Lao Động - Việc Làm

Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp – xu hướng mới trong dạy nghề

Thời gian gần đây, xuất hiện xu hướng mới trong đào tạo, dạy nghề, đó là chuyển từ đào tạo theo khả năng của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội nói chung, của doanh nghiệp nói riêng.


Đào tạo nghề theo nhu cầu là hướng đi quan trọng để hiện đại hóa nhanh với chi phí thấp. Việc liên kết đào tạo này sẽ làm tăng mối quan hệ hiểu biết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tiết kiệm được chi phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị dạy thực hành và người học có thể tiếp thu bài học nhanh hơn. Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động này sau khi tốt nghiệp.


Tập đoàn Formosa, một trong những nhà đầu tư lớn tại KKT Vũng Áng đã có kế hoạch chi tiết và đi đến ký kết với Trường đại học Hà Tĩnh để đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị mình. Ông Ngưu Tấn Phát – Trưởng đại diện Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh cho biết: “Để xây dựng và vận hành Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khu vực, Tập đoàn Formosa tiến hành đào tạo các ngành nghề như luyện kim, chuyên ngành gang thép và vận hành cảng biển. Giai đoạn đầu trước khi xây dựng nhà máy, Tập đoàn Formosa có kế hoạch hợp tác với Đại học Hà Tĩnh tiến hành đào tạo cán bộ lãnh đạo chuyên ngành gang thép tại Hà Tĩnh và lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật cơ bản (khoảng 450 người)”.


Chia sẻ quan điểm đào tạo cái doanh nghiệp cần chứ không phải cơ sở đào tạo có, ông Tony – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh cho biết: “Chúng tôi căn cứ theo tiến độ thực hiện của Dự án hạ tầng Khu công nghiệp sẽ xem xét và lên kế hoạch ký hợp đồng đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề với các trường Đại học, trường Cao đẳng và trung cấp nghề. Trước mắt công ty sẽ tự tổ chức lớp đào tạo hoặc ký hợp đồng đào tạo về ngoại ngữ cho cán bộ nhân viên trong công ty”.

Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp - xu hướng mới trong dạy nghề

Giờ thực hành sửa chữa thiết bị điện, cơ khí của học sinh Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức.

Trường Cao đẳng nghề Việt Đức, một trong những cơ sở đào tạo nghề có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 1.000 lao động/năm với các nghề cơ khí, sửa chữa xe, máy… Những năm gần đây, trường đã thực hiện tốt mô hình đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, thông qua các hợp đồng đào tạo. 100% học sinh ra trường được các đơn vị sản xuất tiếp nhận vào làm việc có thu nhập ổn định. Năm 2009, trường đã đưa gần 400 lao động đến làm việc tại các đơn vị: Thủy điện Sông Đà, Tập đoàn Prime, Khu CN Vũng Áng. Theo yêu cầu nhân lực của Tập đoàn Formosa, năm 2011, trường sẽ đào tạo khoảng 1.000 lao động kỷ thuật thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện, gò hàn…


Từ nay đến năm 2015, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng là 35.000 người, trong đó nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp là 27.000 người. Đây là “thị trường” lớn cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong tỉnh khai thác.

Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp - xu hướng mới trong dạy nghề

Học sinh Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh thực hành sửa chữa cơ khí

Để việc đào tạo, dạy nghề đáp ứng được về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp, trước hết, cần đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên và khuyến khích những người có tay nghề cao trong doanh nghiệp tham gia dạy nghề tại doanh nghiệp hoặc tại cơ sở dạy nghề. Các cơ sở đào tạo, dạy nghề cần nâng cao năng lực, xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở phân tích nghề có sự tham gia của doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo theo hướng mền dẻo, tích hợp và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp; áp dụng một số chương trình đào tạo của các nước phát triển đối với một số nghề công nghệ cao theo yêu cầu doanh nghiệp.


Thanh Hoài

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP