Chưa xong đã bàn giao đưa vào sử dụng
Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được triển khai ở huyện Đức Thọ thông qua gói thầu DATP2 - XL1;GT/2016 - Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông tại các xã Đức Quang, Đức La, Đức Thịnh, Yên Hồ huyện Đức Thọ. Do Ban Quản lý các dự án ODA ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa.
Đoạn mương thuộc kênh N1 dài khoảng 15m đã bị đổ sập hoàn toàn |
Một người dân xã Đức La cho biết, Trạm bơm và hệ thống kênh tưới này được khởi công xây dựng vào cuối năm 2016, nhưng đến nay tuyến kênh tưới N1 vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành theo thiết kế nhưng đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
“Từ khi làm xong đến nay, hầu như tuyến kênh này chưa sử dụng được ngày nào nhưng đã hư hỏng như vậy. Mùa vụ đến nơi rồi, mà tình trạng này kéo dài thì nguy to, nông dân lấy nước đâu mà cày cấy. Làm dự án như vậy chỉ tốn kém và lãng phí tiền của nhà nước”, người dân không giấu được bức xúc.
Qua tìm hiểu thì được biết, mặc dù tuyến kênh N1 này chưa hoàn thành theo thiết kế, hơn nữa lại bị hư hỏng nghiêm trọng, không thể sử dụng được, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị hưởng lợi vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Tại biên bản bàn giao đưa vào sử dụng ngày 20/6/2018 ghi rõ: “Hiện nay hạng mục trạm bơm Đức La và hệ thống kênh tưới xã Đức La thuộc gói thầu DATP2 - XL1;GT/2016 - Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông tại các xã Đức Quang; Đức La; Đức Thịnh; Yên Hồ huyện Đức Thọ do nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa - CTCP thi công cơ bản xong các hạng mục lắp đặt máy bơm; đường điện; tủ điều khiển động cơ; chạy thử và hệ thống kênh tưới đủ điều kiện vận hành bơm tưới trong vụ mùa sản xuất".
Biên bản bàn giao đưa vào sử dụng giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị hưởng lợi |
Công trình dang dở, không hoàn thiện là “do điều kiện vốn của dự án chưa có” |
"Để phục vụ trong quá trình bơm tưới sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2018. Chúng tôi thống nhất bàn giao một số công việc mà nhà thầu đã thực hiện cho đơn vị quản lý vận hành là UBND xã Đức La bao gồm: Trạm bơm Đức La (máy bơm động cơ 22KW và hệ thống điện); Kênh chính trạm bơm; Kênh nhánh N1; kênh nhánh cái và một số hạng mục nhỏ được nhà thầu và địa phương thực tế kiểm tra".
Như vậy trên thực tế, tuyến kênh N1 chưa hoàn thành thi công theo thiết kế nhưng đã đưa vào bàn giao sử dụng. Cách giải thích cũng hết sức ngô nghê, khó chấp nhận đối với một dự án gần 100 triệu USD: “Còn lại một số hạng mục nhỏ do điều kiện vốn của dự án chưa có nên nhà thầu và Ban QLDA bàn giao lại toàn bộ khối lượng còn lại cho địa phương là UBND xã Đức La”, văn bản ghi rõ.
"Như thế này là chưa chặt chẽ"
Đoạn mương chưa hoàn thành nên không thể đấu nối giữa kênh N1 vào kênh chính |
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Đức La thông tin: “Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 hồi tháng 6 vừa qua, chân mương bị xói lở khiến mương bị gãy xuống. Sau đó Ban QLDA đề nghị đập bỏ để làm lại”.
PV đặt câu hỏi, khi chưa có đoạn mương đấu nối giữa kênh N1 vào kênh chính thì dẫn nước bằng cách nào? Ông Linh trải lòng: “Khi cần thì làm mương dã chiến, đắp hai bên bờ làm lòng máng rồi trải bạt vào để lấy nước”.
Lý giải về việc công trình chưa hoàn thành nhưng lại nhận bàn giao? Ông Linh cho biết: “Có một số hạng mục chưa hoàn thành mà mình vẫn nhận bàn giao, về lý là chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, mục đích của nhà thầu và Ban QLDA là khi mình nhận vận hành thì phải có trách nhiệm bảo quản”.
Một đoạn mương dài cả trăm mét chưa đổ thanh giằng |
Cũng theo ông Linh, nếu không nhận bàn giao thì sẽ không được đưa vào vận hành. Cả trăm ha lúa đang thì trổ bông mà ruộng không còn nước. Để thiếu nước, lúa cháy thì rất nguy hiểm.
“Về Biên bản bàn giao, tôi đã trao đổi công khai trong cuộc họp với Ban QLDA tại Sở Nông nghiệp ngày 25/9. Ký nhận ở đây là ký để vừa vận hành, vừa quản lý những hạng mục mình đã nhận. Sau hội nghị ấy, tôi đã giao trả biên bản cho họ luôn”, vị chủ tịch xã Đức La thẳng thắn.
Hướng giải quyết khi mùa vụ đang đến gần, ông Linh chia sẻ: “Chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư và Ban QLDA sớm khắc phục để có hạ tầng thủy lợi phục vụ người dân cày bừa sản xuất.
Thành mương bị vỡ, rỗ từng mảng lớn, nhiều vết nứt dài xuất hiện từ đỉnh xuống đáy |
PV đem những thắc mắc nói trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương, người từng giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA ngành nông nghiệp Hà Tĩnh từ nhiều năm nay. (Sau khi sáp nhập thành Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh thì một số chức danh chưa được kiện toàn), nhưng ông Dương thoái thác.
Mặc dù được chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Bá Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc của Ban này nhưng ông Dương từ chối trả lời PV: “Hiện nay tôi chưa được ký tá gì hết, chưa xong tổ chức, vì thế trả lời báo chí với chức danh gì? Không chừng bị lãnh đạo lại bảo ông có chức danh gì mà nói, nói với tư cách gì thì chết”.
Tác giả: Trần Hoàn
Nguồn tin: Báo Infonet