Hoảng loạn tháo chạy: Cổ phiếu đầu cơ, đầu tư đều bị xả
851 mã giảm giá, 160 mã giảm sàn và chỉ có 202 mã tăng, 23 mã tăng trần. Bức tranh thị trường phiên đầu tuần (24/1) tiêu cực hơn dự đoán của phần lớn nhà đầu tư.
Từ 1.470 điểm, VN-Index lần lượt thủng các mốc 1.460 điểm, 1.450 điểm, 1.442 điểm và đóng cửa tại 1.439,71 điểm. Áp lực bán mạnh về cuối phiên trong khi lực bắt đáy hãy còn dè dặt, cổ phiếu bị "đạp sàn" la liệt bất kể đó là cổ phiếu đầu cơ hay không.
VN-Index trải qua chuỗi ngày đen tối trong những phiên giao dịch trước Tết âm lịch (Ảnh chụp màn hình). |
Tính từ đỉnh, VN-Index đã đánh mất xấp xỉ 100 điểm và có thể trong phiên ngày mai sẽ tiếp tục kiểm định các mốc hỗ trợ phía dưới trước khi tạo đáy 2 thành công trong đợt giảm "sốc" này.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) - người đã gắn bó với thị trường trong 15 năm - đánh giá, xét về toàn cảnh thì đợt điều chỉnh này của thị trường gây thiệt hại nặng nề cho mọi dòng cổ phiếu, hầu hết nhà đầu tư đều thiệt hại không riêng một nhóm nào.
"Nếu nhìn vào điểm số sẽ không thể nhìn thấy được mức độ thảm khốc mà thị trường gây ra với tài khoản nhà đầu tư, vì trong những nhịp giảm này vẫn có một số cổ phiếu trụ cột và dòng ngân hàng luân phiên đỡ chỉ số. Nếu không có trụ kéo thì VN-Index thiệt hại rất nặng".
Nếu so với tháng 1 và tháng 7/2021, VN-Index tuy giảm với biên độ lớn nhưng giá trị tài khoản của nhà đầu tư cũng không bị "cắt cứa" từng ngày với những đợt giảm sàn và giảm với biên độ lớn triền miên như đợt này.
"Tôi cứ tưởng rằng sẽ chỉ có cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu tăng nóng mới điều chỉnh nhưng ngay cả những cổ phiếu sản xuất kinh doanh tôi xác định nắm giữ lâu dài, vì tin vào sự hồi phục của thị trường và của nền kinh tế, cũng bị giảm hơn 20% tới 30% trong gần 2 tuần qua. Từ chỗ gồng lãi nay tôi phải đối mặt với thua lỗ" - chị Nguyễn Thu Hiền (Đà Nẵng) chia sẻ với Dân trí.
Tính riêng sàn HoSE hôm nay, số lượng mã giảm lên tới 419 mã, gấp khoảng 7 lần so với số mã tăng, trong đó có đến 115 mã giảm sàn.
Cổ phiếu VN30 những phiên vừa qua là trụ đỡ cho VN-Index thì hôm nay cũng chịu áp lực điều chỉnh. Với 24 mã giảm, trong đó có 3 mã giảm sàn, VN30-Index đánh mất 30,85 điểm tương ứng 2,05%.
HNX-Index giảm 17,08 điểm tương ứng mất tới 4,09% còn 400,76 điểm; UPCoM-Index giảm 2,97 điểm tương ứng 2,71% còn 106,71 điểm.
Cổ phiếu Vietcombank vượt đỉnh
Trong số 6 cổ phiếu tăng giá trong rổ VN30 hôm nay thì có đến 5 mã là cổ phiếu ngân hàng, gồm: CTG, MBB, TCB, ACB và VCB. Trong đó, VCB có cú bứt tốc rất mạnh mẽ, từ trạng thái giảm giá về mức 88.200 đồng đã đạt được mức tăng 4,3% thời điểm chốt phiên, ấn định thị giá tại 93.000 đồng - mức giá cao nhất mọi thời đại của mã này.
VCB của Vietcombank ngược dòng thị trường lập đỉnh mới (Ảnh chụp màn hình). |
Trong khi đó, "ông lớn" VIC giảm 0,5% còn 95.000 đồng, VHM giảm 4% còn 76.200 đồng, VRE giảm tới 6,3% còn 31.000 đồng. Với mức sụt giảm phiên hôm nay, hiện tại giá trị vốn hóa thị trường của Vingroup đã bị Vietcombank bỏ xa.
Cụ thể, trong khi giá trị vốn hóa của VCB là 440.124 tỷ đồng thì vốn hóa của VIC là 361.495 tỷ đồng và VHM là 331.803 tỷ đồng.
Không chỉ có họ "Vin" gặp bất lợi mà hầu hết các dòng cổ phiếu đều bị bán tháo. HPG phiên hôm nay mất tới 6%, MSN mất 5,3%. TPB mặc dù cũng "dòng bank" nhưng thiệt hại lên tới 5,6%, STB mất 3,8%.
Vietcombank đang là tổ chức có giá trị vốn hóa "vô địch" trên thị trường chứng khoán (Ảnh chụp màn hình). |
Ba mã giảm sàn trong rổ VN30 là SSI, GVR và POW. Trong đó, SSI giảm sàn về mức 41.40 đồng, khớp lệnh gần 18,8 triệu đơn vị, trắng bên mua.
Trong dòng chứng khoán, ngoài VDS tăng nhẹ 0,6%, PHS đứng tham chiếu thì còn lại đều giảm sâu. Một loạt cổ phiếu thuộc ngành này giảm sàn như APG, TVB, AGR, CTS, FTS, VCI, HCM, SSI, VND, WSS, VIG, ART, APS. MBS giảm 9%, HBS giảm 8,9%, BMS giảm 8,8%; IVS giảm 8,7%; PSI giảm 8,6%; CSI giảm 8,2%; AAS giảm 8,1%.
Đáng chú ý là khối ngoại lại tranh thủ mua ròng mạnh cổ phiếu VND với khối lượng mua ròng 1,22 triệu đơn vị, mua ròng SSI với khối lượng 1,32 triệu đơn vị.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí