Đến đời vua Tự Đức thứ 27 (năm Giáp Tuất 1874) ông được phong “Hàn lâm viện thị độc, ngụ phẩm triều đình”; đến đời vua Thành Thái thứ 11 (năm Kỷ Hợi 1899) được phong “Hàn lâm viện thị độc, phụng nghị đại phu, chánh ngụ phẩm” sắc bằng đã được lưu giữ trên 100 năm.
Trong cuộc đời làm quan của mình, ông luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, một người thầy mẫu mực, được nhân dân kính trọng. Ông qua đời ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa và được nhân dân lập đền thờ tri ân. Phát huy truyền thống của ông cha; hiện nay con cháu trong dòng họ Lê Bá đều học hành thành đạt, nhiều cháu độ đạt cao, nhiều gia đình phổ cập đại học, đến nay trong dòng họ đã có 5 tiến sỹ, 15 thạc sỹ, và trên 50 cháu, chắt vào đại học.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt cấp ủy, chính quyền Thị xã, đồng chí Nguyễn Văn Hổ – Chủ tịch UBND Thị xã nhấn mạnh: Danh nhân văn hóa Lê Lai Yến là một trong những người con ưu tú của dòng họ Lê Bá, chính ông đã góp phần làm rạng danh không chỉ dòng họ mà còn làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Là một vị quan thanh liêm, chính trực, một thầy giáo mẫu mực hết lòng thương dân và con trẻ. Tiếng thơm của ông đến nay vẫn được dân gian lưu truyền.
Việc nhà thờ Lê Lai Yến được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá vật thể không chỉ là sự tôn vinh một nhân vật lịch sử, truyền thống của một dòng họ, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Vì vậy, việc bảo vệ, gìn giữ và tuyên truyền về giá trị của di tích là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân phường Đức Thuận nói chung, con cháu dòng họ Lê Bá nói riêng, để di tích thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục những truyền thống cao đẹp của các thế hệ cha, ông cho muôn đời con, cháu mai sau.
Trọng Việt