Trong nước

“Đồng thừa kế” với ông Trần Văn Truyền lên tiếng về “siêu” biệt thự

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở quận 9, TPHCM

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở quận 9, TPHCM

Sau khi Một Thế Giới đăng bài Nghi vấn về căn “siêu” biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Sài Gòn, một người phụ nữ đã lên tiếng và yêu cầu phóng viên đề cập bà với tư cách là “người đồng thừa kế với ông Truyền” chứ không phải danh xưng khác mà dư luận đang quan tâm.

“Tôi rất thương anh Ba Truyền”
Từ khi ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ nhắc đến sự giúp đỡ của người em gái nuôi, dư luận đã nghi vấn đặt câu hỏi: Làm sao có người em gái tốt đến vậy?.
Trả lời về thắc mắc này, người đồng thừa kế với ông Truyền (yêu cầu được giấu tên) cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống lâu đời, hai bên dòng họ nội ngoại toàn là người trí thức và giỏi làm ăn nên con cháu được thừa kế một nền tảng rất vững chắc.
Không may, trời cho tôi tài sản, trí tuệ, năng lực nhưng cũng cướp mất của tôi hết những người thân yêu, ruột thịt. Bản thân tôi cũng bệnh hiểm nghèo, không thể lập gia đình và có con. Nên tôi cũng nhận con nuôi như mẹ tôi để có người hương khói cho gia tiên. Vì phần lớn dòng họ ruột đều định cư ở nước ngoài.
Giờ đây, với khối tài sản mà tôi nắm trong tay, tôi chỉ muốn đi san sẻ với những số phận khó khăn hơn tôi, và phục vụ đam mê hội họa của mình… Còn thì giúp đỡ anh em trong nhà, nuôi dạy các con nuôi nên người. Tuy là người đồng thừa kế, không ruột thịt nhưng tôi rất thương anh Ba Truyền”.

Về ông Trần Văn Truyền, bà chia sẻ thêm: “Còn về chuyện anh Ba Truyền, tuy chỉ là con nuôi, nhưng anh luôn làmtrọn lời trăng trối của mẹ. Suốt 10 năm nay, anh lo chuyện cúng giỗ ông bà tổ tiên rất chu đáo, tôi vô cùng cảm kích nghĩa cử của anh ấy. Ảnh không về ở nhà thừa kế vì mẹ ruột của ảnh muốn ở lại Bến Tre, tôi tôn trọng quyết định của anh, và cho anh mượn tiền để xây nhà mới, đồng thời tìm người đồng thừa kế khác mua lại căn nhà giúp anh, âu cũng là chuyện hợp đạo lý mà. 

Tôi mong báo chí tôn trọng quyền riêng tư của gia đình chúng tôi, di chúc và hồ sơ chủ quyền nhà, anh Ba Truyền đã nộp cho cơ quan chức năng rồi. Căn nhà này, anh Truyền đã kê khai tài sản từ năm 2006 theo quy định”.
 Người đồng thừa kế với ông Trần Văn Truyền đang trao đổi với PV
Người này cho biết thêm, căn “siêu” biệt thự nghi vấn là của ông Truyền trên thực tế là của bà. Căn của ông Truyền nhỏ hơn và cũng nằm trong khu biệt thự này.

Theo người đồng thừa kế với ông Truyền, thì bà đã mua căn biệt thự từ ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty Trí Việt – First News. Trước đó, bà và ông Phước đã cùng nhau mua khu đất này. Vì lý do an toàn, hai người có làm cam kết không mua bán, chuyển nhượng nhà đất nơi đây cho người lạ.

Thế nhưng, ông Phước lại đem bán nhà cho người ngoài. Người đồng thừa kế với ông Truyền biết được, liền đem tiền cọc đến chuộc lại căn nhà. Sau đó sửa sang lại, trang trí, lắp đặt hệ thống đèn, tường rào .v.v. căn biệt thự mới có dáng vẻ trang trọng, bề thế như ngày hôm nay.

Bà cho biết thêm, dù sở hữu căn biệt thự sang trọng như vậy, nhưng bà rất ít khi ở đây. Phần lớn thời gian bà ở nước ngoài để lo công việc làm ăn của mình.

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền

Cũng theo người đồng thừa kế này, thì toàn bộ khu đất rộng hơn 5.000 mét vuông trên đường Long Phước là gia sản của dòng họ bà. Dòng họ của bà bao gồm bên ngoại lẫn bên nội đều là danh gia vọng tộc với khối tài sản đồ sộ.

Nhưng không may, mẹ ruột bà có 4 người con thì mất hết 3, chỉ còn mình bà là con gái út. Vì neo đơn, nên mẹ ruột bà rất thích nhận con nuôi. Ông Trần Văn Truyền chỉ là một trong số nhiều người con nuôi khác của gia đình này.

Năm 1999, mẹ ruột bà có lập di chúc chia khu đất thành nhiều phần để các con thừa kế. Năm 2001, mẹ ruột bà (cũng là mẹ nuôi của ông Truyền) không may qua đời. Lúc này ông Trần Văn Truyền vẫn là một công chức bình thường, chưa lên chức Tổng thanh tra Chính phủ.

Theo di chúc, ông Trần Văn Truyền được sở hữu một mảnh đất nhưng ông không chịu nhận. Mãi đến năm 2005, người đồng thừa kế với ông Truyền đã tìm gặp ông và mong ông nhận phần thừa kế, vì đây là tài sản thiêng liêng của dòng họ.

Ông Truyền đồng ý nhận mảnh đất khoảng 800 mét vuông. Nhưng ông chỉ sử dụng hơn 200 mét vuông để xây nhà. Năm 2007, ông Trần Văn Truyền sang lại cho ông Thành (cũng là người đồng thừa kế) 300 mét vuông đất với giá 1 tỷ đồng.
 Căn biệt thự của ông Truyền xây trên mảnh đất được thừa kế, theo lời người đồng thừa kế
Năm 2011, ông Trần Văn Truyền về Bến Tre sinh sống. Vì mẹ ruột của ông Truyền không muốn ở TP.HCM nữa, nên ông Truyền và các con quyết định xây căn biệt thự tại Bến Tre. Dự định căn biệt thự đồ sộ tại Bến Tre sẽ dành cho “tam đại đồng đường” cùng ở, theo lời người đồng thừa kế cho biết.

Thế nên, ông Truyền có ý định thế chấp ngân hàng căn nhà tại quận 9 của mình. Tuy nhiên, theo di chúc người mẹ nuôi để lại, chỉ được bán mua, chuyển nhượng cho các anh em trong gia đình, không được bán cho người ngoài. Vì tất cả các anh em nuôi đều không có nhu cầu và khả năng mua lại căn nhà, nên người đồng thừa kế nêu trên đã quyết định giúp đỡ ông Truyền.

Bà mua căn nhà nói trên với giá 4 tỷ đồng, ông Truyền đã dùng số tiền đó để xây biệt thự ở Bến Tre. Nhưng, vì là chỗ anh em, bà vẫn chưa buộc ông Truyền phải sang tên sổ đỏ theo đúng luật. Nên hiện tại, căn nhà này vẫn thuộc sở hữu của ông Trần Văn Truyền.

Căn nhà của ông Trần Văn Truyền cùng nằm trong khu biệt thự trên đường Long Phước, cách căn “siêu” biệt thự của người đồng thừa kế nói trên khoảng 300 mét. Căn nhà nằm góc cuối khu đất, sát với bờ sông nên bị khuất tầm nhìn so với những căn biệt thự khác.
 Căn biệt thự luôn cửa đóng, then cài vì không ai sử dụng
Biệt thự được xây làm hai tầng, cũng dùng kiểu tường rào sơn trắng, cổng vòm cao giống như các căn khác trong khu biệt thự. Đường vào khá nhỏ hẹp, nhưng sạch sẽ và rợp mát bóng cây. Căn biệt thự có vẻ khá cũ kỹ do lâu không ai ở và được những người đồng thừa kế cử người thân quét dọn, coi sóc.
Người đồng thừa kế với ông Truyền khẳng định, căn nhà nói trên là tài sản rất minh bạch của ông Trần Văn Truyền. Vì đây là của thừa kế, có di chúc hẳn hoi. Người này cho biết thêm, về khối tài sản đồ sộ của mẹ bà, tất cả đều có giấy tờ để chứng minh nguồn gốc.
Tuy nhiên, như báo chí thông tin, mới đây Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền. Theo đó, Ủy ban đã cử đoàn cán bộ phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày. Dư luận đang chờ đợi kết quả đợt kiểm tra này.
Nhóm P.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP