Các trường Đại học (ĐH) trên cả nước đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn cho thí sinh xét tuyển năm nay. Tuy nhiên, có thể thấy, chưa năm nào điểm chuẩn của một số ngành, một số trường lại tăng - giảm theo chiều dốc thẳng đứng như năm nay.
|
Sư phạm Lịch sử lên ngôi
Trường ĐH Quy Nhơn năm nay có 6 ngành Sư phạm điểm chuẩn là 28,5 điểm gồm Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa học. Mức điểm này so với năm 2021, có 3 ngành tăng 9,5 điểm là Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý và Sư phạm Vật lý.
Không những thế, trong bức tranh tổng thể điểm chuẩn của trường ĐH Quy Nhơn, 6 ngành học này năm nay nổi lên như một sự “bất thường”, vì các ngành khác chỉ dừng ở mốc 15-19 điểm. Riêng Giáo dục Tiểu học là 24 điểm và Giáo dục thể chất là 26 điểm, còn Sư phạm tiếng Anh là 22,25 điểm.
Nguyên nhân được nhà trường lý giải do chỉ tiêu 6 ngành trên chỉ 8 – 18 chỉ tiêu.
|
Một điểm khác biệt so với mọi năm là năm nay, ngành Sư phạm Lịch sử lên ngôi ở tất cả các trường đào tạo ngành này.
Ngành Sư phạm Lịch sử ở trường ĐH An Giang tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, với mức 26,5. Tương tự điểm chuẩn ngành này tại trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) là 39,92 - tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Năm nay, ngành Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lấy điểm chuẩn cao nhất với 38,67/40 điểm, tăng 13,17 điểm. Lý giải nguyên nhân tăng, đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết do chỉ tiêu của trường còn rất ít, 9 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, phổ điểm lịch sử năm nay cao nên đẩy điểm chuẩn của ngành này lên cao.
Theo đánh giá của các trường, các ngành tuyển sinh tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) năm nay đa số có điểm chuẩn tăng do điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử tăng vọt so với các năm trước. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử lệch phải qua mốc 5 điểm. Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử những năm trước thường xếp “đội sổ” thì năm nay phổ điểm tương đối đẹp, nhiều điểm 10.
Công nghệ thông tin, kỹ thuật giảm sốc
Trong số 55/60 ngành của trường ĐH Bách khoa Hà Nội lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì chỉ có 2 ngành tăng so với năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng chỉ là 0,15 điểm. 53 ngành còn lại giảm từ 0,14 đến 3,45 điểm.
Trong nhóm ngành công nghệ thông tin, nhóm ngành nóng nhất của trường, năm nay có 5 ngành không lấy điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ còn ngành Kỹ thuật máy tính và Công nghệ Thông tin (Việt Nhật) lấy kết quả thi tốt nghiệp thì ngành Kỹ thuật máy tính năm ngoái có điểm chuẩn cao nhất trường, năm nay vẫn giữ mức thủ khoa nhưng giảm 0,14 điểm so với năm trước. Còn ngành Công nghệ Thông tin (Việt Nhật) giảm 0,15 điểm.
Ngành Công nghệ thông tin ở một số trường cũng giảm điểm đáng kể so với năm 2021. Trong đó, giảm nhiều nhất phải kể đến ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, giảm từ 24,2 điểm xuống còn 15 điểm (giảm 9,2 điểm).
|
Một số ngành kỹ thuật năm nay điểm chuẩn cũng giảm sốc. Ngoài ngành Công nghệ Thông tin, điểm chuẩn một số ngành kỹ thuật của trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM có biến động rất mạnh. Ngành Kỹ thuật Điện, Kinh tế Xây dựng (chuyên ngành Quản lý Xây dựng, Kinh tế Xây dựng (chuyên ngành Kinh tế xây dựng) của trường giảm 9,2 điểm; ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (chuyên ngành Tự động hóa Công nghiệp) giảm 10,4 điểm; ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương tiện) giảm 9,9 điểm; ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành Xây dựng và Quản lý chuỗi cung ứng) giảm 10,1 điểm; ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành Kinh tế vận tải biển) giảm 10,9 điểm; một số ngành khác của trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng giảm từ 6,3 đến 8,6 điểm.
Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có một loạt trường giảm điểm chuẩn như ngành Kỹ thuật Công nghiệp (hệ đại trà) giảm 8,25 điểm; ngành Công nghệ Vật liệu (hệ đại trà), Kỹ thuật gỗ và Nội thất giảm 7,25 điểm; ngành Công nghệ Thực phẩm (hệ đại trà) giảm 8 điểm; ngành Công nghệ kỹ thuật in giảm 7,65 điểm….
Theo lý giải, điểm chuẩn của nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật năm nay giảm có nguyên nhân một phần do phổ điểm các môn như Toán, Lý, Hóa, Anh năm nay thấp hơn so với năm trước. Không những thế, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay cũng giảm nhiều so với năm 2021.
Y Dược hạ nhiệt
Dù vẫn thuộc nhóm điểm chuẩn cao nhưng điểm trúng tuyển vào khối Y Dược giảm so với năm ngoái. Năm ngoái điểm trúng tuyển của trường ĐH Y Hà Nội dao động từ 23,2-28,85 thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hoá giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.
Tại trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm ngoái dao động 21,35-27,35, năm nay còn 18,1-26,65. Ngành Dinh dưỡng và Điều dưỡng giảm mạnh nhất, từ 4,25 đến 5,7 tuỳ ngành và nhóm thí sinh. Điểm chuẩn của Trường ĐH Y Dược Hải Phòng năm nay dao động từ 19,1 - 26,2 điểm, giảm từ 0,6 - 3 điểm so với năm 2021.
Ngành Y Khoa (B) có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 26,2 điểm (giảm 0,7 điểm so với năm 2021), theo sau đó là ngành Răng hàm mặt với 26 điểm (giảm 0,7 điểm so với năm 2021).
Đặc biệt, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng có 3 ngành Điều dưỡng, Y dược dự phòng và Y học cổ truyền giảm từ 2 đến 3 điểm về sát điểm sàn.
Nguyên nhân điểm chuẩn nhóm ngành Y dược giảm được cho là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở tổ hợp B00 thấp hơn năm ngoái. Số bài điểm 10 môn này giảm tới trên 98%, số thí sinh đạt từ 27,5 trở lên tổ hợp B00 là 465, giảm gần hai lần so với năm ngoái. Do đó, việc điểm trúng tuyển vào trường năm nay giảm so với năm ngoái là không bất thường.
Chưa kể, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng giảm. Ví dụ như Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05) nhưng mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong