Sách “Làng cổ Hà Tĩnh” của tác giả Thái Kim Đỉnh chép lại chuyện kể về Đền rằng, nguyên xưa có một thổ dân lên núi bắt được một hòn gạch dày khắc chìm hai chữ “Đại vương” bèn lấy mấy cái tranh săng che tạm lại thành miếu để thờ phụng. Như vậy, trước khi có đền Linh Nha ở đây đã có miếu thờ tự theo tín ngưỡng dân gian. Nhân vật được thờ là thần núi, trong tín ngưỡng xưa gọi là thần Cao Sơn Cao Các, một vị thần được dân gian tin rằng ngài cai quản các ngọn núi cùng các sinh vật sinh sống ở đó. Qua các cuộc khảo sát điền dã, thì sơ khai đền có tên là miếu Đan Liên, thờ thần rú Nghèn. Đối chiếu với tín ngưỡng thờ cúng dân gian, đây chính là một trong những nơi thờ thần Cao Sơn Cao Các. Sự tích về thần Cao Sơn bắt nguồn từ vùng núi phía bắc với bộ ba thần Tản Viên – Cao Sơn – Quý Minh với công lao đánh giặc, chống lũ, ngăn thú dữ bảo vệ yên lành cho nhân dân, đều được phong hiệu vào hàng “thượng đẳng phúc thần”. Riêng thần Cao Sơn còn được thờ ở trong tứ trấn của thành Thăng Long.
Về sự hiển linh của thần, dân gian truyền miệng khá nhiều giai thoại. Trong đó, được chứng thực nhiều nhất và đã được ghi vào chính sử là câu chuyện liên quan đến Tào quận công Ngô Phúc Vạn (người Trảo Nha, một võ tướng nhà Lê). Năm 1625, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn phụng mệnh tiến về Bắc đánh quân Mạc, có nghỉ lại ở quê nhà. Một buổi Ông nằm ngủ, chiêm bao thấy một người khăn áo chỉnh tề, dáng dấp đoan trang, nói tiếng Yên Đài, đi tới bảo Ông hãy xây dựng miếu. Ông thức dậy đốt hương mật đảo, khấn vái, rồi đem quân đi đánh nhà Mạc. Năm ấy (tức năm 1625), ông bắt được vua Mạc Càn Thống (tức Mạc Kính Cung). Vua Lê luận công ban thưởng, ông dâng sớ tâu lên vua về giấc mộng thần núi giúp đỡ mình. Vua ban sắc phong “phúc thần”, hiệu là Nam nhạc Đại vương, ban cho ruộng tốt, sai dựng đền thờ, đặt tên là đền Linh Nha, hàng năm triều đình sai người đến tế, nên đền còn được gọi là “Đền quốc tế”, hàng năm, vào dịp tế lễ được tổ chức long trọng và rất đông đảo nhân dân tham dự. Về sau Tào Quận Công muốn miễn cho dân tránh sự phiền hà phải đón tiếp, cúng đốn, nên xin tâu cho bản tổng (Tổng Đoài) tự lo việc tế, đem “quốc tế” miễn bớt đi. Vì vậy, việc tế lễ lại trở về bình thường. Thời ấy (thời chưa bãi bỏ “quốc tế”, mỗi lần đến hội tế mùa xuân vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch thì nhân dân trong làng và các địa phương lân cận lại đổ xô về xem hội, đôn vui, nhộn nhịp, nên dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Nhất vua ra, nhì Trảo Nha mở hội” là để chỉ hội lễ đền Linh Nha.
Như vậy, Đền Linh Nha có nghĩa là “nơi linh thiêng của đất Trảo Nha” và thờ vị thần Cao Sơn Cao Các hiệu là “Nam nhạc đại vương”, một vị thiên thần.
Ngọc Bé