Đặc Sản Hà Tĩnh

Đặc sản "Đẻn" miền Trung

Đẻn là loài rắn biển rất độc nhưng rất quý, được dùng làm thuốc chữa bệnh và dưỡng sinh. Vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… nơi nào cũng có đẻn. Có nơi như vùng biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Quang Phú, Hải Thành, Nhân Trạch (Quảng Bình) có nghề săn đẻn thịnh hành từ hơn chục năm nay.

hatinh24h

 Không chỉ được dùng làm thuốc, đẻn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn. Và trong các nhà hàng, quán nhậu ở Đồng Hới, thực đơn có giá nhất khi có các món làm từ đẻn.

Một buổi chiều Xuân ở biển Nhật Lệ, gió nồm ran ran, ông chủ quán thò tay đã mang găng vào chiếc bể kính có hàng chục con đẻn đang bơi, nhẹ nhàng lôi ra một con đẻn khoang, dài tới sải tay.

Rồi ông đứng ở đầu bàn tiệc, một tay nắm đầu con đẻn, tay kia cầm chiếc cốc thủy tinh đựng rượu. Chú đẻn quay quay như diễn viên múa dẻo. Một người giúp việc cầm con dao nhỏ cắt vào cái đuôi dẹt đang quẫy của con đẻn.

Một dòng huyết chảy vào cốc rượu. Người giúp việc dừng tay, chiêu rượu đẻn ra từng chung thủy tinh nhỏ, còn ông chủ quán thì nhẹ nhàng mổ bụng, gắp ra trái tim đẻn đang đập thoi thóp, bỏ vào ly thủy tinh rượu, cúi đầu chào rồi nâng ly lên hỏi:

– Xin các bác cho biết ai là chủ xị?

– Anh Hữu Thỉnh, anh Hữu Thỉnh… Mọi người đồng thanh đề nghị!

Nhà thơ Hữu Thỉnh bước ra khỏi bàn, đến cạnh ông chủ quán. Anh trịnh trọng mời mọi người đứng dậy, rồi hai tay nâng ly rượu đựng quả tim đẻn lên quá đầu, hướng ra biển, quỳ xuống, lầm rầm khấn vái.

Bỗng như “nhập đồng”, anh đọc mấy câu thơ: “Anh ở xa/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút/ đã cô đơn “, đoạn anh ngửa cổ uống cạn cốc rượu có trái tim đẻn, rồi giang tay mời các nhà văn, nhà thơ Quảng Bình cùng cụng ly với biển.

Sau đó chủ nhà hàng chế biến ngay tại chỗ những món như: da đẻn rán, xương đẻn rán giòn, thịt đẻn băm viên rán… Hết chầu rượu huyết đẻn lại đến rượu mật đẻn.

Đó là thủ tục và trình tự một bữa tiệc đẻn bảy món bài bản mà Hội Văn nghệ Quảng Bình mời ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vào dịp Xuân năm trước.

Một con đẻn khoang trắng đen dài chưa tới 1m, nặng khoảng bảy, tám lạng, giá tháng 10/2012 là 300 – 350 ngàn đồng, bốn, năm người nhậu là vừa. Đàn ông Đồng Hới ít tiền, chỉ uống rượu đẻn suông cũng “sướng đời thằng mục”.

Với người ở xa tới, người ta giới thiệu “đẻn là đặc sản Đồng Hới, chưa nhậu một bữa rượu đẻn với thịt đẻn thì coi như chưa biết Đồng Hới”. Trách chi ở đây mọc lên nhiều quán đẻn đến vậy! Quán nào cũng thế, cạnh bể nuôi đẻn bao giờ cũng bày nhiều thẩu rượu lớn ngâm bào thai đẻn (gọi là hà nàm đẻn), hay đầu đẻn, xương đẻn, con đẻn, mật đẻn.

Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ du khách bốn phương ưa thích hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng được đem pha với rượu, uống sẽ thấy mùi vị rất thơm ngon mà còn chữa được bệnh nhức xương, giúp tăng cường sinh lực.

Riêng anh bạn thơ Lê Đình Ty của tôi thì khẳng định: “Đẻn là chất doping của Đồng Hới”, bởi dân Đồng Hới đi thi bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng lần nào cũng giành giải cao là nhờ cả mấy tháng tập luyện trước khi đi thi họ liên tục ăn thịt đẻn, uống cao và các loại rượu đẻn.

Các bà vợ ở Đồng Hới thường hay cằn nhằn, cau có khi chồng đi uống bia, đi nhậu rượu Tây, nhưng lại thường “động viên” các ông đi uống rượu đẻn, nhậu thịt đẻn.

Theo tài liệu của Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, những chế phẩm từ đẻn là loại dược liệu quý: rượu đẻn, thịt đẻn, xương đẻn, mật đẻn… chữa được nhiều thứ bệnh như: liệt dương, đau lưng, thấp khớp, giúp tăng cường sinh lực, bổ gân cốt, tăng cường lực cơ bắp, kích thích tiêu hóa…

Các nhà khoa học đã chiết xuất từ con đẻn các hoạt chất có giá trị, và từ các hoạt chất này họ đã chế tạo thành công viên tăng lực dùng cho các vận động viên Việt Nam tại SEA Games cũng như các đấu trường quốc tế. Đây là một công trình nghiên cứu cấp nhà nước hẳn hoi, do một giáo sư ở Viện Công nghệ sinh học thực hiện.

Được biết, viên nang đẻn tăng lực này đã được năm võ sĩ môn pencak silat sử dụng khi tham dự Sea Games 20 ở Brunei và cả năm người đều đoạt huy chương (4 vàng, 1 bạc). Vậy thì đẻn đích thị là “doping” của Đồng Hới, của Việt Nam rồi!

Quê tôi ở làng biển Thượng Luật, góc biển nam Quảng Bình. Dân làng tôi ngày xưa đi đánh cá rất sợ đẻn, thấy vài ba con đẻn vương vào lưới là họ gỡ vứt đi ngay. Họ bảo nhau độc tố của đẻn còn mạnh hơn cả độc tố của rắn hổ mang trên rừng, ai bị đẻn cắn là sùi bọt mép, chết ngay.

Nhưng từ nhỏ tới giờ, tôi chưa thấy ai chết vì bị đẻn cắn. Đẻn có nhiều loại: đẻn cơm, đẻn kim, đẻn lục, đẻn bạch, đẻn rồng, đẻn xanh, đẻn cỏ…, phổ biến nhất là đẻn rồng (loại khoang trắng, khoang đen, đầu giống đầu con rồng thu nhỏ). Thanh niên làng tôi có người phơi khô đẻn rồi đem ngâm rượu uống vì nghe nói một con rắn biển ngâm rượu bổ hơn chục bộ ngũ xà đất.

Thời kỳ đầu đổi mới theo cơ chế thị trường, nhiều người từ Đồng Hới, Cửa Tùng về làng tôi mua tôm hùm, mực ống, mực nang xuất khẩu. Dân làng tôi không ăn thịt đẻn, nên khi người mua thấy đẻn, họ xin là được cho ngay. Sau này có người ra Đồng Hới về nói ngoài đó họ bán đẻn đắt lắm, một con tới trăm rưỡi bạc, ai cũng ngạc nhiên.

Thế là dân làng tôi bắt đầu bắt đẻn để bán. Đẻn cũng dễ bắt, chúng mắc lưới như cá.

Chúng bơi theo từng đôi hoặc từng đàn trên mặt nước, rọi đèn cho chúng ngẩng đầu lên để dùng vợt vớt cho vào thùng nước biển có nắp. Gặp cặp đẻn đang giao phối, quấn lấy nhau cuộn tròn lại như trái bưởi, nổi lập lờ trên mặt biển, cứ thế đưa vợt múc dễ dàng.

Đẻn mẹ đẻ một lần hai con, cũng có khi ba, bốn con, đẻn con mới đẻ đã biết bơi lặn bắt mồi, kiếm ăn. Đẻn quý thế mà những người về mua đẻn ở quê tôi lại trả giá rất rẻ, bình quân to nhỏ cứ 20.000 – 25.000 đồng/ký (giờ giá mua đã lên tới 100 ngàn đồng/ký).

Ngư dân bãi ngang nghèo, thấy đẻn bán được tiền thì mừng lắm, họ đâu biết người mua mang về thị xã, cho vào bể nuôi ở các quán ăn, bán lẻ giá gấp năm, bảy lần! Nghe nói, nhiều người còn buôn cả xe đẻn chuyển xuống tàu đưa sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… để chế biến các món bổ dưỡng cho người giàu có.

Ngày Tết ở Đồng Hới, gia đình nào cũng có thẩu rượu đẻn. Xung quanh con đẻn có rất nhiều chuyện để kể, từ chuyện rượu đẻn “ông uống bà khen”, đẻn bồi bổ sức khỏe đến chuyện đẻn trên đấu trường thể thao, thị trường đẻn đang ngày càng mở rộng…

Nhưng với tôi, rượu đẻn là sự lôi cuốn như “một mảnh hồn quê khảm bên trời”: “Em là dòng sông anh trẻ nhỏ/ Thèm tắm thèm bơi thèm hai bờ/ Rượu đẻn chén nồng nâng cánh gió… “.

NGÔ MINH

DNSG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP