Du lịch

Đà Nẵng - “Thành phố sự kiện” và những khoảng trống về đêm

Đà Nẵng đã và đang xây dựng, hướng tới tên gọi “Thành phố sự kiện” với đích đến là nơi thường xuyên tổ chức những sự kiện, lễ hội hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, “thành phố sự kiện” này vẫn đã và đang có một khoảng trống lớn về những dịch vụ ban đêm để giữ chân khách du lịch.

Đà Nẵng vẫn chưa có “nền kinh tế đêm” xứng tầm với một “thành phố sự kiện” để níu chân khách du lịch. Ảnh: Tư liệu

Còn nhớ đầu năm 2017, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực để Đà Nẵng xây dựng trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã định hướng thành phố phát triển theo hướng “Thành phố sự kiện”, lễ hội hàng đầu Châu Á. Bởi sự phát triển của du lịch thành phố thời điểm đó đã đạt ngưỡng, nếu không có những bước đi đột phá mới và giải quyết kịp thời những tồn tại thì ngành du lịch mắc phải xung đột, thách thức khó vượt qua.

Cũng thời điểm đó, theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) thì chủ động tạo sự kiện là giải pháp để thành công trong việc thu hút khách đến Đà Nẵng. Nếu như trước đây, các sự kiện chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương và đảm bảo nguồn khách đông thì bây giờ, những sự kiện chủ động thiết kế theo yêu cầu phục vụ cho du khách, trong đó Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một ví dụ cụ thể. Việc lễ hội pháo hoa tổ chức kéo dài 2 tháng, góp phần làm giảm mật độ cao điểm và thu hút khách nhiều hơn trong mùa lễ hội. Thay vì chỉ đón khách 2 đêm thì bây giờ những người làm dịch vụ được đón khách 6 đêm. Du khách cũng không phải chịu cảnh sốt vé với giá cao, các dịch vụ khác cũng được hưởng lợi như dịch vụ vận chuyển, hướng dẫn viên, lưu trú…

Tuy nhiên, theo ông Tùng, để vươn tới “Thành phố sự kiện” thực sự, Đà Nẵng đang thiếu một trong những tiêu chí rất quan trọng là các hoạt động giải trí về đêm. “Thành phố còn thiếu khu vui chơi giải trí về đêm theo các chủ đề hay theo lứa tuổi và kéo dài thời gian buổi tối. Trong khi giới trẻ có các hoạt động vui chơi thì các hoạt động dành cho người lớn vẫn còn hạn chế, một số hoạt động còn nhỏ lẻ… Phố đi bộ nên làm ở trong khu dân cư, trung tâm thành phố để du khách thưởng ngoạn không gian và giao lưu văn hóa với người dân bản địa. Chúng tôi hy vọng lãnh đạo thành phố sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này bởi Huế, Hội An đã có phố đi bộ rất hiệu quả và hấp dẫn”.

Và vấn đề nữa là hiện nay các sự kiện ở Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách do chỉ tập trung vào một số ngày, thành phố cần có nhiều sự kiện đan xen để tránh nhàm.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón hơn 8,5 triệu lượt khách quốc tế và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong các năm tới. Đà Nẵng cùng thời điểm là 4,3 triệu lượt, trong đó có hơn 800 ngàn lượt khách quốc tế. Đây là một thị trường rất tiềm năng cho “xuất khẩu tại chỗ”. Bởi khi có đông khách du lịch thì hàng trăm nghìn loại hình hàng hoá, dịch vụ nội địa - địa phương không thể và không cần xuất khẩu vẫn có thể “đi ra thế giới”, đi ra khỏi địa phương.

Đáng tiếc là đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng chi tiêu của thị trường khách du lịch mà một trong những lý do được dẫn ra đầu tiên là thành phố vẫn ở trong “Top những thành phố đi ngủ sớm” như nhiều thành phố du lịch khác của miền Trung.

Đà Nẵng vẫn chưa có một “nền kinh tế ban đêm” đúng nghĩa và đúng chuẩn của một “Thành phố sự kiện”, lễ hội, du lịch… để thu hút và giúp du khách tiêu tiền, dù gần đây một số chợ, khu du lịch đêm đã được mở ra và mới nhất là tour du lịch trên du thuyền sông Hàn với ẩm thực, âm nhạc. Nhưng tiêu tiền, giải trí ở đâu tiếp theo cho đến sáng hôm sau, ví dụ sau khi rời sông Hàn tầm 22h đêm, du khách vẫn không có câu trả lời...

Tác giả: Hoàng Văn Minh

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP