Thể thao

Điều gì sẽ xảy ra nếu V-League 2020 bị hủy?

Nếu V-League 2020 bị hủy, nó sẽ tác động ra sao tới các CLB và VPF?

V-League 2020 chưa xác định được số phận. Ảnh VPF.jpg


Nhiều giải pháp, phương án đã được Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra nhưng nguy cơ V-League 2020 bị hủy do dịch bệnh vẫn hiển hiện. Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ tác động ra sao tới các CLB và VPF?

Loay hoay “giải cứu” V-League 2020

Kể từ thời điểm thông báo hoãn toàn bộ các giải bóng đá chuyên nghiệp hồi đầu tháng 8, VPF đã ba lần thay đổi phương án đưa mùa giải trở lại. Trong thông báo mới nhất gửi tới các CLB, VPF đưa ra hai phương án tổ chức thi đấu cho phần còn lại mùa giải 2020.

Phương án 1, V-League sẽ tái khởi động ngày 3/10. Tới giai đoạn 2, nhóm 6 đội đứng cuối giai đoạn 1 thi đấu đến ngày 15/11, còn nhóm 8 đội đứng đầu thi đấu hết ngày 22/11. Giải hạng nhất tiếp tục ngày 23/9 và kết thúc ngày 31/10. Cúp quốc gia đấu từ 12/9 hoặc 19/9.

Phương án 2 về cơ bản tương tự phương án 1 nhưng căn cứ vào lịch thi đấu của AFC Cup (có TP HCM và Than Quảng Ninh tham gia) nên sẽ kéo dài thời điểm kết thúc. Cụ thể, nhóm B đá xong ngày 22/11, nhóm A lượt cuối ngày 5/12. hoặc nhóm B kết thúc ngày 29/11, nhóm A ngày 12/12.

Mặc dù vậy, VPF cũng bỏ ngỏ, nếu diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kế hoạch thi đấu không thể thực hiện được thì sẽ tập hợp ý kiến các đội bóng rồi báo cáo lên Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam xin chỉ đạo về hướng giải quyết. Ở đây có thể thấy, bản thân VPF dù rất muốn nối lại mùa giải nhưng đơn vị này cũng đã nghĩ tới tình huống xấu nhất, buộc phải kết thúc sớm.

“Chúng ta đang rơi vào thế bị động, mọi thứ phụ thuộc vào diễn biến chống dịch. Bóng đá chỉ trở lại khi được các cơ quan chức năng cho phép, phải đảm bảo an toàn. Cạnh đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả việc dừng giải bất khả kháng”, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF nói.

Trước đó, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp đã gửi công văn lên VPF, VFF đề nghị hủy bỏ mùa giải nhằm giúp CLB giảm gánh nặng tài chính. Đây cũng được xem là quan điểm của DNH Nam Định hay Thanh Hóa. Riêng CLB Thanh Hóa từng có đơn xin bỏ giải nhưng sau đó đã rút lại.

Trong khi đó, Chủ tịch CLB TP HCM Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng hay người đứng đầu CLB Hà Nội - ông Đỗ Vinh Quang đều mong muốn mùa giải 2020 tiếp tục tranh tài. “Chúng tôi muốn đá tiếp bởi nếu hủy giải hiện tại thì việc công nhận kết quả sẽ ra sao khi nhiều đội bóng còn cơ hội vô địch hay đội nào sẽ trụ hạng?”, ông Thắng đặt câu hỏi.

Tác động tiêu cực?

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, các CLB sẽ không bị tổn hại quá nhiều, thậm chí còn có lợi, bởi lẽ doanh thu từ bóng đá vốn không chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn tài chính của đội bóng.

“Các đội bóng chủ yếu sống bằng tiền tài trợ, đa phần được giải ngân vào đầu mùa. Tiền hỗ trợ từ VPF không đáng kể, tiền bán vé cũng không lớn, nhất là trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, đá tiếp cũng không có khán giả. Như vậy, nếu thực sự giải phải dừng thì CLB chẳng vì vậy mà khó khăn hơn. Ngược lại, họ sẽ chấm dứt hợp đồng với các ngoại binh đúng thời hạn (ngày 31/10) và có thêm thời gian chuẩn bị cho mùa giải 2021”, ông Thanh phân tích.

Tuy nhiên, bình luận viên Ngô Quang Tùng lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Tùng khẳng định, nếu hủy giải, VPF lẫn các CLB đều chịu tác động xấu: “Mùa giải mới trôi qua được một nửa, các trận đấu không diễn ra thì quyền lợi của nhà tài trợ trên sân, trên truyền hình đương nhiên không được đảm bảo.

Khi đó thì việc thanh quyết toán hợp đồng sẽ rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sa sút do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nguồn tiền ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp tới công tác tổ chức ở mùa giải năm sau. Về phần CLB, họ là cổ đông của VPF nên chắc chắn VPF không “khỏe” thì họ cũng “hắt hơi sổ mũi”. Rồi việc xin tài trợ với bản thân CLB cũng khó khăn hơn”.

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF đặc biệt lo ngại cho tình hình tài chính nếu giải phải hủy. “Bóng đá chuyên nghiệp bản chất là kinh doanh dựa trên sản phẩm các trận đấu. Giờ không có sản phẩm, không có hàng hóa thì lấy gì để bán? Nhà tài trợ nếu họ kiên quyết từ chối giải ngân thì cũng phải chấp nhận bởi mình không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho họ”, ông Tú nói.

Người đứng đầu VPF cũng chia sẻ thêm, hiện nay có một số CLB kêu gọi hủy giải. Nhưng nếu hủy giải thời điểm này, khi mọi thứ chưa rõ ràng thì chắc chắn không thể đàm phán cùng nhà tài trợ. Nguy hiểm hơn, từ mùa giải sang năm, công tác vận động tài trợ sẽ cực kỳ gian nan. “Tôi rất mong các CLB hãy vì cái chung khi đưa ra quan điểm”, ông Tú giãi bày.

Về mặt chuyên môn, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh: “Các cầu thủ, HLV không được hành nghề thì chắc chắn chịu tác động tiêu cực. Họ bị hẫng một thời gian dài tới tận mùa giải sang năm thì liệu phong độ, cảm giác bóng, thể lực có đảm bảo được không? Tôi e rằng rất khó”. Ông Trần Anh Tú cũng có góc nhìn tương tự khi khẳng định, cầu thủ nếu không hành nghề thì khó phát triển tư duy cũng như các kỹ năng.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA, việc nối lại mùa giải là cần thiết. Tuy nhiên, VPF lẫn VFF cần phải tính toán kỹ càng bởi nếu mùa giải năm nay kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng lớn tới các CLB.

“Mỗi đội bóng đều chỉ có số tiền nhất định để duy trì thi đấu trong khoảng thời gian cho phép. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến mùa giải kéo dài khiến nhiều đội lao đao. Trường hợp phải tới cuối tháng 11 hay tháng 12 mới khép lại mùa giải 2020 thì thực sự rất khó cho nhiều đội. Đó là chưa kể tới việc các CLB cũng cần có quỹ thời gian nghỉ ngơi, tập huấn cho mùa giải mới ít nhất khoảng 60 - 70 ngày”, ông Thanh nói.

Tác giả: Hữu Hiệp

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP