Dựa trên kết quả phân tích phổ điểm tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều chuyên gia đều dự báo, điểm chuẩn các ngành, trường xét tuyển bằng tổ hợp A00, C00 tăng từ 0,5 đến 2 điểm, ngược lại các tổ hợp A01, B00, D01 sẽ giảm nhẹ.
Thí sinh tham gia thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: C.H) |
Đăng ký nguyện vọng theo 3 nhóm
Chia sẻ bí kíp giảm rủi ro trong đăng ký xét tuyển, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương cho biết, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm.
Nhóm giữa là cơ hội đỗ cao nhất, cũng là nhóm mà thí sinh cần phân tích khả năng của bản thân dựa trên điểm thi. Sau đó tịnh tiến lên, chọn nhóm ngành yêu thích nhưng cơ hội đỗ thấp hơn. Dưới cùng là nhóm có độ yêu thích giảm nhưng đảm bảo an toàn trúng tuyển cho thí sinh.
Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay, nguyên tắc chung vẫn là xét theo các nguyện vọng từ cao xuống thấp, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất.
Dù đã trúng tuyển tạm thời bằng các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh vẫn có quyền đăng ký ngành khác mình mong muốn bằng cách ưu tiên đặt nguyện vọng cao hơn khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Do vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin, nhất là tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đăng ký sao cho hợp lý, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) khuyên thí sinh nên đặt nguyện vọng vừa đủ và chia số nguyện vọng thành 3 nhóm, gồm: nhóm ngành rất yêu thích và dự báo kết quả có cơ hội thấp hơn, nhóm thứ 2 là có cơ hội và nhóm thứ 3 có cơ hội cao. Mỗi nhóm như vậy đặt khoảng từ 3 - 5 nguyện vọng.
Ông cũng cho rằng, kết quả của quá trình xét tuyển phụ thuộc nhiều yếu tố như phổ điểm thi và số lượng nguyện vọng đăng ký vào. Nếu điểm chuẩn một số ngành năm trước cao thì chưa chắc năm nay cao và ngược lại. Do đó, quan trọng nhất là thí sinh nếu yêu thích ngành nào và cảm thấy phù hợp thì nên đăng ký.
(Ảnh minh hoạ: C.H) |
Tham khảo điểm chuẩn các năm
PGS.TS Nguyễn Viết Thái, trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Đại học Thương mại lưu ý, thí sinh phải hết sức bình tĩnh để phân tích, đánh giá và lựa chọn ngành. Theo đó, thí sinh cần xem xét điểm trúng tuyển các trường những năm gần nhất. Từ sự đối chiếu và so sánh trên sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng theo nguyên tắc "yêu thích nhất ở đầu, an toàn nhất ở cuối".
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Đại học Nông lâm TP.HCM khuyên thí sinh nên ưu tiên số một là ngành mình yêu thích, ngành mình có sở trường. Còn vào trường nào thì tuỳ thuộc vào điều kiện tài chính của gia đình. Ví dụ như điều kiện tài chính gia đình khó khăn mà chọn trường tư hoặc trường tự chủ tài chính thu học phí cao, gia đình không có khả năng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Thí sinh lưu ý, phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, theo thứ tự ưu tiên. Sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
"Dù là nguyện vọng thứ 10 mới đủ điều kiện đỗ thì thí sinh vẫn được xác nhận trúng tuyển nếu 9 nguyện vọng xếp trước thí sinh không đủ điều kiện đỗ", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (xem hướng dẫn tại Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia); Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên Hệ thống; Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất); Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của các trường được xử lý nguyện vọng trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển; Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định. |
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo VTC News