Tin Hà Tĩnh

Đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng chợ rồi để ‘’loay hoay đi tìm giải pháp’’

Được đầu tư xây mới trên diện tích quy hoạch gần 3 hec-ta tại thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), với tổng vốn đầu tư lên đến gần 20 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, chợ Tùng Ảnh với quy mô hơn 300 ki-ot kinh doanh vào năm 2010. Dự kiến sau khi hoàn thành, chợ sẽ là nơi giao thương buôn bán của hàng ngàn tiểu thương trong và ngoài huyện.

Hoang vắng chợ Tùng Ảnh

Khu chợ khang trang nhưng vắng bóng tiểu thương

Vậy nhưng khi đi vào hoạt động vào năm 2012 với số tiền đầu tư khổng lồ và tầm nhìn chiến lược ‘’xuyên huyện’’, tuy nhiên suốt mấy năm qua chợ chỉ phục vụ khoảng vài chục hộ kinh doanh và số ít hộ buôn bán nhỏ lẻ khác, các dãy ki-ốt bỏ trống và đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Đình chính gần như không có ai bán hàng, được tận dụng làm sân chơi cầu lông

Hàng chục dãy ki-ot đóng cửa do không có ai thuê

Chỉ vài ki-ot đang mở cửa bán hàng

Chị Phạm Thị Thu, một tiểu thương tại chợ cho biết: “Tôi bán hàng thịt ở đây cũng nhiều năm, nhưng khách hàng rất thưa thớt, chợ chỉ họp chủ yếu vào đầu giờ sáng, như anh thấy đấy hơn 8h sáng mà không còn ai mua bán gì nữa, chợ chỉ có người vào trước ngày rằm và ngày cuối tháng âm lịch. Thực ra với nhu cầu thực sự của người dân nơi đây thì chỉ cần 1 phần đình bên trái, chứ xây to như thế này thì quả thật là rất lãng phí”. Còn ông Phạm Ngọc Luận - người dân xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ cho biết: “trước đây khi các xã xung quanh chưa có chợ thì chợ Tùng Ảnh cũ khá đông khách, nhưng giờ xã nào cũng có chợ theo đích nông thôn mới, nên khi chợ Tùng Ảnh mới được xây xong thì cả người bán kẻ mua ngày càng vắng, quả thật rất đáng buồn”.

Không có khách, chị Thu đang vội vã dọn hàng ra địa điểm khác bán

Ông Luận đang giúp các tiểu thương lau dọn sạp bán hàng

Tình trạng hoang vắng, ngổn ngang rác rưởi

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều hạng mục xây dựng xuống cấp: hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ có vài bình xịt cứu hỏa, hệ thống chiếu sáng hư hỏng, tại các đình của chợ được người dân tận dụng chứa thuyền, nuôi gia cầm và làm sân chơi cầu lông, cạnh đó thì ngổn ngang củi khô, vỏ cây và rác rưởi suốt nhiều năm qua - đó là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Hộp cứu hoả không có bình chữa cháy

Ngổn ngang những củi khô, vỏ cây

Đình chợ là nơi chăn nuôi gà và chứa thuyền.

Một số hạng mục công trình đang xuống cấp

Ban quản lý và chính quyền địa phương loay hoay tìm giải pháp…

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hiệp – Ban quản lý chợ cho biết: “thực tế hiện nay chỉ có khoảng 20 hộ buôn bán trong đình phụ, dãy ki-ot chỉ khoảng 18 hộ tiểu thương thuê, nhưng thường xuyên đóng cửa vì không có khách”. Ông Hiệp cho biết.

Theo ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: ‘’Trước đó theo kế hoạch, chợ Tùng Ảnh được xây dựng để đón đầu quy hoạch vùng của một cây cầu chữ Y, nối liền Tùng Ảnh với người dân các xã của huyện Hương Sơn, một số xã của huyện Đức Thọ, cũng như huyện Nam Đàn (Nghệ An) bởi khi cây cầu được đầu tư, chợ sẽ là trung tâm giao thương của người dân trong vùng vào chợ kinh doanh mua bán. Tuy nhiên tất cả kế hoạch đều đổ vỡ bởi trong quá trình xây dựng chợ Tùng Ảnh thì chợ trung tâm của huyện Đức Thọ được đầu tư xây dựng mới, mà chợ thị trấn lại là chợ truyền thống đã hoạt động lâu năm nay được xây mới lại càng thu hút tiểu thương cũng như khách hàng, Tùng Ảnh lại rất gần chợ trung tâm Đức Thọ nên xưa nay người dân có thói quen mua sắm ở chợ cũ, rất ngại đến chợ mới, cộng thêm cây cầu vẫn chưa thấy đâu, nên hiện tại chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn loay hoay tìm giải pháp’’.

Cũng theo ông Dũng: “chúng tôi đang xin phép chủ trương mời gọi đầu tư xây dựng các khu nhà liền kề quanh chợ và mời các doanh nghiệp thuê kho dịch vụ, để làm thế nào đó phát huy, khai thác tối đa giá trị của chợ, tránh lãng phí về nguồn ngân sách, đất đai, chủ trương là thế nhưng việc kêu gọi được các nhà đầu tư là việc không hề dễ dàng”. Ông Dũng cho biết thêm.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chợ, nhưng không phát huy hiệu quả do có sự chồng chéo khi phát triển quy hoạch chợ tại vùng Đức Thọ. Rõ ràng là mô hình này không phù hợp với nhu cầu thực tiễn do thiếu sự động bộ về phát triển kinh tế cũng như hạ tầng vùng. Vậy câu hỏi đặt ra là công tác quy hoạch, tầm nhìn chiến lược mang tính đồng bộ trong vùng của chính quyền và các cấp, ngành liên quan được thực hiện đến đâu? Giải pháp nào cho chợ Tùng Ảnh thu hút được tiểu thương và các nhà đầu tư mang tính bền vững lâu dài hay chỉ là giải pháp tạm thời ‘’lấp chỗ trống’’ khiến cho tình trạng đã hoang vắng xuống cấp càng thêm trầm trọng?.

Rất mong các cấp các ngành liên quan có giải pháp cho chợ Tùng Ảnh hoạt động và khai thác hiệu quả, tránh tình trạng ‘’mang con bỏ chợ - tiền tỉ phơi nắng’’.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Báo Người Hà Nội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP