Khởi phát đầu tiên là tại hộ nuôi của ông Hoàng Văn Chỉnh, thôn 1 (Cẩm Quan) khi đàn gia cầm hơn 300 con bỗng bị ốm chết hàng loạt. Số gia cầm này đã được ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm và bị tiêu hủy ngay sau đó do có phản ứng dương tính với H5N1. Tiếp theo đó, Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Hòa liên tục xuất hiện hiện tượng gia cầm bị ốm chết đã đưa Cẩm Xuyên trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh xuất hiện dịch cúm H5N1. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu huyện phải đối mặt với tình cảnh này.
Ông Phạm Đào Tịnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Cẩm Xuyên cho biết: Diễn biến dịch bệnh H5N1 năm nay có nhiều biểu hiện khác thường so với mọi năm. Các ổ dịch phát sinh không mang tính tràn lan như trước mà xảy ra lẻ tẻ, kéo dài và phân tán ở một số hộ nuôi. Do vậy, công tác phòng chống dịch trở nên khó lường khiến cho nguy cơ lây lan trên diện rộng tăng cao. Từ ngày 23/7 hết ngày 7/8 chúng tôi đã buộc phải tiêu hủy gần 6000 con gia cầm của 26 hộ tại 15 thôn của 8 xã. Theo đó, huyện đã cấp trên 1000 lít hóa chất và trên 3700 kg vôi bột cho các hộ nuôi để tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Với lợi thế là vùng giáp ranh thành phố, Cẩm Xuyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Tổng đàn tăng nhanh, trong đó chủ yếu là lợn, gà và vịt. Theo tìm hiều của chúng tôi, đợt dịch này xuất hiện chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện, nơi tập trung 70% tổng đàn gia cầm (hơn 400 nghìn trong tổng số 600 nghìn con). Mật độ nuôi dày trong khi môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh; một số nơi không tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không chấp hành kế hoạch tiêm văcxin thì bệnh dịch xảy ra là điều dễ hiểu.
Cũng phải nói thêm rằng, điểm khởi phát Cẩm Quan nằm gần ổ dịch cũ hồi đầu năm là xã Cẩm Duệ, các mầm bệnh dù đã được tiêu hủy, khử độc nhưng vẫn có thể lưu trú trong môi trường, gặp thời tiết thuận lợi sẽ tái bùng phát trở lại. Cực chẳng đã, các xã này lại nằm trong vùng hạ lưu của đập tràn Kẽ Gỗ, dịch bệnh theo nguồn nước chảy về xuôi, vì thế mà tình hình phát sinh bệnh nhanh đến chóng mặt.
Ông Tịnh cho biết thêm: “Dù kịp thời phong tỏa vùng dịch, khẩn trương tiêm phòng tại 13 xã vùng dịch, vùng nguy cơ cao và vùng bị uy hiếp; đồng thời, lập 7 chốt kiểm dịch; khống chế mua bán, vận chuyển gia cầm vào địa phương và ngược lại nhưng sau khi tiêm phòng hàng trăm con gà vịt vẫn lăn đùng ra chết do đã mang sẵn mầm bệnh”.
Mới đây nhất, vào ngày 11/8, ngành chuyên môn đã phải tiêu hủy 342 gia cầm tại 2 xã Cẩm Thành (195 con) và Cẩm Quan (147 con). Ông Dương Đức Huy, thôn Yên Khánh (Cẩm Vĩnh) cho biết: “Chỉ sau mất tiếng đồng hồ sau khi tiêm vacxin H5N1 cả đàn vịt 125 con bỗng chết ngả rạ. Đây là lần thứ hai trong năm nay, vợ chồng tôi bị mất trắng đàn gia cầm vì dịch H5N1. Riêng lần này, thiệt hại trên 20 triệu đồng, nghĩ đến đầu tư lại mà nản chí”.
Các hộ nuôi xã Cẩm Bình nghiêm chỉnh chấp hành tiêm văcxin H5N1
Đi suốt vùng dịch của Cẩm Xuyên, ấn tượng để lại trong tôi nhiều nhất là hình ảnh cụ Nguyễn Thị Thái, thôn Bắc Tiến (Cẩm Bình). Tuổi đã ngoài 80, bà chỉ có gần 20 con gà nuôi thả vườn, vậy mà nghe loa phát thanh thông báo có dịch H5N1 cụ đã chủ động nhốt gà và mời cán bộ thú y đến nhà tiêm vắc – xin. Cụ chia sẻ: “Ông vừa mới mất nên tôi phải nhờ con cháu nhốt gà từ hai ngày nay rồi. Dù ít, dù nhiều thì có dịch là mình phải tuân thủ chỉ đạo của chính quyền để vừa bảo vệ cho đàn vật nuôi mình nhưng cũng là trách nhiệm với xã hội”.
Hiện nay, Cẩm Bình có tổng đàn gia cầm lớn nhất huyện với gần 84 nghìn con, trong đó quy mô từ 100 con/hộ trở lên là 220 hộ. Do vậy, ngay từ rất sớm Cẩm Bình đã vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc. Chỉ trong vòng 1 ngày, mọi số liệu điều tra về gia cầm được cập nhật đầy đủ, từ đó liên hệ thú y huyện để xin thuốc vắc – xin tiêm phòng cho vật nuôi. Đến thời điểm này, công tác tiêm phòng của xã đã hoàn tất với 70.000 liều.
Trước đó, vào ngày 6/8, xã đã chỉ đạo tiêu hủy 200 con gà (37 ngày tuổi) của hộ nuôi Lê Thị Thành, thôn Tân An do phản ứng văcxin. Từ đó đến nay, trên địa bàn không phát sinh thêm gia cầm bị ốm chết, tình hình dịch bệnh có khả năng được khống chế. Ông Nguyễn Thiên Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ bài học của các đợt dịch trước, ý thức về an toàn dịch bệnh của hộ nuôi đã được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hết lo vì đây vẫn là một trong những “điểm nóng” của ổ dịch cũ. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì sự mất kiểm soát là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu sự đồng bộ của các địa phương về số lượng và thời gian tiêm phòng”.
Nói gì thì nói, việc chấp hành tiêm phòng bổ sung trong những ngày qua vẫn chỉ là việc “nước đến chân mới nhảy”. Thiết nghĩ, Cẩm Xuyên cần mở rộng chính sách khuyến nông, tạo ra môi trường chăn nuôi sạch, an toàn sinh học theo mô hình khép kín, nhằm tăng hiệu quả cho ngành kinh tế chủ đạo, vừa khai thác hết lợi thế của địa phương theo hướng an toàn, bền vững.
Nguyễn Oanh
Báo Hà Tĩnh