Các nguyên thủ quốc gia khối G7 (Ảnh: Reuters) |
Theo thông báo phát đi từ văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Macron, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đồng thuận phản đối Nga quay trở lại G7 theo đề xuất của ông Trump.
“Quan điểm chung của châu Âu là chống lại việc Nga trở lại G7”, một trợ lý cấp cao của ông Macron nói với báo giới, dù các nhà lãnh đạo từng bỏ ngỏ “khả năng đối thoại” với Moscow.
Trước đó, tân Thủ tướng Italy Conte nói rằng ông ủng hộ đề xuất của ông Trump nhằm đưa lại Nga về G7, cho rằng đó là vì lợi ích của tất cả.
Hiện quan hệ giữa Anh và Nga đang có một số vướng mắc, nhất là sau khi London cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên của Moscow đang sống tại Anh. Thủ tướng May từng trả lời Sky News rằng: “Rõ ràng chúng ta biết là chúng ta cần phải hợp tác với Nga. Cụm từ tôi dùng ở đây là hợp tác nhưng hãy cẩn trọng. Hãy nhớ vì sao mà G8 lại trở thành G7. Và trước bất cứ một cuộc bàn bạc hay thương lượng về vấn đề này, chúng ta cần chắc chắn Nga đã thay đổi hướng đi và theo một con đường khác”.
Ngày 8/6, ông Trump cho rằng Nga nên có mặt ở bàn đàm phán tại hội nghị G7. Phía Canada lập tức lên tiếng phản đối đề xuất của ông Trump, theo Sputnik. Đại diện từ phía Nga cũng cho hay hiện Moscow đang tập trung vào mô hình khác, không phải là G7.
Tổng thống Trump rời G7 sớm
Trong những ngày qua căng thẳng nội bộ khối G7 đã gia tăng. Mâu thuẫn bắt đầu bằng việc các đồng minh của Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại đơn phương vì lợi ích nước Mỹ, cho đến đề xuất bất ngờ của ông Trump và việc ông sẽ rời cuộc họp từ sớm với lý do bay tới Singapore chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6.
Theo lịch trình từ Nhà Trắng, ông Trump sẽ chỉ dự cuộc họp đến phần nội dung “bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”, và bỏ qua chủ đề thảo luận về “biến đổi khí hậu và năng lượng sạch”.
Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã gạt bỏ đi vai trò truyền thống của Washington tại G7. Trong khi những người tiền nhiệm của ông ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại tuân thủ luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới thì quan điểm của ông Trump là ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ vì ông cho rằng Mỹ đang là nạn nhân của những thương vụ không công bằng.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lo ngại rằng với tình hình căng thẳng hiện tại 7 thành viên trong khối có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump dường như đang đi những nước cờ khá mạo hiểm vào thời điểm này khi ông cần rất nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh trong các vấn đề đàm phán với Triều Tiên và tình hình Trung Đông.
Ông Sebastian Mallaby, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định rằng quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại ở G7 đã đi tới một cuộc khủng hoảng cấp độ cao hơn, cho rằng vấn đề không còn là vì căng thẳng thương mại, mà là quan điểm của ông Trump với một hệ thống đã tồn tại lâu nay.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí