Trong nước

Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng Đảng

 

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Những đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú về công tác xây dựng Đảng được khái quát trên một số nội dung sau:

1. Dự thảo Luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú góp phần khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn

Đầu năm 1930, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), đồng chí Trần Phú nhận Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, trở về nước hoạt động. Được sự giới thiệu của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau khi về nước, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và nhận nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.

Để có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng bản Luận cương, đồng chí đã đi khảo sát một số địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai (Quảng Ninh),… Chuyến khảo sát đó giúp đồng chí hiểu rõ hơn về tình hình công nhân, nông dân; về tổ chức và hoạt động của các cơ sở đảng, về tinh thần và thái độ cách mạng của các giai tầng trong xã hội.

Tháng 7-1930, kết thúc chuyến khảo sát, đồng chí Trần Phú về ở tại một ngôi nhà ở phố Giăng Xôle (Jean Soler), nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội. Chính tại đây, trong căn buồng nhỏ, lấy tấm phản gỗ làm bàn viết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu tình hình thực tiễn, soi rọi bằng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đồng chí Trần Phú đã dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.

Trong thời gian hoàn thành bản dự thảo Luận cương, đồng chí Trần Phú thường bàn bạc với đồng chí Nguyễn Thế Rục – người cùng học với đồng chí ở Trường Đại học Phương Đông. Hai người trao đổi, bàn luận về đường lối “Cách mạng tư sản dân quyền” (những vấn đề căn bản thể hiện trong bản dự thảo Luận cương), đồng thời cũng trao đổi với một số đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Như vậy, có thể coi bản dự thảo Luận cương chính trị là kết quả trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương mà đồng chí Trần Phú là linh hồn, là tác giả chính.

Dự thảo Luận cương chính trị được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10-1930) thông qua gồm 3 phần lớn:

1) Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.

2) Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương.

3) Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương, Luận cương phân tích về đặc điểm, tính chất, đường lối, mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.

Về tính chất xã hội, Luận cương nhận định, ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia), là xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Ở Đông Dương mâu thuẫn giai cấp giữa “một bên thì thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ; một bên thì địa chủ, phong kiến, tư bổn và đế quốc chủ nghĩa”(1).

Về đường lối, mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương, Luận cương nêu rõ: Lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó bỏ qua thời kỳ tư bản chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn đầu, cách mạng “có tánh chất thổ địa và phản đế”, cụ thể là đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ địa chủ đem lại ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến có mối quan hệ khăng khít với nhau, “có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”(2).

Về lực lượng cách mạng, Luận cương chỉ ra rằng: “… vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”(3). Các phần tử lao khổ ở thành phố như người bán rao, thủ công nghiệp nhỏ do đời sống cực khổ nên đều tham gia cách mạng.

Về phương pháp cách mạng, Luận cương xác định: Phải tùy tình hình mà đặt khẩu hiệu tối thiểu để bênh vực quyền lợi cho quần chúng. Đến lúc thực lực cách mạng lên cao, giai cấp thống trị lung lay, giai cấp trung gian muốn ngả về phía cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng để giành chính quyền. Con đường đi tới thắng lợi phải là con đường bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân: “Võ trang bạo động không phải là một việc thường,… phải theo khuôn phép nhà binh”(4).

Về vai trò, nhiệm vụ của Đảng, Luận cương khẳng định vai trò lãnh đạo, những tiêu chuẩn, điều kiện của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”(5). Luận cương nêu rõ yêu cầu về mặt phương pháp luận để Đảng Cộng sản đề ra đường lối được đúng đắn, đó là “Đảng phải xét kỹ tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch nhân, sức tranh đấu của quần chúng, thái độ các hạng người đối với cách mạng, v.v.. Đảng căn cứ ở những điều kiện ấy mà định ra chiến lược để lãnh đạo cho quần chúng tranh đấu”(6).

Về quan hệ quốc tế, Luận cương chỉ rõ: Cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới phải có liên lạc chặt chẽ với nhau, giai cấp vô sản Đông Dương phải có quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản trên thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.

Như vậy, trên cơ sở phân tích các mâu thuẫn cơ bản của xã hội Đông Dương, Luận cương đã chỉ ra con đường phát triển của cách mạng Đông Dương; chỉ rõ mục tiêu, tính chất, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa hai giai đoạn cách mạng, vai trò của các giai cấp và liên minh giai cấp, so sánh lực lượng và phương pháp đấu tranh; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng Đông Dương. Luận cương chính trị đã giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường giai cấp, đặt cách mạng Đông Dương vào quỹ đạo cách mạng vô sản, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Luận cương khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản trong cách mạng tư sản kiểu mới; sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với thắng lợi của cách mạng Đông Dương; các nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh trong mỗi giai đoạn cách mạng. Quan điểm lý luận mác-xít về cách mạng tư sản kiểu mới do giai cấp vô sản lãnh đạo; về cách mạng không ngừng; điều kiện bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa… đã được thể hiện rõ trong Luận cương.

Có thể khẳng định, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương (tháng 10-1930) đã thành công tốt đẹp, đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta, trước hết là về công tác xây dựng Đảng.

Hội nghị đã bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương chính thức do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, lần đầu tiên bộ chỉ huy tối cao của Đảng được kiện toàn. Việc đặt ra cấp bộ Xứ ủy ở ba miền (Bắc, Trung, Nam) là một quyết định sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương, qua thực tiễn chỉ đạo, hoạt động của Xứ ủy, đã chứng tỏ sự phù hợp với trình độ, điều kiện cách mạng nước ta.

Mặc dù bản Luận cương chính trị còn một số vấn đề chưa thật sự đồng nhất với Chính cương vắn tắtSách lược vắn tắt, nhưng những vấn đề cốt lõi nhất về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng: “… chủ trương làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng – BT.) và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”(7) của Chính cương đã được khẳng định, thống nhất trong Luận cương chính trị khi cách mạng tư sản dân quyền đã tiến lên con đường cách mạng vô sản thì “xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(8); Luận cương phân tích mối liên hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ cách mạng, đấu tranh chống đế quốc và chống phong kiến, giữa hai mục tiêu: dân chủ “thổ địa cách mạng” và dân tộc “Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Đây là những quan điểm, đường lối đúng đắn, xuyên suốt của Đảng, thể hiện tính nhất quán về con đường, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định, được nhân dân ta lựa chọn ngay từ đầu, trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Luận cương chính trị thể hiện tư duy sáng tạo của đồng chí Trần Phú và của Đảng ta trong việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đề ra đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đây là ngọn cờ chỉ đạo cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa định hướng trong các chặng đường đấu tranh và thắng lợi của các dân tộc Đông Dương trong gần thế kỷ qua.

Về hạn chế của Luận cương: Từ thực tiễn cách mạng nước ta, có thể nhận thấy một số hạn chế mang tính lịch sử của Luận cương, đặc biệt là trong vấn đề phân tích giai cấp và thái độ đối với các giai cấp, để đề ra các sách lược mềm dẻo nhằm tập hợp lực lượng trong cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Do ảnh hưởng từ quan điểm chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đánh giá chưa sát đúng tình hình cụ thể của Việt Nam, Luận cương chính trị đã không thấy một thực tế, tầng lớp trí thức tiểu tư sản Việt Nam có một bộ phận tiên tiến, yêu nước, chính họ là những người đầu tiên tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Luận cương chính trị cũng chưa thấy được nhân tố dân tộc và khả năng đi với cách mạng giải phóng dân tộc của một bộ phận tư sản dân tộc, đánh giá chưa đúng vai trò của các tầng lớp thợ thủ công nghiệp, thương gia, trí thức, tiểu tư sản,… Có nghĩa là, Luận cương chính trị mới chỉ nhìn nhận họ từ giác độ lý luận chung về giai cấp, mà còn thiếu một cái nhìn cụ thể từ quan hệ dân tộc. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn của các văn kiện được Hội nghị thành lập Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan hoàn cảnh lịch sử vào thời điểm năm 1930 chúng ta mới thấy hết ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của Luận cương chính trị, cũng như thông cảm với một số hạn chế của nó. Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định, Luận cương chính trị năm 1930 đánh dấu một mốc son trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, khẳng định sự đúng đắn của đường lối cách mạng Việt Nam. Như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng củng cố và tăng cường”(9).

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã đánh giá Luận cương chính trị (tháng 10-1930) là “văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”(10).

2. Những đóng góp của đồng chí Trần Phú trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng, Mặt trận, đoàn thể, phát triển đảng viên, đáp ứng yêu cầu của cách mạng

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930), Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú đã nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện triển khai các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua một loạt các văn kiện về Điều lệ Đảng, Điều lệ của Tổng Công hội Đông Dương, Công hội, Tổng Nông hội Đông Dương, Nông hội làng, Ban Chấp hành Nông hội xã bộ, Phụ nữ liên hiệp hội, Đồng minh phản đế ở Đông Dương, Hội Cứu tế đỏ và các án nghị quyết về các tổ chức, đoàn thể hội này. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào Công hội theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và đồng chí Trần Phú còn được phân công trực tiếp phụ trách Công hội đỏ.

Trong điều kiện vừa hợp nhất các tổ chức đảng trong cả nước, lại hoạt động bí mật và bị sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức bộ máy đặt ra cấp thiết. Điều lệ Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã làm rõ: Tên Đảng, đảng viên; cách thức tổ chức theo lối dân chủ tập trung; tổ chức hệ thống bộ máy từ Chi bộ – Tổng bộ – Khu bộ, Huyện bộ – Tỉnh, Thành bộ – Xứ bộ – Trung ương; Đông Dương Đảng hội nghị, đại hội; trung ương; kỷ luật, tài chính; đoàn thể; đảng và đoàn thanh niên. So với Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930) thì những quy định, tổ chức và điều lệ trên đã hoàn chỉnh, cụ thể hơn. Đáng chú ý trong Điều lệ này có thêm cấp “tỉnh bộ, thành bộ hay đặc biệt bộ”; từ cấp tỉnh trở lên có các ban chuyên môn về vận động giới (công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên); ở Trung ương có các bộ tuyên truyền, tổ chức, bộ công nhân vận động, bộ nông dân vận động,… Nhờ đó, bộ máy ở Trung ương đã tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới và mang tính chuyên sâu hơn.

Đối với các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã xác định rõ về định hướng chính trị và điều lệ. Ví dụ, Điều lệ Tổng Công hội Đông Dương ghi: “Mục đích: T.C.h (Tổng Công hội – BT.) Đông Dương thống nhất các công hội cách mạng của vô sản giai cấp Đông Dương thực hành giai cấp tranh đấu để binh vực quyền lợi hằng ngày cho công nhân, phản đối lao tù đề huề và làm cho công nhân hoàn toàn giải phóng”(11).

Tiếp tục theo tinh thần đó, Hội nghị lần thứ hai của Trung ương Đảng họp ở Sài Gòn vào tháng 3-1931 đã tập trung chú ý các công tác công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên,… để đưa phong trào cách mạng lên cao. Hội nghị nhận thấy phong trào thanh niên đã lớn mạnh trong cả nước: “Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết”(12). Đáng chú ý là tổ chức đoàn thanh niên được Hội nghị Trung ương tập trung thảo luận về các nguyên tắc hoạt động, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn đoàn viên… và từ đó, ngày 26-3-1931 là ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam.

Nhờ vậy, tổ chức đảng, các đoàn thể, hội quần chúng có sự phát triển nhanh chóng. Qua thực tiễn lãnh đạo và đấu tranh, số lượng đảng viên của Đảng đã tăng lên nhanh chóng: từ khoảng 1.600 sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930) đến trước Hội nghị toàn thể Trung ương lần hai (tháng 3-1931) đã lên đến khoảng 2.400 người, trong đó có gần 20 chi bộ xí nghiệp (ở các phân xưởng, nhà máy điện, nhà máy dệt, trong hầm mỏ Hồng Gai, nhà máy gỗ, nhà máy diêm, ở các ga xe lửa và các cơ sở dầu mỏ),…

Có thể nói, đóng góp to lớn, rõ rệt nhất của đồng chí Trần Phú trên cương vị Tổng Bí thư là đã lãnh đạo, chỉ đạo đặt một trong những trọng tâm công tác xây dựng Đảng vào nhiệm vụ tổ chức bộ máy, phát triển đảng viên của Đảng. Đồng thời xây dựng cơ sở chính trị và tổ chức bộ máy cho các tổ chức quần chúng của Đảng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Đảng ta và của Mặt trận, các đoàn thể sau này, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú, bài “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương”, đăng trang trọng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số tháng 5-1932, đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng”.

3. Những cống hiến của đồng chí Trần Phú trong công tác tư tưởng của Đảng

Thực tiễn đấu tranh cách mạng đã chỉ ra rằng, mỗi khi cách mạng gặp khó khăn, thoái trào, khi cách mạng chuyển giai đoạn, thường xuất hiện những trào lưu tư tưởng “tả” khuynh hoặc hữu khuynh, gây mâu thuẫn và phá hoại ngay trong nội bộ Đảng.

Sau khi Đảng hợp nhất chưa lâu, trong Đảng còn tồn tại nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau, cũng là điều khó tránh. Vì vậy, đồng chí Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những xu hướng cơ hội, bè phái, nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng. “… đảng tuy đã hiệp nhứt nhưng tư tưởng hành động của đảng phái nào cứ giữ như cũ. Công việc đảng không thảo luận trong các đảng bộ; bởi vậy trình độ chánh trị của đảng viên rất chậm phát triển”(13). Trong Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai (tháng 3 năm 1931) đã đề cập Vấn đề cổ động tuyên truyền: “Sự cổ động tuyên truyền có tổ chức, có kế hoạch đúng và chuyên cần là một điều kiện quan trọng để thực hành các công tác của Đảng trong quần chúng thêm bền chặt. Trong khi Đảng mới thành lập, trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tư tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm, vậy nên sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin cho chuyên cần trong Đảng và trong quần chúng vô sản là việc rất cần kíp…”(14).

Nhận thức sâu sắc về vai trò dẫn đường của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng, đồng chí Trần Phú đã chỉ đạo thành lập cơ quan tuyên truyền lý luận của Đảng. Tháng 12-1930, đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản nhằm “mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém” trong công tác của Đảng, đồng thời cũng để đăng “những bài luận, giải thích” để “các đồng chí có thể bày tỏ ý kiến”. Đồng chí Trần Phú cũng cho lập ra một Ban Tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Điều đó chứng tỏ Tổng Bí thư rất coi trọng công tác tư tưởng – lý luận; có ý thức sâu sắc về vai trò của nó đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đến Hội nghị Trung ương lần thứ hai, Đảng ta đã tiến hành kiên quyết cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng. Đồng chí Trần Phú chỉ ra một số vấn đề mới nảy sinh cần phải đấu tranh khắc phục: “Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ hai tổ chức vào cuối tháng 3-1931 đã thừa nhận sự tồn tại công khai một chủ nghĩa cơ hội ở Bắc Kỳ. Những tháng vừa qua đã chứng minh rằng: tất cả thành viên của các nhóm cũ thống nhất lại là một lực lượng chống đối mới về tư tưởng… Do đó, cái quan tâm đầu tiên của chúng tôi là giải thích sự cần thiết cấp bách tiến hành một cuộc đấu tranh tích cực về tư tưởng, chống lại chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn ở trong Đảng…”.

Mặt khác, do địch khủng bố ngày càng mạnh, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản (ngày 17-4-1931), Trần Phú cũng cho biết “trong hàng ngũ của chúng tôi xuất hiện tâm lý sợ hãi, lo lắng tiểu tư sản trước cuộc đấu tranh giai cấp mạnh mẽ”. Để chống khủng bố, đồng chí cho biết sẽ “tổ chức tốt các đội tự vệ khi tranh đấu”, “phải kiên quyết chặn đứng mọi cố gắng hướng cuộc đấu tranh tích cực thành những hành động manh động ở mọi nơi, ngay khi vừa xuất hiện”.

Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trên mặt trận tư tưởng lý luận, tạp chí Quốc tế Cộng sản (số tháng 5-1932), đã viết: “Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn vào việc “bônsêvích hóa” về tư tưởng trong hàng ngũ đảng chúng tôi. Rất nhiều văn kiện chính trị của Hội nghị lần thứ nhất (tháng 10-1930) và Hội nghị lần thứ hai (tháng 3-1931) Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng tôi, do đồng chí trực tiếp soạn thảo hay được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của đồng chí, trong đó những nguyên tắc, chiến lược và sách lược bônsêvích đã được trình bày một cách sáng sủa và đúng đắn. Trong những nghị quyết chính trị và những thông báo của Trung ương cũng như các tài liệu tuyên truyền hay bài viết trên báo chí, đồng chí Trần Phú luôn luôn là người bênh vực không mệt mỏi về mặt lý luận và thực tiễn của những người mácxít – lêninnít”.

Ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã bị địch bắt. Bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo và dụ dỗ của kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú không hề khuất phục. Đồng chí thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng nói rõ: “Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”(15). Đòn roi tra tấn của bọn đao phủ, sự tàn bạo của chế độ nhà tù đế quốc đã làm sức khỏe của đồng chí Trần Phú suy kiệt, bệnh cũ tái phát, đồng chí đã hy sinh ngày 06-9-1931 tại Nhà thương Chợ Quán – Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn gửi ấy là lời động viên, khích lệ đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế giữ vững niềm tin, kiên quyết tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Trần Phú hy sinh là một tổn thất to lớn của Đảng, của cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế. Trong bài: “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, đã viết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của Đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của Đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của Đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”(16).

Anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí cho Đảng, cho dân tộc ta vô cùng lớn. Hướng về Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, chúng ta ghi nhớ lời dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí. Mỗi cán bộ, đảng viên ra sức học tập, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi cám dỗ, tiêu cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiên liệt cách mạng, xứng đáng với tấm gương bất diệt của Tổng Bí thư Trần Phú./.

Bài viết của đồng chí  Tô Huy Rứa

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

TS – VP Thanh tra tỉnh (Trích đăng theo Tạp chí cộng sản)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP