Giáo dục

Để nhà vệ sinh trường học bẩn, trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng

Mỗi ngày hiệu trưởng cần dành thời gian kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở việc giữ gìn, khen chê kịp thời.

Thầy Nguyễn Hoàng Chương, hiệu trưởng một trường phổ thông ở phía Nam, chia sẻ quan điểm về việc giữ gìn nhà vệ sinh trường học sạch đẹp.

Đọc bài viết trên VnExpress: “Vì sao nhà vệ sinh ở trường ám ảnh học sinh?”, tôi nhớ lại cách đây khoảng 4 năm, một học sinh nữ nói với tôi, từ tiểu học đến giờ em không hề sử dụng nhà vệ sinh tại trường. Em không uống nước trong suốt buổi học, cố nín... Là hiệu trưởng, tôi bị câu chuyện đó ám ảnh, quyết thay đổi, nhân đây có mấy ý kiến.

Nhà vệ sinh công cộng nói chung, nhà vệ sinh trường học nói riêng, nếu không xây dựng mới, cải tạo lại, mua sắm vật dụng cần thiết, tổ chức cho nhân viên tạp vụ dọn dẹp, có biện pháp giữ gìn thì chỉ sau tựu trường ít ngày lại nhếch nhác, thiết bị hư hỏng. Và khu vệ sinh lại là nỗi ám ảnh của học trò.

Nhà vệ sinh của học sinh, của giáo viên là nơi cần được đầu tư đầu tiên trong nhà trường, hiệu trưởng nhất thiết phải xem xét cải tạo lại hay làm mới? Nguồn kinh phí từ đâu? Đầu tiên là trao đổi trong ban giám hiệu, thầy cô và cha mẹ học sinh để có sự đồng thuận. Thứ nữa là xin chủ trương của cấp trên trực tiếp và xin hỗ trợ kinh phí; thuê tư vấn, lắng nghe ý kiến góp ý để chọn phương án tốt nhất, khả thi rồi tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát. Xây dựng gì chứ nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh thì không ai là không đồng tình.

Khu nhà vệ sinh gần 400 triệu đồng của trường THPT Hoàng Quốc Việt, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Có nhà vệ sinh mới rồi, công việc tiếp theo là gì?

Đầu tiên, trang thiết bị nhà vệ sinh phải chất lượng như: Bồn rửa tay, bồn tiểu, bồn cầu, gạch nền, khóa cửa... Hình thức đẹp, thiết bị mới, tốt là biện pháp hữu hiệu nhắc nhở thầy trò có ý thức hơn trong giữ gìn, sử dụng. Nhà thầu thi công thường hay qua mặt chủ đầu tư, chọn thiết bị rẻ, mau hỏng. Chủ đầu tư đừng “nhúng chàm”, phải yêu cầu nghiêm khắc thì nhà thầu mới làm đúng thiết kế.

Thứ hai, nhân viên tạp vụ phải thường xuyên lau chùi, nhất là sau mỗi giờ ra chơi. Dụng cụ bảo hộ, lau chùi, nước tẩy rửa, giấy vệ sinh nhà trường trang bị đủ cho tạp vụ và thầy trò sử dụng. Cũng không tốn nhiều tiền, giấy toilet ở trường tôi, một năm học cũng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, hiệu trưởng quan tâm kịp thời đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên tạp vụ. Họ làm việc trách nhiệm, tận tâm, nhà vệ sinh sẽ luôn sạch. Hè vừa rồi, nhân viên tạp vụ trường tôi được đi tham quan Malaysia và Singapore, được mục sở thị nhà vệ sinh của họ để năm học này anh làm tốt hơn.

Thứ ba, nhắc nhở việc giữ gìn vệ sinh chung qua tiết chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa. Mỗi kỳ sinh hoạt tập thể như tổ chức cắm trại nhân kỷ niệm 26/3, công việc đầu tiên mà nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên là làm sạch đất trại và giữ sạch sẽ nhà vệ sinh. Quá trình sinh hoạt, lúc kết thúc, thầy trò nhắc nhở nhau cùng lượm rác bỏ vào nơi quy định, lau chùi toilet, lâu dần học sinh có thói quen tốt. Như tại trường tôi, mất 3 năm học, việc giữ vệ sinh chung mới được như mong muốn.

Thứ tư, để giáo viên, học sinh có trách nhiệm hơn, cuối tuần thầy trò lau chùi toilet, qua đó mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn. Trò lao động, thầy cô cùng làm để nêu gương, các em sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, thấy học sinh sai phạm thì dù là giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn, có được giao trách nhiệm hay không, cần nhắc nhở kịp thời. Cùng nhau giữ gìn trường lớp sạch đẹp, đặc biệt là nhà toilet có kết quả, không chỉ tiếng lành đồn xa mà học sinh trong trường cũng tự hào trường mình có nhà vệ sinh sạch nhất. Trường học thân thiện là đây.

Cuối cùng tiền đâu để cải tạo, làm mới, trang bị dụng cụ bên trong nhà vệ sinh? Hiệu trưởng phải huy động từ nhiều nguồn như: Ngân sách được cấp, hỗ trợ kinh phí của cấp trên, nguồn thu học phí, đóng góp của phụ huynh... Trường nằm ở vùng nông thôn, kinh tế khó khăn, không thể huy động, ngân sách của trường quá khó thì hiệu trưởng tập trung giữ nhà vệ sinh sạch, cửa nẻo cẩn thận. Chẳng lẽ vì nghèo mà ở dơ, để nhà vệ sinh hôi thối, cảnh quan nhếch nhác?

Khó chỉ là tại tâm hiệu trưởng bàng quan với nhà vệ sinh học sinh mà thôi. Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kể với tôi, đầu năm học anh xuống kiểm tra nhà vệ sinh một trường THPT thấy dơ quá. Anh gọi hiệu trưởng xuống hỏi, để như thế thầy có vào sử dụng được không? Thầy hiệu trưởng... Mới đây tôi được nghe Sở sẽ cấp kinh phí cho trường ấy xây mới toilet.

Có thể thấy, vai trò hiệu trưởng quan trọng thế nào trong việc để nhà vệ sinh trường học sạch đẹp. Biện pháp quyết liệt, linh hoạt, làm công khai, minh bạch, chất lượng, nhà vệ sinh sạch là chuyện trong tầm tay, còn để có nó đẹp thì tùy điều kiện mỗi trường.

Mỗi ngày hiệu trưởng cần dành thời gian kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở việc giữ gìn, khen chê kịp thời. Chẳng có niềm vui nào của hiệu trưởng bằng việc thầy trò thoải mái sử dụng nhà vệ sinh, thương hiệu nhà trường bắt đầu thế đấy. Họp ở đâu, toilet trường tôi luôn được lãnh đạo sở, địa phương lấy làm điển hình.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP