Tin Hà Tĩnh

Doanh nghiệp Hà Tĩnh kêu khó tiếp cận gói lãi suất 2%

Quy định vay với nhiều ràng buộc khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, thậm chí lo ngại đến vấn đề truy thu lại khoản vay hỗ trợ khi thanh, kiểm tra.

Thủ tục, yêu cầu phức tạp là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh Trương Hoa


Doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có tổng trị giá 40.000 tỷ đồng theo Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, nhiều doanh nghiệp tại Hà Tĩnh… cho biết vẫn khó "với" tới gói hỗ trợ này.

Theo quy định, để tiếp cận gói vay thì doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không được có có nợ xấu, có doanh thu, có tài sản đảm bảo.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn gói hỗ trợ lãi suất 2% là "phao cứu sinh" đúng lúc để giúp hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhưng thực tế không thể vay được vốn do rất khó đáp ứng được điều kiện do phía ngân hàng đưa ra.

Ông Hồ Gia Bảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục HBE Hà Tĩnh cho biết, rất khó tiếp cận với các nguồn vay ưu đãi. "Trước đây, Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân nhưng vướng điều kiện doanh nghiệp "không có nợ xấu", nay có gói lãi suất 2% để phục hồi lại cần phải có doanh thu nên doanh nghiệp rất khó để đáp ứng".

Ông Lê Xuân Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Tân Đại Phát Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp hiện rất muốn tiếp cận gói vay lãi suất 2% này nhưng ngặt nỗi đa số tài sản đảm bảo đã thế chấp cho ngân hàng. "Hai năm qua, hệ thống trường mầm non tư thục của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Có những lúc tưởng chừng phải ngừng hoạt động do không có nguồn thu nhưng để giữ chân người lao động, bảo dưỡng cơ sở vật chất…", ông Hồng nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh "than trời" đối với gói vay lãi suất 2% có nhiều thủ tục phức tạp. Ảnh Trương Hoa


Ông Hồng phân tích: "Đối với gói cho vay này, đa số doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh. Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì gói vay nay còn xa vời lắm".

Có tài sản thế chấp, là đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất 2% nhưng bà Nguyễn Thị C. hộ kinh doanh hải sản tại xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) vẫn không thể vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất này để mở rộng kinh doanh. "Dù đủ điều kiện lấy tài sản để thế chấp, nhưng khi làm hồ sở để vay vốn thì phía ngân hàng cho hay hộ kinh doanh chúng tôi không đủ điều kiện với lí do đơn vị mới kinh doanh từ năm 2020", bà C. nói.

Trao đổi với Nhadautu.vn, một doanh nghiệp vận tải tại TP. Hà Tĩnh chia sẻ, thủ tục để vay vốn quá phức tạp từ phía ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó để tiếp cận vì không dễ chứng minh được năng lực tài chính, nguồn lực. "Đối với doanh nghiệp chúng tôi, lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hành khách, xét về phương án kinh doanh là tốt, định hướng phát triển rõ ràng, ngành nghề kinh doanh cũng đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng do ngành nghề dịch vụ và việc sử dụng nguồn lực chéo như thuê ngoài để tối ưu nên tài sản để đảm bảo cũng rất khó để tiếp cận gói vay", doanh nghiệp vận tài này cho hay.

Giám đốc một Công ty kinh doanh kho bãi tại Hà Tĩnh cũng cho biết, chiếu quy định của gói hỗ trợ thì doanh nghiệp của ông thuộc đối tượng được vay do kinh doanh kho bãi, logistics. Thế nhưng, dù ông đã liên hệ và một vài ngân hàng và cử nhân viên xuống làm việc nhưng thời gian qua chưa thấy trả lời. "Thực tế đối với các gói vay hỗ trợ, nghe thì rất dễ dàng, nhưng khi bắt tay vào làm hồ sơ, thủ tục lại vướng đủ thứ. Có ngân hàng đòi doanh nghiệp phải đưa hết tài sản bảo đảm qua, kéo theo đó là hàng loạt phí như phí thẩm định, phí công chứng...", vị doanh nghiệp này phân trần.

Sớm mở đường cho doanh nghiệp

Trao đổi với Nhadautu.vn, một lãnh đạo Ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Tĩnh cho hay, có nhiều khách hàng mà ngân hàng đề nghị hỗ trợ lãi suất nhưng khách hàng từ chối vì sợ thanh kiểm tra sau này. Lý do là việc sử dụng vốn của doanh nghiệp trong thực tế khá "linh hoạt", do vậy họ thà trả thêm lãi suất còn hơn là hưởng hỗ trợ rồi lại lo ngay ngáy. Chính vì đối tượng hưởng gói hỗ trợ đã hẹp mà doanh nghiệp lại còn từ chối nên ngân hàng chỉ có thể áp dụng triển khai đối với các gói vay nhỏ lẻ, không đáng kể. Nhiều trường hợp ngân hàng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sát sao để gói vay đến với khách hàng nhưng họ từ chối với lí do không có nhu cầu vay gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng Agribank, chính sách tín dụng này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các đối tượng được vay, trong khi điều kiện vay vốn khá cao (phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh, mục đích sử dụng vốn, quy trình luân chuyển tiền…) gắn với việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sau cho vay nên nhiều khách hàng "ngại" tiếp cận. Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ…

Nhiều khách hàng của Vietcombank Hà Tĩnh mong muốn vay gói hỗ trợ lãi suất 2% song chưa đủ điều kiện. Ảnh CTV


Bên cạnh những khó khăn về điều kiện, thủ tục, việc các ngân hàng thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay cũng là rào cản với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, quá ngắn để lo thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ.

Cũng theo chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP. Hà Tĩnh, các ngân hàng hiện đã gần hết hạn mức tín dụng, cùng áp lực lạm phát lớn, có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vì vậy sẽ khó giải quyết được nguồn vốn, trong lúc doanh nghiệp đang rất cần vốn. "Để chính sách thực sự là "phao cứu sinh", cần cân nhắc nới các điều kiện cho vay để có thêm doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì được vay vốn. Có như vậy, chính sách mới kịp thời bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực sự trong quá trình tổ chức thực hiện", vị lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị, nhấn mạnh "Cần nới rộng đối tượng và điều kiện tiếp cận vốn, không nên quá nhiều ràng buộc. Nên coi đây là gói hỗ trợ đặc biệt để có những chính sách, cơ chế phù hợp. Điều kiện tiếp cận vốn không nên quá ngặt nghèo. Có như vậy, gói vay lãi suất 2% mới đi vào thực tiễn cuộc sống".

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP