Dịch xuất hiện đầu tiên từ hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi để ăn thịt nên người dân không quan tâm đến dấu hiệu bất thường này. Vịt chết 1, 2 con, người dân thấy đấy là chuyện thường, không có gì phải báo cáo. Tuy nhiên, sau đó, một hộ chăn nuôi nhỏ nữa gần kề đó lại tiếp tục có vịt chết; lại thêm một hộ nữa… đến lúc ấy xã mới biết.
Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã cử cán bộ về tận xóm để kiểm tra, thấy có dấu hiệu xuất hiện dịch nên xã đã lập tức cho lập 3 chốt kiểm dịch tại 3 “cửa ngõ” ra vào của xã đồng thời khẩn cấp họp BCĐ phòng chống dịch để triển khai kế hoạch phòng chống. Tất cả lực lượng dân quân tự vệ và an ninh viên của xã đều được huy động và giao nhiệm vụ cụ thể, trong đó lực lượng dân quân tự vệ giao cho canh giữ các chốt, chợ, không cho gia cầm lưu thông lưu thương, còn lực lượng an ninh đảm nhận khâu bắt và tiêu hủy gia cầm bị dịch. Riêng các xóm, đồng loạt tập trung tuyên truyền các nội dung về phòng chống dịch gia cầm cho người dân; chịu trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời về tình hình diễn biến của dịch.
Tuy nhiên, dịch lây lan với tốc độ rất nhanh, không chỉ xuất hiện trên các đàn vịt lẻ nữa mà đã tấn công đến các gia trại, trạng trại, lây lan sang nhiều xóm. Liên tục từ ngày 3-7/8, xã đã tiêu hủy đến 1200 con gia cầm; đến ngày 15/8 tổng tiêu hủy là 3063 con của 22 hộ dân. Với phương châm dịch xuất hiện đến đâu vệ sinh khử trùng đến đó, xã đã rắc hết 1,5 tấn vôi bột và phun 60 lít hóa chất; cấp 40 lít hóa chất/12 xóm phun các vùng trọng điểm. Đối với việc tiêu hủy, xã chọn địa điểm phía Tây của xã, cách các khu dân cư khá xa, đào hố sâu chôn tập trung theo đúng quy trình hướng dẫn.
Cùng với công tác chống dịch, việc phòng dịch lúc này cũng được xã đồng triển khai cấp bách không kém. Các thôn xóm đã tổ chức ký cam kết tới tận từng hộ dân về thực hiện “5 không” (Không dấu dịch; không mua gia súc, gia cầm; không bán chạy tháo; không thả rông; không vứt xác động vật bừa bãi); hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại để sẵn sàng tái chăn nuôi khi có đủ điều kiện. Đặc biệt, xã đã nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc xin H5N1 trên đàn gà, vịt còn lại. Đến nay, đã tiêm được gần 3500 con gà, vịt, cơ bản đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Kiều cho biết: Ban đầu người dân còn dấu dịch nhưng sau khi chính quyền phát hiện và tuyên truyền thì người dân rất đồng tình, họ đều tự giác báo cáo. Đặc biệt, trong đợt tiêm phòng này không chỉ có các hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa quan tâm mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi để ăn thịt theo lối “tự cung tự cấp” cũng rất tự giác mang gia cầm đến tiêm. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay vẫn là về nguồn gốc của con giống. Những con gia cầm bị dịch đầu tiên tại địa phương đều có chung một nguồn gốc, đều được mua từ một hộ kinh doanh con giống không rõ nguồn gốc của một xã bên cạnh. Qua đây, chúng tôi muốn kiến nghị tới các cơ quan chức năng cần có biện pháp để quản lý tốt về nguồn cung cấp con giống cho người dân chứ như hiện nay vẫn con đáng kể những người kinh doanh con giống trôi nổi.
Đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia cầm ở Thạch Hương đã có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, xã cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và chuẩn bị các phương án động viên, hỗ trợ các hộ chăn nuôi có thiệt hại đáng kể; hướng dẫn, giúp người dân chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tái đàn chăn nuôi khi có đủ điều kiện.
Thục Chi
Báo Hà Tĩnh