Chăm sóc sức khỏe

Dai dẳng chuyện “ma thuốc độc”(Kỳ 1): Lời đồn thổi và cách chữa bệnh khó tin

Cách đây gần 1 tháng, cái chết bất ngờ của chị Nguyễn Thị H. (Thạch Hạ – TP Hà Tĩnh) trở thành đề tài bàn tán của người dân nơi đây. Họ xì xầm bởi cái chết đến với chị H. quá nhanh kể từ khi phát bệnh, càng xôn xao khi căn bệnh đó rất hiếm gặp từ trước đến nay và không thể chữa trị được.

Sau một thời gian dài “hạ nhiệt”, từ sau tết đến nay, câu chuyện về “ma thuốc độc” trở lại hoành hành trên một số vùng quê Hà Tĩnh, đã ăn sâu bén rễ trong tâm lý người dân một số địa phương.Ám ảnh làng “ma”

Dai dẳng chuyện “ma thuốc độc”(Kỳ 1): Lời đồn thổi và cách chữa bệnh khó tin
Nhiều người dân vẫn tin vào sự tồn tại của “ma thuốc độc”

“Ma thuốc độc” là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của chị H. được coi là giải thích “có lý” nhất đối với tâm lý tò mò cố hữu của người dân. Từ đó đến nay, nỗi lo sợ, sự bất an về “ma thuốc độc” bao trùm lên nhiều người mặc dù khi hỏi “ma thuốc độc” là gì thì hầu như ai cũng mơ hồ. “Nghe họ đồn nên cũng sợ, chứ thực ra em không biết “nó” như thế nào, chỉ biết “nó” có thể có trong thức ăn, nước uống… Đi đâu, ăn gì cũng sợ, mọi sinh hoạt hằng ngày đều nơm nớp nên tâm lý không được thoải mái” – em Hiếu (15 tuổi – người cùng xã) chia sẻ.

Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh của chị H., chúng tôi tìm gặp em Nguyễn Ngọc Huy (17 tuổi, con trai đầu chị H). Tiếp chúng tôi, em Huy buồn bã nói: “Sau khi mẹ mất, em nghe nhiều người nói, mẹ bị bệnh “ma thuốc độc” nhưng không phải chị à, mẹ bị bệnh hệ thống thể viêm động mạch, bệnh hiểm nghèo nên không chữa được”. Sau khi xem bệnh án của chị H. và tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ, thật ra, bệnh hiểm nghèo mà chị H. mắc phải là bệnh hệ thống, hay còn gọi là bệnh tạo keo có tên khoa học là Connective tissue disease. Loại bệnh này gồm 4 thể và chị H. mắc ở thể viêm động mạch – thể hiếm gặp nhất do có tiên lượng rất nặng nên tử vong rất nhanh.

Vậy là, nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị H. đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, dư luận về “ma thuốc độc” lại một lần nữa “dậy sóng” và càng bất ngờ hơn khi tại nhiều vùng quê, bệnh “thuốc độc”, người “nuôi thuốc độc” vẫn hiện diện từng ngày, từng giờ, mặc dù đã rất nhiều lần cơ quan chức năng vạch trần sự thật đằng sau đó.

Chúng tôi tìm về xã Tùng Lộc – một trong những vùng quê đã và đang chịu nhiều tai tiếng về ma thuốc độc, nhiều người dân trong huyện Can Lộc và Lộc Hà coi đây là “đại bản doanh” của thứ bệnh này. “Người vùng khác đến đây, nước không dám uống, trầu không dám ăn, trong cách nói chuyện, họ luôn đề phòng. Đau xót hơn là sự nghi kị lẫn nhau, nói người này bỏ, người kia bỏ nên mất đoàn kết trong thôn xóm” – ông Đặng Danh Cảnh, Bí thư chi bộ thôn Liên Sơn kể. Tin đồn về “ma thuốc độc” không chỉ làm xáo động vùng quê Tùng Lộc, mà còn như một hội chứng lây lan, làm đảo lộn cuộc sống người dân ở Đức Lạc (Đức Thọ), Cẩm Lạc, Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), Kỳ Hợp (Kỳ Anh)… gây tâm lý bất an và nhiều hệ lụy xót xa.

Khám bệnh kiểu… lang băm

“Bị thuốc độc đi bệnh viện không khỏi được mô, chỉ có cách đi tìm các thầy mà chữa thôi” – đó là “kinh nghiệm” được người dân truyền tai nhau mỗi khi thấy trong người có biểu hiện mỏi mệt, uể oải, chán ăn kéo dài và mặc nhiên “chỉ định” triệu chứng trên do “ma thuốc độc” gây ra.

Dai dẳng chuyện “ma thuốc độc”(Kỳ 1): Lời đồn thổi và cách chữa bệnh khó tin
Chị H. (người bên phải đang trò chuyện cùng tác giả) hiện đang sống trong sự nghi kỵ, xa lánh của bà con lối xóm do bị nghi bỏ thuốc độc

Được sự chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi tìm đến thầy lang tên Khang ở Gia Phú, Xuân Viên (Nghi Xuân) với tài “bắt ma” nổi như cồn. Căn nhà lụp xụp nằm bên tỉnh lộ từ ngã ba Gia Lách xuống bãi tắm Xuân Thành, người khám bệnh ngồi kín cả lối đi. Trong lúc đợi đến lượt mình, chúng tôi kịp trò chuyện với cụ T. (Đức Thọ), cụ bảo: “Cả tuần nay, ho suốt, không đêm nào ngủ yên. Tui đã uống thuốc tây rồi nhưng không khỏi, chiều nay, con gái chở đến đây khám mà đợi mãi chưa đến lượt”. Đặc biệt, thầy Khang còn có biệt tài “soi” bệnh qua áo. Anh V. (Nghi Xuân) nửa đùa nửa thật nói: “Vợ tui ốm quá không đi được nên tui cầm 3 cái áo của nàng đi cho chắc ăn, lỡ cái này không nghiệm thì còn cái khác”…

Theo quan sát, mỗi người được thầy dành 5 phút bấm huyệt sau gáy, huyệt đầu ngón tay, đoán bệnh qua áo cũng mất chừng ấy thời gian và gần như 90% bệnh nhân đều dính “ma thuốc độc” với lời phán: “Này, nói nghe này, ngày x/ tháng y, con có ăn bánh mướt/ hoa quả ngoài chợ bị trúng độc rồi”. Sau khi đem áo vợ cho thầy “soi”, anh V. nói với chúng tôi: “Không ăn thua rồi em à, 3 cái áo của 1 người mà thầy nói 2 người bị, còn 1 người không, như rứa mà ai cũng nói là giỏi lắm”. Đến lượt mình, thầy hỏi: “Đau chi? Khi mô đến dừ?”, với vẻ mặt mệt mỏi nhất có thể, tôi nói giọng khó nhọc: “Dạ, vài tuần rồi, đau chi nỏ biết, cứ thấy mệt mỏi, chán ăn, khó chịu trong người ạ”. Thầy kéo ghế ra sân, bảo tôi ngồi xuống, rồi đi vòng ra phía sau, bất ngờ, thầy ấn ngón tay vào huyệt sau gáy, rồi ấn huyệt đốt ngón tay.

Hình như hơi khó phát hiện bệnh, thầy lại “chích” huyệt tiếp vài lần, đau điếng! Lại tiếp tục câu nói như được lập trình sẵn: “Hôm 1 tháng 2, ra chợ, ăn bánh mướt, bị trúng độc”. Chảy nước mắt phần vì bị “chích” đau, phần vì thầy phán… “bừa” khi gần cả năm nay, tôi không đụng đến bánh mướt, huống chi ngồi ăn ở chợ. Thầy còn nói thêm: “Con bị bệnh nặng rồi, phải uống 3 thang mới khỏi”. Nói đoạn, thầy đọc cho tôi ghi lại 3 bài thuốc, mỗi bài gồm 9 vị “rau, củ, quả” đơn giản về tự tìm và 2 gói đinh hương được gói ghém sơ sài với giá khám bệnh và thuốc 150 ngàn đồng trong vòng chưa đầy 15 phút. Làm vẻ mặt thắc mắc, tôi hỏi: “Ma thuốc độc là chi rứa thầy, có chết không?”. Thầy cười: “Là thuốc độc họ bỏ trong thức ăn (?), uống thuốc rồi không chết được mô. Không yên tâm thì hết thuốc đến đây kiểm tra lại”.

Sau khi được thầy Khang khám bệnh, tôi đưa 2 bài thuốc thầy kê 2 gói đinh hương đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh để kiểm tra. Bác sĩ Dương Đăng Hiền – Giám đốc bệnh viện khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một tài liệu nào nói về bệnh “ma thuốc độc”. Hầu hết các vị thuốc được kê đều là những vị thông thường, tuy nhiên, một vài vị từ trước đến nay không sử dụng như lá bàng, cây dới”. Đặc biệt, sau khi đưa 2 gói đinh hương đến bộ phận chuyên môn kiểm tra, bác sĩ cho biết đã bị mất mùi, biến chất và không nên sử dụng…

Phúc Quang – Thành Chung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP