Tuy nhiên, trong quá trình mời, trường cũng gặp những tiến sĩ chỉ tới công tác vài tháng rồi đột ngột chuyển đi, dù chính sách đãi ngộ được cho là khá tốt: Trung bình mỗi tiến sĩ thu nhập không dưới 20 triệu đồng, chưa kể nguồn thu nhập từ nghiên cứu khoa học.
“Năm ngoái, trường có tuyển được 1 tiến sĩ về làm việc. Sau 2 tháng, vị TS này đột ngột xin nghỉ để chuyển. Do trong đơn chỉ trình bày vì lý do cá nhân nên chúng tôi không thể giữ. Nhưng sau đó tìm hiểu thì vị này không công tác cố định ở đâu mà luôn luôn chuyển chỗ. Sau khi nghỉ ở trường tôi vị này còn đi hai, ba trường nữa. Hiện giờ thì vị này đang công tác ở một trường cao đẳng”.
Còn ông Bùi Anh Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở 2 cho biết, trong nhiều năm qua, trường đã có chính sách “trải thảm” mời tiến sĩ về làm việc.
Cụ thể, những TS nếu đáp ứng tiêu chuẩn của nhà trường sẽ được nhận khoản ưu đãi 50 triệu đồng (trước là 70 triệu) với cam kết làm việc đủ 5 năm.
Các TS được trọng vọng và ngoài lương theo hệ số, còn có thu nhập tăng thêm, nếu giảng vượt giờ sẽ được trả rất cao. Khi về trường, TS cũng được bố trí cho giữ các vị trí như giảng viên phụ trách bộ môn, phụ trách khoa. Ngoài việc “trải thảm”, trường cũng tự đầu tư nguồn lực bằng cách bằng cách gửi đi học, đào tạo; chi trả học phí, tài liệu, đi lại; miễn giờ giảng và cho hưởng nguyên lương.
Chỉ trong một thời gian ngắn, trường đã đầu tư trên 3 tỷ đồng cho chính sách đào tạo cán bộ giảng viên và và thu hút nhân lực trình độ cao về trường. Dù “trải thảm”nhưng số lượng trường tuyển được không nhiều, mỗi năm trường chỉ tuyển được 1-2 người.
Sau 7 năm, hiện tại chính sách này chỉ giữ được 7- 8 người hiện đang công tác. Một số tiến sĩ về trường nhưng sau đó lại xin chuyển đi. Cụ thể, 1 nghiên cứu sinh được trường gửi đi đào tạo thành tiến sĩ chuyển ra Hà Nội sinh sống, 1 người chuyển đi trường khác làm trưởng khoa, 1 người chuyển đi trường khác làm giảng viên.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các nước trong khu vực ASEAN. Đồ hoạ: Lê Văn |
Ông Thủy nhìn nhận trường luôn trân trọng sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ giảng viên, nhất là các tiến sĩ đã chọn trường và cam kết chung tay xây dựng trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng cao, sự dịch chuyển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là lẽ thường.
Theo ông Thủy, khó khăn hiện nay khi thu hút đội ngũ này vì đây những nhân lực bậc cao, vì vậy khả năng nhảy việc cao. Đặc biệt chính những người này lại đang có nhiều nơi thu hút nhất là trường tư nên việc cạnh tranh rất khó khăn.
Tiêu tiền và tiêu chuẩn
Tại hội nghị về tổng kết năm học đầu tháng 8, ông Nguyễn Đức Minh, khi đó đang là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: Trong 186 tiến sĩ hiện tại của trường, có tới 50 tiến sĩ là mới được tuyển dụng. Sự tăng lên của đội ngũ có chất lượng này trong một thời gian ngắn là do được tự chủ về nguồn thu nên trường áp dụng chính sách thu hút cho bậc tiến sĩ là 100 triệu đồng/người.
Các nghiên cứu sinh được cử đi học trong nước hoặc nước ngoài được trường hỗ trợ giữ nguyên lương cơ bản. Sau khi về làm việc ngoài lương thì hỗ trợ thêm cho mỗi TS được thêm 1 tháng 2 triệu, PGS là 3 triệu, GS là 5 triệu.
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tùy vào lý lịch khoa học và việc giảng dạy, trường này đang trả lương cho các TS ở mức khá cao. Mọi thứ đều được quy vào lương; ngoài ra, trường hỗ trợ cuộc sống bằng bố trí nhà ở công vụ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, trường luôn có hệ thống đánh giá hàng năm.
“Với việc đánh giá này, có người tiếp tục, có người sẽ ra đi. Những người có năng lực thì đi được đường dài. Các TS đam mê khoa học và nghiên cứu hiệu quả luôn được trường trọng vọng” – TS Lê Văn Út, trưởng phòng khoa học của trường cho biết.
Cũng có một số người ra đi do hoàn cảnh, đi tu nghiệp tiếp hoặc đi môi trường khác. Trường thực hiện chính sách là mỗi tháng hiệu trưởng chủ trì hội đồng tuyển dụng cấp trường trực tiếp xem xét lý lịch và tuyển dụng để bổ sung đội ngũ.
Hành chính và học thuật
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), trong các đề án đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, luôn có phần cam kết các ứng viên sau khi hoàn thành chương trình học thì phải về trường làm việc.
Trong thực tế, vẫn có những người không thực hiện cam kết và đã phải bồi hoàn chi phí. Về phía các trường, sau khi các ứng viên đi học trở về cần phải có sự sắp xếp công việc kèm theo chính sách đãi ngộ và trọng dụng phù hợp.
Muốn như vậy, quan trọng nhất là tạo ra được môi trường dân chủ, phát huy tối đa năng lực của họ.
Đa phần những người trẻ khi đi học nước ngoài về đều có tâm nguyện muốn được cống hiến. Tuy nhiên, môi trường dân chủ trong các trường ĐH hiện nay còn nhiều hạn chế, cộng thêm chính sách đãi ngộ về lương vẫn thấp đã khiến nhiều người ra đi.
Hiện nay, trong các trường có hiện tượng quyền lực hành chính áp đảo quyền lực về học thuật.
Một người có vị trí hành chính sẽ có những quyền lực khác. Một người là trưởng bộ môn hay trưởng khoa sẽ có đầy đủ quyền để sắp xếp hội đồng, hướng dẫn NCS…
Trong khi những người học ở nước ngoài về dù rất giỏi nhưng không có nhiều quyền lực.
Mâu thuẫn giữa những người trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về với một thế hệ lớn tuổi, ít được đào tạo, cập nhật kiến thức mới nhưng lại đang nắm giữ các chức vụ hành chính cao có thể tạo ra những cản trở khiến những tiến sĩ trẻ không mặn mà với môi trường ĐH.
Có trường hợp một TS được cử đi học một khóa đào tạo sau tiến sĩ ở nước ngoài về, muốn mời hội đồng khoa học nghe anh giảng về phương pháp mới mình đã học được.
Tuy nhiên, do vị trưởng khoa không thích nên gạt đi. Sau này, vị TS vì không thỏa mãn với môi trường học thuật của khoa mình nên đã chuyển sang một trường khác.
Cũng có trường hợp một giảng viên của một học viện lớn của phía Bắc được cử sang Đức học TS.
Sau khi học xong, về khoa được vài tháng thì cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp với mình nên chấp nhận bồi hoàn hơn 100 triệu để xin nghỉ ở trường, sang nơi khác làm việc.
Hiện nay, một số trường tư có tiềm lực mạnh và chiến lược phát triển tốt đã đưa ra các chính sách "trải thảm đỏ" để thu hút người tài.
Những chính sách này ngoài những đãi ngộ về vật chất còn là sự trọng thị con người.
Chỉ khi tạo ra môi trường tự chủ thực sự và trọng thị, cạnh tranh bằng tài năng thì sẽ thu hút được những người giỏi.
Với hệ thống các trường công, việc tự chủ trong thời gian tới sẽ là cơ hội để tạo môi trường dân chủ, tạo sự cạnh tranh để thu hút các tiến sĩ giỏi về trường công hiến.
Vì vậy, tự chủ trong giáo dục đại học không chỉ giao cho nhà trường, hiệu trưởng hội đồng trường mà phải được giao tận khoa và từng giáo viên.
Khi đã tạo được môi trường cạnh tranh thì nơi nào có môi trường dân chủ, chính sách đãi ngộ tốt, các giảng viên giỏi sẽ về đó.
" Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên? Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình. Vậy thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu? Vai trò của nhà nước là hỗ trợ cho các em sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đủ trình độ học ở các trường ở phân khúc cao, vẫn có thể đi học ở đó với chính sách học bổng hợp lý. Thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu. GS Ngô Bảo Châu |
Tác giả: Lê Huyền – Lê Văn
Nguồn tin: Báo VietNamNet