Đặc Sản Hà Tĩnh

Dân Nghệ An – Hà Tĩnh: Trắng đêm vớt lộc trời

Cứ vào 3 tháng cuối năm, người dân ven sông Lam, sông La ở Nghệ An, Hà Tĩnh lại đổ ra đồng vớt rươi. Giờ đã thành đặc sản được thương lái chờ chực thu mua, rươi đắt giá nên nhiều gia đình mỗi đêm bắt trung bình 15-20 kg, kiếm cả chục triệu đồng

1 giờ, khi con nước bắt đầu lên, từ các xóm nhỏ, hàng ngàn người đầu đội đèn, tay cầm lưới, vợt đổ xô ra những cánh đồng ven sông Lam đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để vớt rươi. Trong phút chốc, cánh đồng đỏ rực ánh đèn. Tiếng nói, tiếng cười rộn vang cả vùng triền sông.

Không có chuyện tranh giành

Trời khá rét, những cơn gió mùa Đông Bắc quật mạnh. Con đường nhỏ từ bờ đê ra cánh đồng ven sông Lam thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên như dài hơn.

Chúng tôi đến khu vực cánh đồng rươi của các xóm 1, 2, 6, 7, 8 ở xã Hưng Nhân khi hàng ngàn người đã có mặt. Khi con nước bắt đầu dâng lên các kênh, mương ở mép sông Lam, người dân bắt đầu cắm cọc, giăng lưới trên ruộng nhà mình.

“Khi nước ngập, rươi sẽ từ dưới đất chui lên, mình phải cắm cọc, giăng lưới ngăn chúng trôi ra sông” – anh Hồ Văn Đức (ngụ xóm 7, xã Hưng Nhân) cho biết. Theo anh Đức, ruộng rươi đã được hợp tác xã chia cho các hộ dân từ trước. “Ruộng của nhà nào nhà đó giăng lưới vớt rươi, không có chuyện tranh giành nhau” – anh khẳng định.

Rộn ràng giăng lưới, vớt rươi (ảnh trái) và bán ngay cho thương lái thành quả của một đêm săn lộc trời
Rộn ràng giăng lưới, vớt rươi (ảnh trái) và bán ngay cho thương lái thành quả của một đêm săn lộc trời

3 giờ, hàng chục ngàn mét lưới đã được người dân giăng khắp cánh đồng. Hàng ngàn người đầu đội đèn, hai tay cầm sẵn vợt và xô đứng trên bờ ruộng háo hức chờ đợi. 3 giờ 30 phút, khi thủy triều đạt đỉnh, rươi bắt đầu từ dưới đất chui lên, người dân liền ào xuống các thửa ruộng.

Cuộc săn rươi bắt đầu, cánh đồng rực rỡ ánh đèn, tiếng cười nói náo động. Dưới ánh đèn, những con rươi đo đỏ dài khoảng 4-5 cm ngoi lên bơi lượn tung tăng trên mặt nước. Người dân nhanh chóng dùng vợt chao đi, chao lại trên mặt nước rồi vớt gọn đám rươi.

“Rươi chỉ bắt được vào ban đêm. Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, rươi có nhiều nhất vào các ngày 13-16 và từ 28 đến mùng 1, những ngày còn lại cũng có nhưng ít hơn” – vừa vớt rươi, chị Nguyễn Thị Phước (xóm 6, xã Hưng Nhân) vừa tiết lộ.

Thời gian vớt rươi phụ thuộc vào con nước, diễn ra chỉ khoảng 1-2 giờ. Anh Nguyễn Văn Nam (xóm 8, xã Hưng Nhân) mô tả: “Những ngày cao điểm, chúng tôi phải đi giăng lưới từ 0 giờ, chờ đến 2 giờ thì nước ngập, rươi mới lên. Cũng có những hôm thủy triều lên muộn hơn, khoảng 1-2 giờ giăng lưới, 3-4 giờ mới bắt đầu vớt. Nước ngập thì rươi mới chui dưới đất lên, nếu không bắt kịp, chúng sẽ trôi hết ra sông”.

Những người săn rươi cho biết vào những ngày trời mưa, rươi sẽ lên nhiều hơn bình thường. “Từ lâu, người dân ở đây đã gọi những ngày này là “mưa rươi”, đi vớt dễ trúng đậm” – anh Nam giải thích.

Tại 2 thửa ruộng sát nhau, chúng tôi chứng kiến bên này vớt được gần 15 kg rươi nhưng bên kia chỉ chừng 2-3 kg. “Chuyện này bình thường thôi. Rươi từ dưới đất ngoi lên, hôm thì ruộng nhà mình có nhiều, nhà khác lại ít và ngược lại. Đi vớt lộc trời nên ai may thì người đó được hưởng nhiều” – anh Quang Văn Bình (xóm 5, xã Hưng Nhân) bày tỏ.

Thoát nghèo nhờ rươi

5 giờ 30 phút, khi thủy triều rút, các cánh đồng chỉ còn nước lúp xúp, đêm săn rươi kết thúc và cũng là lúc chợ rươi bắt đầu họp. Ngay đầu đoạn đường bê-tông vào cánh đồng và trên bờ đê thuộc xã Hưng Nhân, chợ họp rất đông đúc. Cảnh mua bán rươi vào tờ mờ sáng diễn ra rất chóng vánh, nhộn nhịp.

Xách xô rươi nặng trịch chuẩn bị cân bán cho thương lái, anh Hồ Văn Đức khoe: “Hôm nay nhiều rươi, gia đình tôi bắt được khoảng 12 kg. Với giá rươi hơn 400.000 kg, tính ra cũng được ngót 5 triệu đồng. Cứ đà này, Tết sắp tới nhiều gia đình sẽ có rủng rỉnh tiền để sắm sửa”.

Theo anh Nguyễn Văn Nam, Hưng Nhân là xã ngoài đê sông Lam nên cứ trời mưa là ngập, đời sống người dân quanh năm vốn vất vả. “Trước đây ít ai ăn rươi, giờ chúng lại được lùng mua ráo riết. Nhờ những cánh đồng rươi ven sông Lam mà mấy năm nay, cuộc sống của người dân dần thay đổi. Có tiền từ lộc trời này, người dân dành dụm mua xe máy, đầu tư cho con cái ăn học, đi lao động nước ngoài, thậm chí xây nhà. Người dân ở đây sống được và thoát nghèo là nhờ con rươi cả đấy!” – anh Nam khẳng định.

Rươi giờ trở thành đặc sản nên khi người dân bắt lên khỏi ruộng là đã có thương lái chực sẵn thu mua. Bà Nguyễn Thị Kỳ, một đầu mối lớn chuyên thu mua rươi tại xã Hưng Nhân, cho biết: “Rươi nay được thương lái thu mua 400.000-500.000 đồng/kg rồi đem bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu hay chở ra phía Bắc để xuất sang Trung Quốc. Mấy năm gần đây, người dân ven sông Lam trúng rươi liên tiếp. Có đêm, một người bắt được tới 20 kg rươi, kiếm cả chục triệu đồng”.

6 giờ, mặt trời đã tỏ mặt người, chúng tôi rời vựa rươi Hưng Nhân rồi chạy xe máy theo con đường đê ven sông Lam qua các xã Hưng Châu, Hưng Lợi… thuộc huyện Hưng Nguyên. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp nhiều người đi bắt rươi về, dù thức trắng đêm nhưng mặt ai cũng tươi rói. Một phụ nữ tay xách xô rươi nặng trĩu, miệng hát nghêu ngao: “Bao giờ cho đến tháng mười. Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy…”.

Trúng mùa đậm

Năm nay, không chỉ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, người dân các xã Đức Yên, Đức Tùng, Liên Minh, Đức La… ven sông La thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cũng trúng đậm mùa rươi. Có gia đình một đêm bắt được hơn 30 kg rươi, bán thu về khoảng 15 triệu đồng.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP