Nhắc đến địa danh Đồng Lộc (Can Lộc) là liên tưởng tới những hy sinh, mất mát do bom đạn của kẻ thù gây nên. Trong chiến tranh, nhận thấy Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, giặc Mỹ đã tập trung đánh phá trận địa này một cách ác liệt. Trong vòng 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), giặc Mỹ đã đánh xuống Đồng Lộc 2.000 trận với 50.000 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rốc-két và các loại đạn cối khác.
Đêm Đồng Lộc. Ảnh: Văn Bảy |
Bình quân mỗi tháng, giặc Mỹ đánh bom 28 ngày, suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu 3 quả bom, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, không một bóng cây, ngọn cỏ nào mọc được. Trong tiềm thức của bao thế hệ, địa danh Đồng Lộc trở thành nơi ghi công anh dũng của các LLVT và nhân dân cả nước. Ngã ba Đồng Lộc quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu hàng trăm liệt sỹ đã ngã xuống tại trận địa này. Nhắc đến Đồng Lộc là nhớ đến sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP thuộc Tiểu đội 4, C552 – Tổng đội 55, các chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.
Anh Trần Đình Ước – Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Gần đến ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, mỗi ngày, chúng tôi đón tiếp hàng trăm lượt khách về tham quan và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP toàn quốc và khu mộ 10 nữ TNXP, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GTVT Hà Tĩnh. Chúng tôi đã và đang cố gắng gìn giữ và bảo tồn di tích để Đồng Lộc mãi mãi là khúc tráng ca bất tử trong lòng người dân cả nước và bạn bè năm châu”.
Cũng nằm trên tuyến đường lịch sử Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tại xã Hương Đô có di tích Chỉ huy sở Tiền phương chiến dịch 559 đã được công nhận di tích QGĐB. Tháng 6/1966, cơ quan Tiền phương Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Khu IV và chân hàng cho tuyến 559, Chỉ huy sở đóng tại xã Hương Đô lúc đó có đồng chí Đồng Sĩ Nguyên – Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần.
Tại đây, vào hạ tuần tháng 6/1967, Bộ Tư lệnh 559 kết hợp với tuyến Tổng cục Hậu cần Tiền phương tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch mùa khô 1966-1967. Hội nghị này đã được các nhà sử học quân sự gọi là “Hội nghị Hương Đô”. Ngày 25/10/1968, Quân ủy T.Ư quyết định giải thể Bộ Tư lệnh 400 đảm bảo GTVT Quân khu 4, thành lập Bộ Tư lệnh 500, làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559. Thiếu tướng Nguyễn Đôn – Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Bộ Tư lệnh cũng đóng tại Hương Đô.
Từ giữa năm 1970-1971, Bộ Tư lệnh Đoàn 500 sáp nhập với Bộ Tư lệnh Đoàn 559, giới tuyến phụ trách từ Nam sông Lam Nghệ An đến Lộc Ninh – Bình Phước. Hai năm đó, Hương Đô vẫn là hậu cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Quá trình đóng quân tại đây, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được nhân dân giúp đỡ, chở che an toàn. Hiện nay, còn một số dấu tích của bộ phận hậu cần phục vụ Tư lệnh, bộ phận thông tin liên lạc, bộ phận quân y, hầm chỉ huy… Trong ký ức nhiều người dân vẫn còn lưu giữ hình ảnh những ngày Chỉ huy sở Tiền phương 559 đóng tại đây với bao niềm yêu mến và tự hào.
Hôm nay, trên những tọa độ lửa của di tích đường Hồ Chí Minh, cuộc sống ấm no đang trỗi dậy từng ngày. Đồng Lộc, Hương Đô mãi là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Hà Tĩnh mà còn là niềm tin yêu, ngưỡng mộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Minh Huệ – Vũ Huyền