Kinh tế

Formosa Hà Tĩnh dính nghi vấn chuyển giá

Trong một báo cáo gửi Tổng cục Hải quan gần đây, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh thông tin về nhiều tờ khai của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) có trị giá hàng hóa lớn hơn nhiều so với con số đã được đăng ký trong danh mục miễn thuế.

Hải quan cho rằng Formosa Hà Tĩnh đã nâng khống giá trị thiết bị lên cả triệu đôla và nghi vấn chuyển giá tại doanh nghiệp này.

hatinh24h

Hệ thống các nhà máy trong công trường Formosa. Ảnh: Đức Hùng.

Cụ thể, Formosa đã nhập khẩu rất nhiều hàng hóa là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, phục vụ các hạng mục của Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công ty khai với hải quan nhập khẩu vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với giá 1,63 triệu USD nhưng giá của thiết bị này lại được khai trong danh mục miễn thuế là 1,48 triệu USD. Như vậy có sự chênh lệch tới gần 155.000 USD.

Theo giải trình của Formosa, sở dĩ có sự chênh lệch này là thời điểm nhập khẩu đến khi đăng ký danh mục miễn thuế khá dài nên đó chỉ là con số kê khai tạm tính. Formosa cho biết sắp tới có thể còn phát sinh nhiều trường hợp tương tự.

Mặc dù vậy, theo quan điểm của Cục Hải quan Hà Tĩnh, với những trường hợp chênh lệch trị giá quá lớn như của Formosa, cũng có thể đặt vấn đề nghi vấn về việc khai tăng trị giá hàng hóa, chuyển giá.

Cũng theo Hải quan Hà Tĩnh, Formosa còn thuê một công ty riêng (Công ty Tiếp vận SAS Vũng Áng) khai thuê tờ khai hải quan theo loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ để nâng khống giá trị máy móc. Sau kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng là 348.659 USD trong khi trên hóa đơn thương mại từ nước ngoài là 1,42 triệu USD.

Khi bị yêu cầu bổ sung chứng từ, Formosa vẫn không thể thực hiện nên đã hủy bản cũ, mở tờ khai mới với giá trị hàng hóa chỉ còn 470.690 USD (thay vì 1,42 triệu USD như trước đó). Do đó, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh cho rằng có thêm cơ sở để nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm tăng chi phí đầu vào của Formosa.

Trước đó, sau khi kiểm tra hoàn thuế năm 2013, 2015 và 2016, Formosa liên tiếp bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu. Cụ thể, kiểm tra từ tháng 8 đến tháng 12/2013, cơ quan chức năng truy thu hơn 283 tỷ đồng của Formosa do thiếu chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hợp đồng kèm theo dịch vụ chưa được kê khai đầy đủ…

Tương tự, sau kiểm tra hoàn thuế năm 2015, cơ quan thuế nhận định Formosa nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài để tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, điều chỉnh giảm giá trị công trình hơn 4.000 tỷ đồng và thu hồi số thuế 225 tỷ đồng đã hoàn. Mới đây nhất, kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 cũng phát hiện gần 20.000 hóa đơn đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định.

Theo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP