Đó là những phản ánh của nhiều người dân xã Hương Khê và Gia Phố gửi tới Báo Điện tử Dân Việt.
Khách đến nhà không dám... ở lại ăn cơm?
Theo phản ánh của người dân hai xã Hương Thủy và xã Gia Phố, những năm qua, lò giết mổ tập trung và trang trại chăn nuôi của ông Lê Đình Nam được xây dựng tại thôn Phố Cường,xã Gia Phố đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Chất thải chảy tràn qua bạt ra môi trường. Ảnh Hà Linh |
"Trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng phía đầu nguồn nước đập Khe Ná - đây là trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Cách đó không xa lại là cơ sở giết mổ tập trung nhưng hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo khiến môi trường bị ô nhiễm, gia súc bị lây dịch bệnh”-anh N.V.N ở xã Gia Phố lo lắng.
Ông Lê Văn Minh (xóm 1, xã Hương Thủy) nói: "Từ khi lò giết mổ tập trung đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Lò giết mổ có bể Biogas nhưng chất thải không vào bể mà chảy tràn trên bạt tràn ra ruộng sản xuất của người dân. Các phế phẩm giết mổ không được xử lý mà vứt lung tung để chó mèo tha đi khắp xóm. Đặc biệt, mùa lũ những phế phẩm đó nổi trên mặt nước chảy vào nhà dân chúng tôi rất ô nhiễm".
Người dân xã Hương Thủy và Gia Phố phản ánh về sự ô nhiễm của trại chăn nuôi và lò giết môt tập trung. Ảnh Hà Linh |
Còn chị Trần Thị Thủy (xóm 1, xã Hương Thủy) cho biết: Lò giết mổ được xây dựng cách nhà dân chưa đến 100m, mùi hôi thối, ruồi nhặng… không chịu nổi. Đây cũng là mầm mống lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc của người dân. Nhiều hôm đóng kín cửa rồi mà cũng không ngăn được mùi hôi thối, khách ở xa đến chơi cũng không dám ở lại ăn cơm với gia đình.
Theo người dân ở xóm 1 xã Hương Thủy, không chỉ ô nhiễm hôi thối mà hệ thống giếng nước của các hộ dân dọc con khe này bị đục và có mùi hôi không thể sử dụng được.
Giếng nước sinh hoạt của người dân dọc Khe Nác bị đục và có mùi hôi không thể sử dụng. Ảnh Hà Linh |
Theo tìm hiểu, trang trại chăn nuôi lợn của anh Lê Đình Nam có quy mô nuôi thả 1.200 con lợn thịt. Thời gian qua, trong chuồng nuôi luôn có 1.000 con. Trại chăn nuôi theo hình thức liên kết với Công ty CP, được đưa vào vận hành từ năm 2015. Còn lò giết mổ tập trung đi vào hoạt động từ giữa năm 2017.
Sẽ kiểm tra lại
Ông Nguyễn Hòa Bình- Trưởng thôn 1, xã Hương Thủy nói: "Trang trại lợn và lò giết mổ gia súc này đi vào hoạt động đã ảnh hưởng đến 130 người dân trong thôn, ở đây là vùng thấp trũng nên khi mùa lũ nước thải từ trại lợn và lò giết mổ tràn ra ngoài môi trường rồi vào nhà dân. Có những đợt, chất thải được họ xả trực tiếp ra môi trường chúng tôi đã bắt được. Ô nhiễm và ảnh hưởng đến người dân vì vậy chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được xử lý".
Chất thải sau khi qua bể Biogas chỉ qua một bể lắng duy nhất sau đó được xả ra môi trường. Ảnh Hà Linh |
Ông Ngô Xuân Tân -Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: "Trại lợn trên là của công dân xã Gia Phố nhưng nằm tiếp giáp địa phận của xã Hương Thủy. Đã có lần người dân xã Hương Thủy phát hiện trang trại xả phân trực tiếp ra môi trường khiến một số ruộng lúa phía dưới trại lợn thất thu do bị lép. Xã cũng đã lập biên bản và nhiều lần kiến nghị lên huyện, sau đó huyện có về kiểm tra nhưng chưa được giải quyết".
Trang trại lợn chăn nuôi 3 năm nay nhưng hai bể lắng vừa được trang trại hoàn thiện cuối năm 2017. Ảnh Hà Linh |
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Quốc Lập-Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hương Khê cho hay: "Trang trại lợn và lò giết mổ trên của ông Lê Đình Nam, công dân xã Gia Phố, trại lợn có quy mô nuôi hơn 1.000 con lợn. Việc hai cơ sở trên gây ô nhiễm là có, còn mức độ vi phạm đến đâu thì phải do cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá.
Năm 2017, Phòng đã kiểm tra trang trại này 2 lần, đúng là trang trại này có một số vi phạm khi đưa vào sử dụng như: Chưa có kết kết quả quan trắc về tác động môi trường và hoạt động của hầm Biogas chưa đảm bảo. Nước thải của cả lò mổ tập trung và trang trại xả ra môi trường chưa được kiểm định…
Chúng tôi đã nhắc nhở anh Nam khắc phục những vi phạm trên. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra lại cả hai cơ sở nói trên. Nếu không khắc phục thì sẽ cho đình chỉ hoạt động".
Ông Lê Đình Nam (chủ trang trại lợn và lò giết mổ) lý giải: "Sự việc trại chăn nuôi xả thải ra con khe là có, nhưng đã xảy ra đã lâu rồi. Vì thời điểm đó vướng việc giải phóng mặt bằng của một hộ dân nên không có đất để làm bể lắng. Do đó, buộc tôi phải xả ra khe nước. Một số hộ dân ghen ăn tức ở nên họ mới nói là trại của tôi gây ô nhiễm, chứ cái Khe Nác này hầu như không có nước".
Ông Nam nói thêm: "Dân nói trang trại của tôi xả thải ra làm nước giếng họ bị ô nhiễm không thể sử dụng được là không đúng vì giếng nước của tôi cũng được đào ngay dưới trang trại mà vẫn sử dụng bình thường. Còn hiện tượng có mùi hôi thối là có. Hiện tại, tôi đang xây bể ép phân dùng để phục vụ trồng cây ăn quả".
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Dân Việt