|
Điều kiện tự nhiên và hệ thống giao thông, hạ tầng đồng bộ
Với vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh nằm trên các trục giao thông quan trọng, trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ với Lào và Đông Bắc Thái Lan trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, ban lãnh đạo tỉnh luôn xác định rõ tầm quan trọng của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Kết nối 2 miền Bắc - Nam, Hà Tĩnh có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, kết nối với Lào và Thái Lan có Quốc lộ 8, Quốc lộ 12. Đây cũng là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hà Tĩnh chưa có sân bay nhưng ở hai đầu tỉnh có 2 cảng sân bay quốc gia là sân bay Vinh và sân bay Đồng Hới, cách tỉnh từ 45 - 55 phút đi ô tô.
Đặc biệt, tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của các nước Lào và Thái Lan thông qua QL12A. Cảng được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện với loạt dự án trọng điểm
Với chính sách mở cửa, hội nhập, trong những năm qua kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDRP năm 2021 của tỉnh tăng 5,02% so với năm 2020. Xét về cơ cấu kinh tế, tỉnh tập trung vào công nghiệp - dịch vụ, phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh. |
Đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút được gần 1.300 dự án, trong đó gần 1.200 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 107 nghìn tỷ đồng và 78 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký trên 13 tỷ USD.
Đặc biệt, tỉnh có KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư. Theo đó, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Cụ thể, trung bình mỗi năm, KKT Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh.
Tính riêng số liệu của KKT Vũng Áng, lũy kế đến nay KKT đã thu hút 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Trong đó, dự án Khu liên hiệp Gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là dự án lớn nhất với tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD và đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, KKT ghi nhận hai dự án lớn bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD khởi công vào tháng 10 và dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng, khởi công vào tháng 12.
Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn