Danh Nhân

Đồng chí Trần Phú và quá trình hình thành những quan điểm quân sự đầu tiên của Đảng

Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam được hình thành và từng bước hoàn thiện gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành đường lối đó. Điều này được thể hiện rõ thông qua một số quan điểm quân sự được trình bày trong các văn kiện đầu tiên của Đảng, mà đồng chí Trần Phú trực tiếp soạn thảo và chỉ đạo soạn thảo ngay từ sau ngày đồng chí về nước hoạt động, rồi vào Ban Chấp hành Trung ương và làm Tổng Bí thư.

Luận cương chính trị tháng 10-1930 của Đảng là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, nhưng in đậm dấu ấn cá nhân đồng chí Trần Phú trong vai trò là người trực tiếp soạn thảo. Luận cương chính trị hàm chứa nhiều nội dung thuộc về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam như: Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương… Đặc biệt, luận cương đề cập đến một nội dung rất quan trọng của cách mạng Việt Nam, đó là xác định phương thức đấu tranh. Vấn đề này, luận cương cho rằng cần phải xem xét kỹ tình hình trong nước và thế giới, phải “đánh giá thái độ các hạng người đối với cách mạng” mà định ra chiến lược để lãnh đạo quần chúng tranh đấu.

 
Đồng chí Trần Phú. Ảnh tư liệu.

Phân tích về thời cơ cách mạng, luận cương cho rằng, thời kỳ đầu, khi mà tình thế trực tiếp cách mạng chưa xuất hiện, hoặc xuất hiện nhưng chưa chín muồi, thì cần phải lãnh đạo quần chúng kịch liệt tranh đấu với quân thù, nhưng chủ yếu là bằng các hình thức đấu tranh chính trị; thông qua đó mà giác ngộ, tổ chức, tập dượt quần chúng; chuẩn bị cơ sở và lực lượng để khi điều kiện chín muồi thì tiến lên vũ trang khởi nghĩa. Luận cương chỉ rõ: “Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bỏ về phe cách mạng; quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sinh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ chính phủ của địch và giành lấy chính quyền cho công nông”(1). Như vậy con đường tiến lên giành chính quyền bằng bạo lực của quần chúng là phải “võ trang bạo động”. Cần phải hiểu rằng, “võ trang bạo động” ở đây cũng là một nghệ thuật, phải tuân thủ theo “khuôn phép nhà binh”, chứ không phải là một việc ngẫu hứng. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, cần phải hết sức coi trọng mối quan hệ giữa yếu tố thời cơ và tình thế trực tiếp cách mạng. Phải biết thúc đẩy tình thế trực tiếp cách mạng cho nhanh chóng chín muồi; tuy nhiên, trong khi chưa xuất hiện tình thế trực tiếp cách mạng thì không được thụ động ngồi chờ, mà phải kịch liệt tranh đấu, “nhưng kịch liệt tranh đấu ấy không phải là để tổ chức những cuộc manh động, hoặc là võ trang bạo động quá sớm, mà cốt là để huy động đại quần chúng ra thị oai, biểu tình, bãi công… để dự bị về cuộc võ trang bạo động sau này”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ sau Ngày thành lập Đảng và đặc biệt là trong quá trình vận động của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm trên.

Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 cũng đã thông qua “Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, trong đó chỉ rõ, phải đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, phải tăng cường công tác chỉnh đốn các tổ chức đoàn thể như: Công hội, nông hội, Hội phản đế, Hội Cứu tế, Đoàn thanh niên cộng sản… làm cho lực lượng chính trị phát triển rộng khắp. Án nghị quyết cũng xác định mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động, bởi vậy mà để tiến tới “võ trang bạo động” thì “ngay từ bây giờ, Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện; giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ; vận động trong quân đội của bọn địch nhơn”- thực chất là công tác binh vận. Văn kiện quan trọng này xác định công tác binh vận là một nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, đồng thời không chỉ yêu cầu “cần phải làm cho thật náo nhiệt”, mà còn chỉ ra cách thức, biện pháp và các bước tiến hành cụ thể của công tác binh vận: “Cần phải kiên trì, không thể ngày một ngày hai mà có kết quả ngay được”.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng được xác định rõ trong Luận cương chính trị, đó là tổ chức đội tự vệ công nông. Khi mà phong trào đấu tranh của quần chúng, nhất là nông dân đã phát triển lên đến đỉnh cao thì để làm nòng cốt cho phong trào đương đầu chống lại sự đàn áp dã man của kẻ địch, nhất thiết phải tổ chức ra các đội tự vệ công nông. Về vấn đề này, trong thư gửi các cấp Đảng bộ ngày 9-12-1930, yêu cầu quán triệt tinh thần của Án nghị quyết, Thường vụ Trung ương chỉ rõ: “Có đội tự vệ thì công và nông mới giúp cho quần chúng tổ chức tranh đấu hơn trước được”. Trong Thông cáo của Thường vụ Trung ương gửi các Xứ ủy ngày 3-1-1931 cũng lưu ý các đảng bộ địa phương rằng, tự vệ đội là lực lượng vũ trang cơ sở của cách mạng, “các đảng bộ phải góp sức với công, nông hội mà hết sức hô hào, cổ động thiệt rộng trong quần chúng ý nghĩa và sự lợi ích của đội tự vệ. Lực lượng tham gia đội quân này phải là những quần chúng hăng hái tham gia đấu tranh, có sức khỏe và có lòng dũng cảm. Phải làm sao để cho mỗi nhà máy, mỗi làng đều có một đội tự vệ”. Trong thông cáo này, Thường vụ Trung ương Đảng cũng xác định đội tự vệ không phải là lực lượng lâm thời; việc tổ chức ra không phải chỉ để nhằm phục vụ cho một số cuộc đấu tranh, mà phải coi các đội tự vệ  là “một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng”. Lực lượng đó khi phong trào cách mạng nổi lên thì phải là lực lượng xung kích, chỗ dựa bảo vệ cho quần chúng đấu tranh; khi bình thường thì tập trung lo tập luyện, thuần thục các phương án đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.

Trong các văn kiện mà đồng chí Trần Phú khởi thảo và chỉ đạo khởi thảo còn toát lên một nội dung quan trọng trong tư tưởng quân sự Việt Nam, đó là đề cao nhân tố con người, là tư tưởng “người trước, súng sau”. Quá trình tổ chức các đội tự vệ cần phải luôn luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các đội viên; làm cho họ nhận thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ cao cả của mình. Đội tự vệ phải làm sao cho quần chúng nhân dân tin yêu. Một khi mục tiêu hành động của họ phù hợp với lợi ích của quần chúng nhân dân thì sẽ tập hợp được lực lượng quần chúng rộng rãi. “Khi tổ chức và chỉ huy đội tự vệ phải chú ý làm cho họ hiểu thiệt rõ phận sự của họ thì mới khỏi sự hành động sai lầm… Đội tự vệ tất nhiên sẽ được quần chúng hoan nghênh và tham gia, sẽ thành một cái lợi khi kích thích tinh thần quần chúng thêm nữa; quần chúng biết rằng mình có anh em đi kèm, hộ vệ, che chở đỡ cho mình thì thêm vững chí và can đảm biết mấy”.

Các văn kiện quan trọng hàm chứa những quan điểm quân sự đầu tiên của Đảng ra đời trong thời điểm sục sôi khí thế của phong trào cách mạng 1930 -1931. Trong thông cáo cho các Xứ ủy ngày 25-1-1931 chỉ rõ: “Hiện nay, cuộc đấu tranh nào cũng có tính chất kịch liệt cả, mỗi cuộc mít tinh nho nhỏ cũng phải đổ máu”; nếu không có sự hỗ trợ, bảo vệ của đội tự vệ thì các cuộc đấu tranh khó mà giành được thắng lợi trong bối cảnh làn sóng khủng bố của kẻ thù rất khốc liệt. Chính vì vậy mà việc tổ chức các đội tự vệ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3-1931), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, lần đầu tiên, Trung ương Đảng đã xác định rõ vai trò của các chi bộ đảng trong việc tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động của đội tự vệ, đồng thời yêu cầu các đảng bộ địa phương phải “đưa đảng viên vào làm hạt nhân nòng cốt trong các đội tự vệ”.

—————

(1) Văn kiện Đảng toàn tập. T.2. Nxb CTQG. H. 1998. tr.94.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP