Trường Đại học Y Dược TP.HCM ngày nay đã từng có 3 tên trong quá trình hình thành lập và phát triển. Tên đầu tên khi được thành lập sau Hiệp định Geneve là "Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie" (Khoa Y Dược Hỗn Hợp), lúc đó là chi nhánh của Trường Y Khoa Đông Dương. Năm 1963, Chính phủ VNCH xây dựng trường khang trang hơn và gọi là "Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa". Sau này, trường được chính thức đổi tên là "Y Khoa Đại Học Đường", trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Sau 1975, trường được đổi tên và quay về cái gốc y dược lúc khởi đầu. Chú ý rằng tất cả các tên gọi đều có chữ "Y" hay "Y Khoa".
GS Nguyễn Văn Tuấn, viện Garvan, Úc |
Có lẽ đa số những ai làm khoa học đều biết rằng Y khoa là cách dịch từ chữ Medicine trong tiếng Anh. Sức khoẻ là dịch từ Health trong tiếng Anh. Trong thời gian gần đây, với sự phát triển của khoa học, khái niệm Health trong đào tạo được mở rộng thành Health Sciences hay Khoa học Sức khoẻ. Khoa học Sức khoẻ có thể bao gồm các chuyên ngành như điều dưỡng (nursing), y tế công cộng (public health), dinh dưỡng học, vật lí trị liệu (physiotherapy), thính học (audiology), âm ngữ trị liệu (speech pathology), y học hạt nhân (nuclear medicine), v.v. Các chuyên ngành này có khi còn được gọi chung bằng thuật ngữ allied health.
Một số đại học không có khoa y, nhưng có phân khoa chuyên đào tạo như điều dưỡng, y tế công cộng, và vật lí trị liệu. Tên của phân khoa đó được gọi là Health hay Health Science. Chẳng hạn như Đại học Công nghệ Sydney có phân khoa chủ yếu đào tạo điều dưỡng và y tế công cộng, và Đại học đặt tên là "Faculty of Health". Đa số (không phải tất cả) các đại học Mĩ và Úc thường dùng danh từ Health hay phổ biến hơn là Health Sciences để đặt tên phân khoa đào tạo các chuyên viên không phải là bác sĩ vốn chi được đào tạo bởi khoa y.
Do đó, cần phải phân biệt chữ medicine và health sciences. Medicine hay Y Khoa là chuyên ngành đặt nặng việc chẩn đoán, điều trị, và chăm sóc cho cá nhân bệnh nhân, dựa trên cơ sở những hiểu biết về sinh học. Các chuyên ngành khác như điều dưỡng, vật lí trị liệu và dược học cũng nhắm đến bệnh nhân nhưng trong vai trò hỗ trợ y khoa. Các chuyên ngành như y tế công cộng thì nhắm đến việc phòng ngừa bệnh tật ở qui mô cộng đồng dựa vào các thành tựu y khoa và các khoa học bổ trợ. Khái niệm "Health Sciences" hay "Khoa học Sức khoẻ" thương không bao gồm y khoa.
Do đó, tôi cho rằng ý tưởng dùng khoa danh "Khoa học Sức khoẻ" để bao gồm các chuyên ngành đào tạo nha khoa, dược khoa, y tế công cộng, điều dưỡng, v.v. là lí tưởng, nhưng làm lu mờ chuyên ngành y khoa. Y khoa là trung tâm và trọng tâm của khoa học sức khoẻ. Các chuyên ngành ngoài y khoa hoặc phục vụ cho hoặc bổ trợ y khoa. Đó chính là lí do các đại học phương Tây hay đặt tên "Medicine and Health Sciences" hay "Health and Medical Sciences" (Y khoa và Khoa học Sức khoẻ). Người ta không loại bỏ chữ "Medicine" hay "Medical" trong khoa danh khi phân khoa có chương trình đào tạo bác sĩ.
Có quan điểm bất thành văn nhưng phổ biến trong giới đại học là y khoa là một phân khoa "vương giả." Do đó, các đại học Mĩ thường đặt tên theo công thức "Tên Đại học + School of Medicine" (ví dụ như Harvard Medical School, Yale School of Medicine, UCSD School of Medicine, UNSW Medicine, Sydney Medical School, v.v.)
'Căn cước tính' có khi khá quan trọng trong cách đặt tên. Bởi vì chữ 'Health' được nhiều người trong ngành y sinh và sức khoẻ hiểu là tương đồng với điều dưỡng hay các chuyên ngành ngoài y khoa (medicine), nên ở một số trường tôi biết có vài chuyên ngành (như dược và y khoa) đòi tách ra khỏi phân khoa có tên Health hay Health Sciences để giữ cái căn cước tính dược khoa và y khoa.
Bởi vậy, tôi thấy cái danh "Đại học Sức khoẻ" là không đúng về khoa học tính, bởi vì 'sức khoẻ' là một trạng thái chứ không phải là một khoa học. Còn "Đại học Khoa học Sức khoẻ" thì tốt hơn, nhưng sẽ làm lu mờ chương trình đào tạo y khoa vốn là trọng tâm của khoa học sức khoẻ. Do đó, cần phải nghĩ đến một cái tên bao hàm cả trọng tâm và các chương trình đào tạo bổ trợ.
Tôi đề nghị nếu đổi tên thì có thể xem xét hai tên như "Đại học Y khoa và Khoa học Sức khoẻ TPHCM". Còn tiếng Anh có thể nghĩ đến "University of Medicine and Health Sciences at Ho Chi Minh City" hay "University of Heath and Medical Sciences at Ho Chi Minh City." Tôi dề nghị dù danh xưng mới là gì thì cũng cần phải giữ chữ "Y" hay "Y khoa" (Medicine hay Medical Science). Tôi nghĩ cách đặt tên như vậy sẽ không làm lu mờ y khoa mà còn mang tính hội nhập quốc tế.
GS Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn tin: Báo VietNamNet