Đặc Sản Hà Tĩnh

Dó trầm tiễn bưởi Phúc Trạch “chầu trời”

Nghe chuyện cây dó trầm thối rễ của bà chủ tịch cũng bán được gần 10 triệu đồng, cây khác của trưởng công an xã bán hơn 100 triệu đồng mới hiểu tại sao bưởi Phúc Trạch (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)-thương hiệu nổi tiếng lại đang “chết mòn”.

Bạc triệu từ bán dó trầm


Cậu bé chừng 14 tuổi con anh Thái Văn Quý ở trước cổng trụ sở UBND xã Phúc Trạch, nhanh nhảu nói khi chúng tội gợi chuyện về cây dó trầm: “Cây ni (này) bố cháu chỉ để làm cảnh thôi. Họ đến trả giá 45 triệu đồng nhưng bố không bán đâu”.


Nhà anh Quý cấp 4 cũ kĩ, xộc xệch nhưng có khu vườn rộng. Vườn phủ kín bởi hàng trăm cây dó trầm thẳng tắp với giá trị hàng trăm triệu. Nói về cây dó trầm, anh Quý tự hào: “Chiều muộn, tui (tôi) nghe chuông điện thoại báo con gái đi làm trong Bình Dương bị tai nạn. Băn khoăn chốc lát không biết lấy tiền đâu mà gửi cho con nên điện thoại cho người “lái dó” (tức là đầu nậu buôn dó). Chỉ mươi phút sau, ngắm nghía cây dó trầm bên cạnh cái chuồng trâu cũ kỹ, người buôn dó đưa tui gần 12 triệu đồng. Đến đi vay nặng lãi cũng không nhanh như thế chú ơi. Nhưng với cây dó thì tiền đến nhanh lắm”.


Ngồi kế bên, anh Hoàng Văn Hoan (ở xóm 7 xã Phúc Trạch) cũng khoe: “Con trai tui vừa bán bán 10 cây dó trầm được 80 triệu đồng đó. Nếu chúng không cần gấp để lấy tiền xây nhà thì chưa bán đâu. Nó bán như thế là “bán non” đấy chú”.


Phúc Trạch bây giờ đã có nơi bán giống dó trầm, có “đầu nậu” dó trầm. Chỉ cần người dân điện thoại thì ngay sau đó ít phút đã có người mua. Người dân chỉ biết đầu nậu mua cây dó trầm để đưa vào miền nam chiết tinh dầu còn làm gì nữa thì không hay. Nhưng thực tế người dân cần tiền có thể bán dó trầm “non”, sau đó người mua gửi lại cây ở vườn cho đến khi thu hoạch.


Lãnh đạo cũng “phất” vì… dó


Phúc Trạch những ngày qua vẫn bàn tán về cây dó trầm bán được hơn 130 triệu đồng của một lãnh đạo xã. Cây dó trầm này nghe đâu gia chủ đã trồng mấy chục năm, người buôn dó vừa đến là đã “sướng” ngay.


Chẳng phải kiểm tra về chất lượng của cây, người lãnh đạo ra giá và đã có trong tay trăm triệu đồng từ một cây dó trầm. Chuyện này đã được ông Lê Khắc Thường-cán bộ tài chính xã Phúc Trạch xác nhận.


Nhà ông Thường có 5 sào đất thì cũng trồng gần 2 ngàn cây dó trầm. Hiện tại những cây này đã được 4 tuổi. Nếu bán số dó trầm này, ông Thường cũng có trong tay hàng trăm triệu đồng. Theo ông Thường thì không chỉ người dân mà hầu như gia đình cán bộ xã nào cũng trồng dó trầm.


Một cây dó trầm bán “non” tức là có độ tuổi chừng 3-4 tuổi cũng có giá trên 5 triệu đồng, còn đến khi thu hoạch được chừng 7-8 tuổi có giá gần 10 triệu đồng. Trong khi đó, 1ha đất người dân có thể trồng được 100 cây dó trầm. Mỗi gia đình có ít nhất 2-3ha, khi trồng dó trầm và bán đi có thể thu về hàng trăm triệu đồng.

Một vườn dó trầm ở Phúc Trạch

Khi chúng tôi đề cập đến cây dó trầm bán được hơn trăm triệu đồng, bà Trần Thị Hà-Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch khẳng định: “Đó là cây dó trầm của nhà trưởng công an xã Phúc Trạch (ông Nguyễn Văn Thiện-PV). Ông mới bán xong cũng được hơn trăm triệu đồng”.


Hiện nhà bà Hà cũng trồng hàng ngàn cây dó trầm ở độ tuổi có thể bán được. Tính sơ sơ theo giá thị trường cũng có hàng trăm triệu đồng. Chuyện bà Hà nói về cây dó trầm thối rễ khiến chúng tôi nghĩ là đùa: “Vừa rồi có cây dó trầm của gia đình bị thúi rễ nên tôi đem bán. Cây này cũng được 9 triệu đồng đấy”.


Bưởi Phúc Trạch không còn đất sống


Ít ai ngờ, cây bưởi Phúc Trạch – thương hiệu bưởi ngon nổi tiếng đang bị hắt hủi “nhường chân” cho sự phất lên của cây dó trầm.


Quan sát vườn nhà anh Thái Văn Quý có đến gần 1 ngàn cây dó trầm nhưng chỉ có vài chục cây bưởi trồng xen kẽ. Dó trầm thẳng tắp, che lấp đi những cây bưởi còi cọc, khẳng khiu với rải rác đôi quả. Anh Quý dự định: “Sắp tới tôi định trồng thêm 500 cây dó trầm nữa. Bưởi không hiệu quả lắm nên người dân ít trồng lắm”.

Những quả bưởi Phúc Trạch còn sót lại ở vườn cây nhà anh Quý

Theo anh Quý thì hầu hết người dân xã Phúc Trạch không còn mặn mà với cây bưởi Phúc Trạch. Thay vào đó là họ trồng cây dó trầm. Sự hoán đổi giữa hai loại cây này diễn ra từ 10 năm trước nhưng mạnh nhất là 5 năm lại đây.


Không những ở các khu vườn người dân mà sự “chết mòn” của bưởi Phúc Trạch thể hiện ngay ở vườn của những lãnh đạo xã này. Như nhà bà chủ tịch xã Phúc Trạch có hàng ngàn cây dó trầm nhưng chỉ có 40 cây bưởi, nhà ông Lê Khắc Thường-cán bộ tài chính cũng có gần ngàn cây dó trầm nhưng chỉ có mấy chục cây bưởi…


Bà Trần Thị Hà-Chủ tịch UBND xã Phúc Trách thừa nhận một thực tế phũ phàng là cây dó trầm đang thành “vương” trên quê hương của thương hiệu nổi tiếng “bưởi Phúc Trạch”. Bà Hà cho biết: “Mấy năm lại đây, trồng bưởi không còn hiệu quả. Cây còi cọc, ra hoa nhưng ít quả. Trong khi cây dó trầm lại cho hiệu quả kinh tế ngay nên người dân đã trồng dó trầm. Đến nay hầu như 100% các hộ dân ở xã đều trồng dó trầm”.


Tháng 8 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm thu hoạch bưởi Phúc Trạch, nhưng có mặt ở địa phương vào thời điểm này chúng tôi vẫn không được hưởng cái hương vị bưởi Phúc Trạch trên quê hương Phúc Trạch. Đơn giản là dó trầm đã đưa bưởi Phúc Trạch “chầu trời” mất rồi!?


Trọng Đức

Bee

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP