Lỗ nặng hơn 1.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 thể hiện quý kinh doanh khó khăn và bết bát. Kết quả này được nêu ra trong bối cảnh thượng tầng lãnh đạo doanh nghiệp có sự xáo trộn mạnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Cụ thể, trong quý II này, FLC chỉ đạt 576,1 tỷ đồng doanh thu thuần, "bốc hơi" tới 65,6% so với kết quả đạt được ở cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tập đoàn này đã khắc phục được tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi giá vốn hàng vốn trong kỳ sụt rất mạnh từ mức 1.822,8 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn 472,1 tỷ đồng (tương ứng giảm hơn 74%). Nhờ giá vốn giảm nên FLC có lãi gộp 104 tỷ đồng (quý II năm ngoái lỗ gộp 148,9 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động giảm "sốc", chỉ đạt 65,6 tỷ đồng, bằng chưa tới 11% của cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm 24,3% còn 148,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết của FLC tăng cực mạnh. Nếu cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận lỗ 5,7 tỷ đồng thì quý II năm nay, mảng này lỗ đến 317,3 tỷ đồng (tăng tới 56 lần).
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 39,7% và 65,3% lên 46,1 tỷ đồng và 295,1 tỷ đồng.
Doanh thu không đủ bù chi phí khiến FLC bị lỗ thuần 637,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vào quý II/2022 (cùng kỳ lãi thuần 41,1 tỷ đồng). Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng chỉ đạt 25,8% mức cùng kỳ, đạt 1,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh theo quý của FLC (Biểu đồ: Mai Chi). |
Kết quả, quý II năm nay, FLC lỗ trước thuế 635,9 tỷ đồng (so với mức lãi 47,3 tỷ đồng của quý II/2021). Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp lên 640,2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 20,9 tỷ đồng), trong đó, lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 643,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 25,7 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC đạt 1.661,2 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ bằng xấp xỉ 40% cùng kỳ và lỗ sau thuế 1.105,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 63,5 tỷ đồng).
Một cá nhân cho FLC vay 621 tỷ đồng
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tại ngày 30/6, FLC đang phải dự phòng đáng kể đối với các khoản đầu tư chứng khoán tại cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái là AMD, HAI, KLF. Riêng HAI phải dự phòng 133,6 tỷ đồng so với giá gốc 170,4 tỷ đồng.
|
Một số biến động đáng chú ý về dư nợ vay của FLC trong nửa đầu năm (Nguồn: BCTC). |
Trong 4.015 tỷ đồng giá trị đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, FLC đang có 4.015 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) song tại ngày 30/6, FLC đang phải gánh lỗ cho khoản này tới 954,8 tỷ đồng.
Nợ xấu ngắn hạn tại ngày 30/6 là 344,7 tỷ đồng và phải dự phòng 132,2 tỷ đồng, trong đó, dự phòng nợ xấu với khoản trả trước cho người bán lên tới 119,2 tỷ đồng.
Cũng tại ngày 30/6, FLC có 1.534 tỷ đồng giá trị vay ngắn hạn, tăng hơn 166 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, FLC không còn dư nợ vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - CN Hà Nội (OCB Hà Nội), theo đó, thanh toán xong 573,3 tỷ đồng.
Ngược lại, tập đoàn xuất hiện khoản vay 185,2 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday. Một cá nhân là ông Lê Thái Sâm cũng đang cho FLC vay ngắn hạn tới 621 tỷ đồng.
Dư nợ vay dài hạn giảm mạnh xuống còn 1.380 tỷ đồng tại ngày 30/6 so với mức 3.296,3 tỷ đồng tại ngày 1/1. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - CN Hà Nội (Sacombank Hà Nội) đã thu hồi xong toàn bộ 1.240 tỷ đồng nợ vay của FLC. Sacombank còn thu hồi được 600 tỷ đồng nợ vay dài hạn của FLC.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí