Đó là quan điểm của GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội xung quanh những nội dung đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đang có nhiều cách hiểu sai về kết luận của Thủ tướng
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 74/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Văn bản này cho biết: Ngày 17/2/2014, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học tập, phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học và hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo GS Đào Trọng Thi, dư luận đang có nhiều cách hiểu chưa chính xác về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nhiều người đang lầm tưởng, năm 2015 chúng ta sẽ dùng kết quả của một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ông lý giải, phương án tổ chức thi từ năm 2015 mà Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT thực hiện là hướng đến một kỳ thi quốc gia có thể đáp ứng các yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Kết quả của kỳ thi quốc gia ấy chỉ là một trong những tiêu chí để các trường tiến hành xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh.
“Hiện tại, chúng ta đang có song song hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm 2015, chúng ta sẽ hướng đến một kỳ thi quốc gia để làm căn cứ cho các địa phương xét công nhận tốt nghiệp THPT và căn cứ giúp các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh. Kết quả của kỳ thi quốc gia này, các trường có thể sử dụng dưới những hình thức khác nhau.
...
Đối với việc xét công nhận tốt nghiệp, kết quả của kỳ thi quốc gia này sẽ là một trong những tiêu chí bên cạnh các tiêu chí khác như: Kết quả học tập 3 năm THPT, điểm tổng kết các môn học nằm trong danh sách môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn mà học sinh đăng ký, đạo đức…
Đối với tuyển sinh ĐH, CĐ, kỳ thi quốc gia này chỉ là một căn cứ để các trường tiến hành và đảm bảo tự chủ tuyển sinh. Bên cạnh căn cứ này, các trường ĐH, CĐ tùy theo năng lực và nhu cầu tuyển sinh của mình có thể làm thêm các tiêu chí khác, lấy làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể dùng toàn bộ kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển hoặc không dùng mà tiến hành thi tuyển…” GS Đào Trọng Thi phân tích.
Cũng theo GS Đào Trọng Thi, việc hướng đến một kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015 hiện mới chỉ là “ý tướng”. Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo nhưng tiến hành như thế nào, kết quả ra sao lại tùy thuộc vào Bộ GD-ĐT và hoàn cảnh thực tế của nền giáo dục nước nhà.
Bộ đang “băn khoăn” thì Thủ tướng đã kết luận, đã quyết định “hộ” rồi cớ sao còn chần chừ chưa quyết? – Giáo sư Đào Trọng Thi nhấn mạnh
“Thủ tướng đã quyết sao Bộ còn chần chừ?”
Trao đổi về vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh: “Việc làm cần thiết nhất bây giờ là Bộ GD-ĐT nên sớm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT tránh để dư luận hoang mang, học sinh hồi hộp như hiện nay.
Bộ đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ đang “băn khoăn” thì Thủ tướng đã kết luận, đã quyết định “hộ” rồi cớ sao còn chần chừ chưa quyết?
Một quyết định tốt nhưng sẽ không phát huy được tác dụng nếu còn chần chừ, không dứt khoát chốt và thực hiện không đến nơi…”
Cũng theo GS Thi, việc chốt sớm phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp Bộ GD-ĐT có thời gian để chuẩn bị tốt tất cả các khâu cho kỳ thi, giúp học sinh yên tâm học tập, giáo viên có định hướng giảng dạy, phụ huynh bớt hoang mang.
“Bất cứ một phương án nào khi đi vào thực tế đều phải được xem xét, rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần dần. Năm 2014 sẽ là năm thí điểm để “đo” độ hiệu quả của phương án thi mới và đúc rút bài học kinh nghiệm cho các năm sau. Bộ cần quyết đoán và mạnh dạn với các chủ trương mới…”, GS Thi khẳng định.