn Đôn cho biết: “Ở đây không có mưa từ tháng 10 năm ngoái, trâu bò cũng không có cỏ ăn, nước uống cũng không có, lúa Đông Xuân trổ rồi cũng không đủ nước, cây điều của bà con không có mưa nên không có trái”.
Người dân chia sẻ với PV
Bò ăn đá! Là hình ảnh quen thuộc đối với người dân nơi đây. Cả khu rừng một màu vàng của cây cỏ chết cháy. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng khô hạn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng trầm trọng hơn. Chưa năm nào Đắk Lắk lại “khát nước” như năm nay.
Bò ăn “đá”!
Đi trong mùa khô khát của Đắk Lắk ở đâu PV cũng chứng kiến cảnh người người, nhà nhà đang tìm mọi cách để “vớt vát” ít giọt nước để chống chọi với cái khô hạn đang hoành hành. Đợt nắng hạn này theo ngành nông nghiệp nhận định là đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng 5 năm qua. Dự kiến sẽ có hơn 70.000ha diện tích cây trồng toàn tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê ở những vùng hiếm nước. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đợt hạn hán này chưa thống kê được con số thiệt hại cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nặng nề nhất trong hơn chục năm qua.
Nguyên nhân do đâu?
Vấn nạn thiếu nước ở Đắk Lắk đã trở thành tình trạng chung của cả tỉnh không chỉ ở thành phố Buôn Ma Thuột các địa phương khác như: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư’Mga, Krông Bông, Krông Năng…đều đã rơi vào khủng hoảng thiếu nước. Vậy nguyên nhân do đâu? Chắc hẳn nhiều người đã có câu trả lời của riêng mình, trong đó phải khẳng định rằng tình trạng phá rừng, tận diệt rừng là nguyên nhân gốc rễ nhất. Với vai trò là một “cái máy điều hòa” khí hậu, nhất là vào mùa khô nhưng bị chặt phá nặng nề như hiện nay rừng đã mất dần khả năng trên.
Hết nước, vựa lúa Đông Xuân không đủ sức trổ bông, nhiều ha đất bị bỏ không.
Để mở rộng đất canh tác nhiều người dân sẵn sàng đốt, phá rừng để trồng cây cà phê, lúa, hoa màu một cách thô bạo và thiếu khoa học khiến cho sự khắc nghiệt của thời tiết ngày càng phức tạp, trầm trọng hơn. Thêm vào đó việc tăng diện tích nông nghiệp khiến nhu cầu tưới tiêu càng lên cao, đồng nghĩa với việc khai thác nước ngầm để phục vụ ngày càng lớn chính vì vậy mực nước ngầm ở Tây Nguyên nói chung Đắk Lắk nói riêng liên tục tụt từ 3 – 5m sau mỗi chu kỳ 10 năm.
Chặt phá rừng tràn lan là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng hạn hán
Chỉ đạo chống hạn, giải pháp chống đỡ tạm thời hay quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ rừng đang cần sự vào cuộc thực sự của những chuyên gia, những cơ quan chức năng có trách nhiệm.
Hải Đăng/VTOTO