Di tích - Thắng cảnh

Đồng Lộc, ngày giỗ 10 liệt nữ

Hôm nay, 24-7, hàng trăm đoàn khách từ mọi miền đất nước trở về Ngã Ba Đồng Lộc, vùng đất chứa đựng nhiều kỳ tích anh hùng và huyền thoại. Cũng đúng ngày này cách đây 42 năm về trước, 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) đã ngã xuống để lại tuổi xanh xuân mãi mãi ở nơi này

Hướng về Đồng Lộc
Hơn 40 trước, Ngã Ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông chủ đạo, là “yết hầu” của mọi tuyến đường ra Bắc, vào Nam. Vì thế, ngã ba này trở thành túi bom, là tử địa.
Đến với Đồng Lộc hôm nay, sự mất mát hi sinh không còn nữa, chỉ hiện hữu một mầu xanh bất diệt. Màu xanh diệu kỳ càng tôn thêm sắc lung linh, thiêng liêng và bi tráng cho quần thể di tích: Tượng đài chiến thắng, quảng trường cụm biểu tượng ngành giao thống vận tải, các lực lượng công an, bộ đội; nhà trưng bày bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc, nhà truyền thống lực lượng TNXP; nhà bia tưởng niệm, khu mộ 10 cô.
Anh Nguyễnq Văn Thắng, trưởng Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng lộc cho biết: Ngày cao điểm, nơi đây đón tiếp hàng trăm đoàn. Mỗi năm ước tính có khoảng 80.000 lượt người thăm quan, khi các hạng mục di tích hoàn thành, có thể sẽ đón trên 100 nghìn lượt người/năm.

Ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược chiến lược Bắc – Nam đi qua qua địa bàn Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Nhận rõ vị trí quan trọng này, địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm mọi giá biến nơi này thành điểm chết, “trở về thời kỳ đồ đá”. Từ tháng 4 đến tháng 10-1968, địch đánh vào Ngã ba 1863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn Rốc Két và đạn 20 mm.
Giữa tháng 4, công trình cột đèn năng lượng mặt trời và năng lượng gió trị giá 200 triệu đồng chiếu sáng khu mộ 10 cô do Tập đoàn kinh tế Kim Đỉnh tặng; Công trình trùng tu, phục dựng hố bom lưu chứng tích 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc do Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng phát triển Hà Tĩnh, Ngân hàng phát triển Nghệ An tài trợ cũng đã đưa vào sử dụng .
Tháp chuông và đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc được khởi công tháng 3-2009 với kinh phí 32 tỉ đồng. Quả chuông nặng hơn năm tấn được treo trên tháp bẩy tầng, cao 36m. Cụm tượng 10 nữ TNXP đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc dài 20m là dự án bằng nguồn vốn đóng góp tự nguyện trong ngành GD&ĐT đang gấp rút hoàn thành…
Ngay tại đêm giao lưu ca nhạc Nghĩa tình Đồng Lộc tối 23-7 tổ chức tại nhà văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, đã quyên góp được 23 tỷ xây dựng tháp chuông.
Biểu tượng của ý chí Việt Nam

Hồi 17h ngày 24/7/1968, 10 cô gái trẻ tuổi đời từ 17 đến 22 tuổi tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lập hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo nhanh chóng thông xe. Một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình. Cả 10 cô đã hy sinh. Tôn vinh chiến tích của các cô, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho họ. Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Tên tuổi của 10 cô gái mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước, mãi mãi là thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam anh hùng .
Trong đoàn người nườm nượp đổ về khu di tích, du khách dễ dàng nhận ra có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về đây thành kính dâng hương. Đặc biệt, là sự có mặt của gần 150 đại biểu sinh viên, thanh niên kiều bào trại hè 2010. Em Hoàng Anh (Cộng hòa Belarut) nghẹn ngào: “Từ hôm qua, đoàn được đi viếng các nghĩa trang Quảng Trị, Hà Tĩnh. Hôm nay, đứng trước 10 ngôi mộ của các liệt nữ, lòng em trào dâng niềm xúc động và tự hào sâu sắc. Nước Việt Nam mình thật anh hùng. Thế hệ trẻ chúng em nguyện học tập và rèn luyện để mai sau trở về xây dựng đất nước, xứng đáng với sự hi sinh của các liệt sĩ”.
Dòng người kiên nhẫn xếp hàng chờ tới đoàn mình, cúi đầu mặc niệm tại khu tưởng niệm 10 cô. Nhiều người không ngăn được dòng nước mắt dù đã từng quay trở lại đây nhiều lần. Trên các ngôi mộ trắng, chất đầy hoa tươi và gương, lược, bồ kết. Sau lưng các cô nằm rất nhiều cây trái, đặc biệt có hai cây bồ kết đang độ trổ hoa do đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, đồng đội cũ của 10 cô trồng theo lời thỉnh cầu trong bài thơ của nhà thơ Vương Trọng:
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêuNgày bom vùi tóc tai bết đấtNằm trong mộ mái đầu chưa gội đượcThỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trangCho mọc dậy vài cây bồ kết.Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.
Đêm 3-6-1972, tại ngã ba này, chàng sinh viên khoa Toán, Nguyễn Văn Thạc đã viết trong nhật ký của mình: “Chào hậu phương-chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi-Nhất định có ngày trở về thủ đô yêu dấu của lòng tôi”. Lời hẹn ấy mãi mãi không trở thành hiện thực, bởi chàng sinh viên ấy đã nằm lại tại chiến dịch mùa hè nóng bỏng Quảng Trị, để lại cuốn nhật ký gây rúng động thế hệ trẻ. Ông Ngô Quang Năng, Giám đốc Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trưởng đoàn đưa gần 30 cựu chiến binh thủ đô Hà Nội cho biết: “Chúng tôi trở về đây nhân dịp 42 năm ngày kỷ niệm lực lượng TNXP, ngày giỗ 10 chị, và cũng muốn tìm về tận nơi Thạc, đồng đội của chúng tôi từng đi qua, tìm về tận nơi anh đã nằm xuống tại Quảng Trị…”
Bác sỹ Nguyễn Tiến Quang (Thanh Sơn-Phú Thọ) rơm rớm: “Ai từng ra chiến trường đều đối diện với gian khổ và hi sinh, nhưng lực lượng TNXP lại có thiệt thòi riêng. Tôi còn nhớ những lần hành quân, các chị ra tận những hố bom chưa tan hết khói, những ngầm sâu… dùng khăn tay của mình vẫy làm cọc tiêu cho các chuyến xe đi qua an toàn. Xà phòng, nước sạch không có để gội đầu, các chị phải ra suối nhiễm chất độc để tắm gội, tóc ai cũng rụng hết. Quần áo bị sức ép bom đạn làm rách tả tơi không có kim chỉ khâu, đành lấy dây rừng buộc tạm. Không ít lần, đám lính trẻ chúng tôi không dám nhìn, lặng lẽ quay đi lau nước mắt.”
Cũng nhân chuyến thăm này, đoàn đã tặng Khu di tích tấm pano có ghi dòng chữ của liệt sĩ Thạc đã viết. Ông Nguyễn Văn Thục cũng trao tặng Khu di tích tấm chân dung của người em mình, liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Tấm lòng của đoàn cựu chiến binh thủ đô đã làm xúc động toàn thể ban Quản lý Khu di tích và du khách có mặt tại mảnh đất này.
Tạm biệt Ngã ba Đồng Lộc, ngược chiều với chúng tôi, từng đoàn người xe vẫn nối đuôi nhau hướng về khu di tích.
Trời cao thăm thẳm. Thông xanh mướt mát. Hoa mua rực rỡ khoe sắc thắm rung rinh từng cánh hoa nhỏ xíu cố vươn lên như vẫy chào thay lời tạm biệt. Ai cũng nhủ lòng hẹn gặp lại mảnh đất anh hùng và huyền thoại này vào một ngày gần nhất.

Chỉ trong 5 tháng, chúng ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong tháng 7 năm 1968 ta đã phá 1780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới . Quân và dân các xã đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục chiến đấu, đào đắp 95.209 m3 đất đá, vận chuyển 45 m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Tổng quân số toàn bộ mặt trận lúc cao điểm nhất là 16.000 người.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bên mộ các nữ liệt sĩ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tưởng nhớ các nữ Anh hùng.


Phóng viên Báo Nhân Dân bên cây bồ kết trồng tại Đồng Lộc của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh và Phó Tổng Biên tập Thuận Hữu.

Tấm pano có ghi dòng chữ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – Quà tặng của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.

Thanh niên Việt kiều tự hào về các nữ Anh hùng liệt sĩ.
Đặng Thanh Hà

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP