Giáo dục

“Đòn bẩy” nâng tầm giáo dục

Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) trong các trường phổ thông được ví như “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện thành công CT GDPT mới. Tuy nhiên, trong thực tế việc đổi mới PPDH của đội ngũ giáo viên (GV) còn nhiều bất cập.

HS - trung tâm của đổi mới PPDH. Ảnh: T.G

Điều đó đòi hỏi ngành Giáo dục phải nâng cao năng lực dạy học cho người thầy từ quá trình đào tạo trong các trường sư phạm để tạo tiền đề vững chắc cho GV trong tương lai.

Hạn chế nhìn từ đội ngũ

Hiện nay, ở phần lớn các trường phổ thông, PPDH vẫn cơ bản là truyền thống. Do nhiều lý do mà quá trình đổi mới -PPDH nhiều năm qua diễn ra một cách trì trệ, biến chuyển chậm chạp.

Thầy Phạm Quang Huân – Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội chỉ ra: Tư tưởng, quan niệm dạy học phải hướng vào việc học và sự phát triển ở người học chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ GV. Vẫn tồn tại lối dạy “nhồi sọ”, thuyết giảng, truyền thụ một chiều. Trong lối dạy này, vai trò của người thầy là số một, lấn át vai trò của HS, khiến HS thụ động, ỷ lại vào thầy, vào sách. Quan hệ sư phạm giữa GV và HS thiếu thân thiện, mất dân chủ, mang tính áp đặt, một chiều...

Tại hội nghị tổng kết các PPDH đối với bậc TH mới đây, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ GD TH (Bộ GD&ĐT) thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt hạn chế của đội ngũ GV trong việc đổi mới PPDH.

Đơn cử, dù lý luận về phương pháp bàn tay nặn bột (BTNB) đã được trang bị thông qua tập huấn, bồi dưỡng nhưng khả năng vận dụng để thiết kế tiến trình dạy học của GV vẫn hạn chế. Nhiều bài học được GV thiết kế thành các hoạt động của HS theo nội dung kiến thức mà không theo tiến trình sư phạm của PP BTNB.

Cùng đó, năng lực xây dựng kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn và khả năng sắp xếp lại nội dung dạy học để xây dựng các chủ đề dạy học của GV chưa bảo đảm nên nhiều bài dạy theo PP BTNB vẫn thực hiện theo bài/tiết trong SGK; các hoạt động theo tiến trình sư phạm của PP BTNB được thực hiện trong 35 phút/tiết học dẫn tới chủ yếu là trình diễn của GV; hoạt động học của HS không thực chất, không hiệu quả; chưa thực sự tổ chức cho HS “tìm tòi khám phá” để phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề theo mục tiêu đặc thù của PP BTNB.

Kỹ năng tổ chức hoạt động học cho HS của GV hạn chế dẫn tới hiệu quả thực hiện thấp. Chỉ một số HS khá giỏi được khuyến khích học tập; HS không ghi được bài, không được nhận xét, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ học tập… Việc hướng dẫn HS sử dụng “vở thực hành” trong quá trình học tập chưa được chú trọng đúng mức; một trong những mục tiêu quan trọng của PP BTNB là phát triển ngôn ngữ nói và viết cho HS chưa được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Với nhiều trường triển khai PPDH Mĩ thuật Đan Mạch, GV lại chưa thực hiện được vai trò người hướng dẫn HS tự học, chưa thực hiện đúng tinh thần lấy HS làm trung tâm trong quá trình dạy học, chưa kịp thời giúp đỡ những cá nhân, nhóm gặp khó khăn, không nắm được kết quả hoạt động của từng nhóm…

Ảnh minh họa/ Internet

Để GV bắt kịp đổi mới giáo dục

Đổi mới PPDH ở trường phổ thông là yêu cầu bức thiết nhằm thực hiện những mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nâng cao chất lượng thực hiện đổi mới PPDH góp phần quan trọng khắc phục những yếu kém, bất cập của hiện trạng GD phổ thông hiện nay.

Tuy nhiên, muốn thực thi đổi mới PPDH có hiệu quả, bên cạnh việc đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ GV đương nhiệm cần đổi mới mạnh mẽ PP đào tạo GV theo tinh thần “đổi mới sư phạm phải đi trước một bước”. Đây cũng là giải pháp vừa có tính chiến lược cho mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo tương lai, vừa đáp ứng kịp thời những yêu cầu của tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông.

Thầy Phạm Quang Huân – Viện Nghiên cứu Sư phạm; cô Đào Thị Việt Anh và Hoàng Thị Kim Huyền – Trường ĐHSP Hà Nội 2, đồng quan điểm khi đưa ra 6 định hướng đổi mới đào tạo GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH ở trường phổ thông.

Theo nhóm nghiên cứu, đào tạo GV trong các trường sư phạm cần nhận thức đúng về nghề dạy học và coi trọng việc đào tạo kĩ năng dạy học ở trường sư phạm.

Các trường sư phạm cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng gắn chặt hơn nữa và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông trong quá trình đào tạo GV. Đi liền đó, cần đổi mới mạnh mẽ PP đào tạo GV, tạo nền tảng vững vàng về phương pháp dạy học cho người GV tương lai. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ điều kiện phục vụ đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Cùng đó, cần đổi mới chương trình đào tạo GV theo hướng coi trọng quá trình hình thành rèn luyện năng lực nghề nghiệp. Đổi mới xây dựng hệ thống mục tiêu đào tạo của trường, khoa, các bộ môn và các hoạt động cấu thành chương trình đào tạo một cách cụ thể, tương thích với mục tiêu đào tạo theo hướng tăng cường năng lực, gắn với chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo GV và chuẩn nghề nghiệp GV…

Coi trọng nội dung đào tạo về khoa học GD và việc hình thành hệ thống kĩ năng nghề nghiệp. Chương trình đào tạo GV cần có sự dịch chuyển trọng tâm vào nội dung đào tạo về khoa học GD, nghiệp vụ sư phạm – nền tảng của nghề dạy học theo hướng gia tăng rõ rệt tính thực tiễn của chương trình đào tạo.

Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đổi mới PPDH thực sự trở thành yêu cầu bức thiết. Đổi mới PPDH góp phần thực hiện mục tiêu hình thành ở HS những phẩm chất và năng lực mới phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Tác giả: Đức Trí

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP