Đền ơn - Đáp nghĩa

Đức Thọ: Đau đớn tột cùng vong linh của liệt sĩ Hoàng Thiên!

Từng là Bộ đội Cụ Hồ, khi đến trước di ảnh của liệt sĩ Hoàng Thiên và thân sinh liệt sĩ ở góc nhà của người chị gái để thắp nén nhang, phóng viên và những người có mặt không khỏi ngậm ngùi, không biết vong linh của họ có được chứng kiến việc này không, vì theo thuyết tâm linh thì vong của dòng họ này không được nhập vào dòng họ khác. “Vì thương cha, thương mẹ, thương em không nơi thờ tự, tôi phải xin phép đằng nội đưa về đây thờ, chắc dưới cõi âm, anh rể, và đằng nội họ cũng thương tình, dưới cõi âm họ không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm như người trần đâu chú ạ!” – bà Sơn nói trong nước mắt. Thật trớ trêu, một thanh niên trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc, họ còn tiễn biệt nhau trong một mái ấm gia đình, nhưng khi trở về thì chỉ là một vong linh và phải vất vơ đầu đường xó chợ. Biết rằng thời nay ở Hà Tĩnh, tấc đất là tấc vàng nên những người có chức, quyền dùng mọi thủ đoạn để cướp của dân nên họ chẳng cho không ai, nhưng sau bài viết này chúng tôi mong tỉnh Hà Tĩnh hãy mở chút lương tâm, bán cho chúng tôi, những đồng đội của liệt sĩ Hoàng Thiên chỉ 1m2 đất thôi giá bao nhiêu cũng được để xây cho liệt sĩ và thân sinh cái miếu thờ ngay trên quê hương.

Sống còn nhà, chết không nơi thờ cúng

Trong nội dung đơn của ông Lê Đặng Thái và ông Trần Cảnh Dương tố cáo ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ (cựu Chủ tịch UBND huyện) và cán bộ xã Đức Long về hành vi cấp, bán đất trái pháp luật gây thất thoát cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng, có nói đến nội dung chính quyền địa phương cướp đất của gia đình liệt sĩ Hoàng Thiên.

ht24h

Lần theo dấu đơn thư, phóng viên về xã Đức Long chứng kiến cảnh đau lòng và không khỏi bất ngờ, vì sao chính quyền ở đây lại táng tận lương tâm đến vậy?

Cụ Hoàng Lữ và cụ Trần Thị Con ở thôn Đồng Vịnh xã Đức Long, huyện Đức Thọ sinh được 5 người con, liệt sĩ Hoàng Thiên là con thứ tư và là con trai độc nhất. Theo bà Sơn (chị gái) thì liệt sĩ Hoàng Thiên sinh năm 1944, nhập ngũ năm 1962, hi sinh tại chiến trường miền Nam năm 1970. Gia đình cụ Hoàng Lữ có nhà và khoảng 600m2 đất ở thôn Đồng Vịnh. Năm 1980 hai cụ sức yếu, do con trai đã hi sinh nên hai vợ chồng con gái út là Hoàng Thị Ngụ và ông Nguyễn Văn Truyền phải về ở với hai cụ để chăm sóc. Đến năm 1986 hai cụ qua đời, ông Truyền, bà Ngụ phải về chăm sóc ông bà nội. Năm 1992, bà Ngụ bị bệnh nặng phải đi điều trị ở bệnh viện dài ngày, hoàn cảnh ông Truyền hết sức khó khăn nên không có điều kiện chăm sóc nhà cửa cho bố mẹ vợ. Trong khi bà Ngụ đi chữa bệnh, ông Truyền phải đi chăm sóc vợ, thì ở nhà UBND xã Đức Long do ông Bạch Đồng khi đó là Chủ tịch xã đã làm giả giấy trả đất, giả mạo chữ kí của bà Ngụ và ông Truyền để lấy đất bán cho ông Nguyễn Viết Hòa và bà Đồng Thị Liễu.

Năm 1993, bà Ngụ qua đời, ông Truyền làm đơn tố cáo, đề nghị chính quyền trả lại đất làm nơi thờ tự cho bố mẹ vợ và liệt sĩ Hoàng Thiên. Sau hàng chục năm và hàng chục lần viết đơn tố cáo, chính quyền địa phương họp và thống nhất cấp cho liệt sĩ 60m2 đất trước nhà cũ đã bán cho ông Hòa nhưng ông Hòa không đồng ý.

Chỉ lừa để mị dân, “đừng nghe những gì họ nói”

Trước ngày 27/7/2014, UBND xã lại hứa cấp cho liệt sĩ 200m2 đất ruộng sâu đối diện với đất cũ của liệt sĩ và hứa sẽ san lấp mặt bằng, xây nhà thờ trước ngày Thương binh – Liệt sĩ. Nhưng đã qua ngày 27/7/2014, đám đất vẫn là vũng nước sâu, vẫn là nơi dân làng nuôi vịt. Khi tiếp xúc với nhiều người dân ở thôn Đồng Vịnh, biết chuyện liệt sĩ Hoàng Thiên và hai cụ thân sinh phải đi “thờ nhờ” thì ai cũng ngậm ngùi, có người còn bức xúc nói rằng, “đừng nghe những gì họ nói”.

Mảng tối trong vùng trời sáng

Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Hồng và liệt sĩ Hoàng Thiên là người của thôn Đồng Vịnh, xã Đức Long, nhưng liệt sĩ Nguyễn Hồng may mắn và hạnh phúc hơn là còn có em trai từng là cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Tĩnh, các chị em có điều kiện hơn nên có nơi thờ tự. Hạnh phúc hơn nữa với liệt sĩ Nguyễn Hồng là được cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam xây đài tưởng niệm tại dốc Bản Khả, thôn 4, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tên tuổi, vong linh của liệt sĩ sống mãi trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình và người dân Quảng Nam, còn vong linh liệt sĩ Hoàng Thiên  hơn 20 năm nay phải bơ vơ, chẳng biết ở đâu.

lietsy

Rời Đức Long trong đau thương của tình đồng đội, đi qua thị trấn Đức Thọ nhìn những ngôi biệt thự lộng lẫy của cán bộ huyện với hàng nghìn mét vuông đất và cây cảnh xum xuê, chúng tôi không quên cầu khấn vong linh liệt sĩ rằng chúng tôi nguyện làm hết sức mình để giúp liệt sĩ có nơi thờ tự dù chỉ là 1m2 đất thôi vì những người dân nghèo nơi quê hương vẫn thương nhớ và biết ơn liệt sĩ.

Được biết, liệt sĩ Hoàng Thiên trước khi lên đường nhập ngũ đã có người yêu. Người vợ chưa cưới của liệt sĩ Hoàng Thiên tên Nguyễn Thị Lan, sau khi hay tin người yêu hi sinh, biến đau thương thành hành động bà Lan cũng đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ và rồi cũng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chiến tranh lùi xa gần 40 năm mà đến nay chẳng được ai cho bà một nén nhang. Than ôi! Chỉ có trời xanh thấu hiểu, trên đời này còn bao nỗi bất công. Bỗng nhiên câu chuyện Thạch Sanh và Lý Thông lại hiện vào trong trí óc chúng tôi. Thật cay đắng, thật phũ phàng.

 Bài và ảnh Kiều Đình Liệu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP