Giáo dục

Đạo đức lối sống học sinh: Môn học phải "thi" suốt đời lại không được chú trọng

Thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, có thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như dạy người ta luôn phải "thi" suốt đời là lối sống lại chưa được chú trọng.

Đó là ý kiến của Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa – Hà Nội tại phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chiều 26/7 về công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.

Nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt sẽ không có trò tốt

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa – Hà Nội cho rằng, ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng. Mỗi khi có sự vụ thì các văn bản lại được quan tâm hơn, song “chỉ như cơn mưa rào, ào lên một lúc”.

Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh chưa gắn, chưa tương đồng với thi cử hiện nay. Vì thế các nhà trường rất quan tâm cũng khó triển khai, khó lan tỏa tới học sinh, giáo viên và tới cha mẹ học sinh vì tính ít thực dụng của nó.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa- Hà Nội

Theo cô Nhiếp, không ít cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thiếu định hướng và thiếu động lực làm việc. Thiếu định hướng bởi không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhỡ sai thì làm sao, có được bảo vệ không? nên chọn cách an toàn là làm cầm chừng hoặc không làm cho yên tâm.

Thiếu động lực từ chính tâm thế mỗi cán bộ quản lý, mỗi giáo viên chưa ý thức về sự “thân giáo” cũng như bổn phận và trách nhiệm của nghề mà mình đã chọn. Thiếu định hướng và động lực bởi chính cơ chế, chính sách hiện nay.

Cô Nhiếp đề xuất, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử ở các khối lớp.

Thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, có thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như dạy người ta luôn phải "thi" suốt đời là lối sống lại chưa được chú trọng.

Cô Nhiếp khẳng định: "Giáo dục con người thành công sẽ tạo được kết quả trước cả kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Còn giáo dục bất thành công là khi học trò đỗ với tấm bằng tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn ngơ ngác, bơ vơ và nông cạn trước nhiều cảnh huống. Ấy là vì các em bị thiếu hụt, không có những kỹ năng sống tốt cuộc sống của mỗi con người".

"Mọi người thường nói, “học chữ song song với học làm người’ hoặc “dạy người thông qua dạy chữ’ chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt. Học làm người mà chỉ đợi “cài theo”, “cõng cùng” các nội dung kiến thức thì dù quý nhưng chưa đủ" - cô Nhiếp nói.

Theo cô Nhiếp, cần có sự chỉ đạo, bắt đầu ngay và ở tất cả các lớp ở nhà trường hiện nay. Giáo dục lối sống không thể làm ngay kết quả, nó cần có quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Quan niệm chỉ học đạo đức, lối sống khi chương trình sẵn sàng, chờ đồng bộ… là quan niệm sai lầm bởi mỗi một lứa học sinh là mất đi một thế hệ con người Việt Nam bị khuyết thiếu về đạo đức lối sống.

Một vấn đề quan trọng cô Nhiếp đề xuất là bắt đầu từ những người thầy. Nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường như “5 điều Bác Hồ dạy”, “tiên học lễ, hậu học văn”, “thi đua dạy tốt – học tốt”, “tất cả vì học sinh thân yêu”, “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…. thiết nghĩ đến 5 vấn đề giáo dục phổ thông mới là “yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”. Soi ngẫm lại, thành thật với chính mình, chúng ta thấy còn nhiều thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên.

“Chúng ta không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hàng ngày. Việc nêu gương đạo đức lối sống chính là việc thầy trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn” – cô Nhiếp nhấn mạnh.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Phải dạy trẻ có tính thiện

Trên quan điểm của nhà nghiên cứu giáo dục, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, khái niệm giáo dục đạo đức là giáo dục tính cách tức dạy thái độ sống cho con người.

Với trẻ em, chúng ta nên chọn 3 vấn đề cốt lõi để dạy theo mô hình vòng tròn đồng tâm trong các năm học là: “Dạy trẻ có tính thiện, không tham lam và có trách nhiệm”.

“Việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần sự chung tay của tất cả mọi người nhưng trước hết phải làm sao phải “trường ra trường”, “thầy ra thầy” thì mới có “trò ra trò” – GS Dong nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, dạy giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh cần bắt đầu từ chữ “thiện”. Từ chữ "thiện" đó, đã tạo ra nhiều nhân cách tốt, nhiều danh nhân nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Tạ Quang Bửu, GS Phạm Ngọc Thạch, GS Tôn Thất Tùng…. Chữ "thiện" tưởng đơn giản nhưng lại là cái gốc của phát triển.

Hai vấn đề nhức nhối xã hội hiện nay là bạo lực và giả dối, đều có thể giải quyết bằng chữ “thiện” này”. Do vậy, phải coi trọng thực hành và phát triển chữ “thiện” này bằng phong trào mỗi ngày làm một việc thiện.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, theo ông Quốc khi đưa nội dung này vào giáo dục trong nhà trường cần đơn giản hoá nó để học sinh dễ hiểu, dễ hình dung, dễ ngấm và dễ áp dụng.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong chương trình mới giáo dục phổ thông mới, cụ thể, môn Giáo dục công dân (ở cấp Tiểu học là môn Đạo đức, THCS là Giáo dục công dân, THPT là Giáo dục kinh tế và pháp luật) yêu cầu học sinh hình thành, phát triển 5 phẩm chất cơ bản là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Trong đó, “nhân ái” chính là tính “Thiện”; “trung thực” chính là không tham lam…

Để việc dạy đạo đức lối sống trong chương trình GDPT mới đạt hiệu quả, chương trình sẽ áp dụng phương pháp: dạy học phân hoá - không giáo dục “cào bằng” tất cả học sinh; dạy học tích hợp; giáo dục thông qua hành động.

“Trong tất cả các môn học, Giáo dục công dân phải là đặc biệt được giáo dục thông qua hành động, kết quả thể hiện qua hành động. Học sinh học xong nói lý thuyết hay nhưng không hành động thực tế được thì giáo dục như thế cũng không thành công”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Thuyết cho hay, khi người lớn gương mẫu, văn hoá ứng xử tốt thì tự khắc trẻ con nhìn vào cũng sẽ học hỏi và ứng xử tốt hơn. Thầy cô dạy học sinh không vi phạm Luật giao thông nhưng thực tế bố mẹ chở các em đến trường lại vi phạm Luật thì giáo dục nhà trường khó đạt được hiệu quả.

Những vi phạm đạo đức lối sống trong nhà trường của giáo viên và cả học sinh, được GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất Bộ GD&ĐT xử lý nghiêm.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - ĐHQG Hà Nội cho rằng, lâu nay việc dạy người cho các em học sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải quan tâm thực sự đến khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống để tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tất cả các môn học.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa gia đình với nhà trường khắc phục tình trạng “khoán trắng cho nhà trường”, phát động phong trào “thầy trò học cùng nhau”…

“Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… Nhưng trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, nhà trường phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm…

Theo Phó Thủ tướng, các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn phải duy trì và hực hiện đúng như “5 điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành giáo dục đi ngược lại thì kiên quyết bỏ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa. Các phong trào phải thiết thực, tránh hình thức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức quản trị của cơ sở giáo dục phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi “em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phong trào cô trò cùng học…

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP