Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Đã có 209 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại tổ và 14 lượt phát biểu tại hội trường. "Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm và đều mang tính xây dựng", báo cáo cho hay.
Đã có 28 ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định biển số đưa ra đấu giá trong dự thảo nghị quyết. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số mô tô, xe gắn máy (12 ý kiến).
2 đại biểu Quốc hội đề nghị không phát hành các biển số có số cuối là 49, 53 (Ảnh minh họa: V.P). |
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn biển số đưa ra đấu giá, nguyên tắc xác định biển số đưa ra đấu giá, biển số đấu giá không thành (18 ý kiến). Một số ý kiến đề nghị làm rõ biển số đẹp (10 ý kiến).
Đáng chú ý, có 4 ý kiến của đại biểu đề nghị có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước; 2 ý kiến đề nghị không phát hành các biển số xấu theo quan niệm dân gian có số cuối 49, 53…
Trước đó, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen).
Những biển số này sẽ được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá).
Biển số không được lựa chọn để đấu giá và biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.
Trong thời gian thực hiện thí điểm (3 năm), Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016.
Về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, dự thảo đề xuất mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TPHCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng/biển.
"Việc xác định giá khởi điểm của biển số ôtô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ "đẹp" theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Ủy ban Quốc phòng An ninh lại có quan điểm khác với phương án Chính phủ đưa ra về giá khởi điểm. Cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 (Hà Nội, TP HCM) và vùng 2 (các địa phương còn lại) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng.
Vì thế, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan này nhất trí thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe trên phạm vi toàn quốc; nhất trí việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ôtô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, không thí điểm đấu giá đối với biển số nền vàng chữ đen, biển số xe máy.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân Trí