Theo đó, mặc dù khí thải, nước thải của Formosa hiện tại đã đáp ứng được các quy chuẩn môi trường nhưng đơn vị này còn nhiều công trình bảo vệ môi trường phải thực hiện trong vài năm tới.
Phát hiện lỗi trong quy trình vận hành và sử dụng hóa chất
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), trong giai đoạn 1, Formosa dự kiến sẽ đưa vào hoạt động hai lò cao và các hạng mục phụ trợ. Tính đến tháng 10/2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải phục vụ lò cao số 1 đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.
Với nước thải ra môi trường, Bộ TN&MT cho biết, trước khi xảy ra sự cố môi trường làm cá chết ở miền trung, nước thải sinh hoạt và sinh hóa chỉ được xử lý sơ bộ tại trạm sinh hóa (có công suất thiết kế là 4800m3, công suất đang sử dụng 1200 m3) và trạm sinh hoạt (có công suất thiết kế là 2400m3, công suất đang sử dụng là 1000m3) đổ về trạm xử lý nước thải công nghiệp xử lý chung rồi thải ra môi trường.
Sau sự cố môi trường, Bộ TN&MT yêu cầu Formosa phải xử lý nước thải sinh hóa, sinh hoạt đạt quy chuẩn ngay tại trạm sinh hóa và trạm sinh hoạt trước khi đổ vào trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Tại trạm xử lý nước thải công nghiệp (trạm xử lý cuối cùng trước khi nước thải đổ ra biển –PV), nước thải phải tiếp tục xử lý để đạt quy chuẩn 52 về nước thải công nghiệp ngành thép và thêm 5 thông số trong quy chuẩn 40 về nước thải công nghiệp.
Trong quá trình thực hiện các yêu cầu trên, Formosa đã phát hiện lỗi trong quy trình vận hành và tỷ lệ sử dụng hóa chất. Bộ TN&MT cho biết, công ty sau đó phải tiến hành hiệu chỉnh hoàn thiện quy trình, liều lượng hóa chất, bổ sung thêm hóa chất khử màu, khử xyanua. Formosa cũng phải lắp thêm 6 thông số của hệ thống quan trắc nước thải tự động, nâng số chỉ tiêu quan trắc tự động là 12, gồm cả xyanua và phenol- hai độc tố gây ra sự cố cá chết hàng loạt). Bộ TN&MT cho biết, từ 27/7/2016 đến nay, nước thải ra biển đã đạt quy chuẩn cho phép.
Về vấn đề bùn thải nguy hại gây xôn xao thời gian qua, theo Bộ TN&MT, Formosa đã dừng việc chuyển giao chất thải rắn thông thường và một số loại chất thải nguy hại như hóa chất thải, bùn thải cho các đơn vị không có chức năng xử lý.
Hiện nay, tại công ty vẫn đang tồn trữ khoảng 711,5 tấn bùn thải nguy hại. Mỗi tháng lại phát sinh thêm 97 tấn. Các loại bùn thải này đang được Formosa lưu trữ, một phần đã chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý. Tính đến ngày 29/10/2016 đã chuyển giao 125 tấn bùn thải sinh hóa. Formosa cũng ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn và Công ty CP Tập đoàn Thành Công để xử lý bùn thải trong lò nung xi măng.
Ngoài ra, đơn vị này còn phát sinh khoảng 51 tấn chất thải nguy hại mỗi tháng gồm dầu thải, cặn sơn, hộp mực in thải…, trong đó còn tồn trữ khoảng 96,2 tấn chất thải nguy hại. Theo Bộ TN&MT, các loại chất thải này sẽ được Formosa chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý.
Giữa năm 2019 phải hoàn thành chuyển đổi công nghệ
Theo Bộ TN&MT, mặc dù khí thải, nước thải hiện tại của Formosa đáp ứng được các quy chuẩn môi trường. Tuy nhiên, để nâng cao hệ số an toàn và khả năng ứng phó sự cố, ngày 6/11/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký quyết định phê duyệt nguyên tắc, kế hoạch, lộ trình khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường của Formosa.
Cụ thể, với trạm xử lý nước thải sinh hóa (nơi lưu trữ nước thải luyện cốc-nước thải độc hại nhất của nhà máy gang thép với hàm lượng phenol và xyanua rất cao-PV), Formosa sẽ phải bổ sung thêm một chỉ tiêu quan trắc tự động nữa là Fe (cũng là tác nhân gây sự cố cá chết hàng loạt), bổ sung công đoạn tiền xử lý keo tụ và công đoạn lọc nước thải sau xử lý. Bộ TN&MT cũng yêu cầu Formosa nghiên cứu, rà soát lại, hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải sinh hóa để đảm bảo không phát tán Phenol và các hợp chất hữu cơ khác ra ngoài môi trường.
Với trạm xử lý nước thải công nghiệp (trạm xử lý cuối cùng trước khi ra môi trường), Formosa sẽ phải lắp thêm 4 bể lọc, được kiểm soát tự động bằng 13 thông số. Đối với hệ thống hồ chỉ thị sinh học, công cụ được coi là tốt nhất để kiểm soát chất lượng nước thải trước khi ra môi trường, Bộ TN&MT cho biết, Formosa đang kết hợp xây dựng hồ sự cố và hồ sinh học để xử lý hai dòng nước thải riêng biệt là nước thải sinh hóa (nước thải luyện cốc) và nước thải công nghiệp.
Hệ thống hồ này rộng 10ha, nước thải sinh hóa, công nghiệp sau khi được xử lý sẽ chảy qua hệ thống hồ này rồi được bơm vào đến trạm quan trắc online trước khi xả ra vịnh Sơn Dương. Tuy nhiên thời hạn bao giờ FMS phải hoàn thành hệ thống hồ chỉ thị sinh học quan trọng này không được Bộ TN&MT đề cập.
Về vấn đề chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô, Bộ TN&MT cho biết, từ ngày 31/1/2017, Formosa phải chính thức thực hiện chuyển đổi công nghệ. Trước ngày 31/3/2019, công ty này phải hoàn thành hệ thống dập cốc khô số 1 và trước ngày 30/6/2019 phải hoàn thành hệ thống dập cốc khô thứ 2.
Về vấn đề giám sát, kiểm tra, theo Bộ TN&MT, sẽ kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất. Formosa chỉ được phép vận hành chính thức các công trình sản xuất khi hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường về xử lý chất thải và giám sát, kiểm soát chất thải và hoàn thiện hệ thống hồ chỉ thị sinh học.
Nguyễn Hoài