Đặc Sản Hà Tĩnh

Cứu tinh cho bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch (Hương Khê – Hà Tĩnh), một trong những cây ăn quả đặc sản quý hiếm. Nhưng mấy năm gần đây, bưởi Phúc Trạch biểu hiện suy giảm năng suất, chất lượng, nhiều năm liền mất mùa, nông dân Hương Khê khóc đứng khóc ngồi vì bưởi, nhiều hộ quay lưng lại với cây bưởi bằng cách chặt phá hàng trăm gốc bưởi để trồng cây khác.


Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả tìm ra căn nguyên sự cố trên và đang giúp bưởi Phúc Trạch đơm hoa kết trái trở lại.



Danh tiếng và suy thoái


Bưởi Phúc Trạch từng được nước Pháp thưởng “mề đay” trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương (1938) và được công nhận một trong 7 loại cây ăn quả đặc sản quý hiếm của cả nước. Năm 2004 bưởi Phúc Trạch được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thời kỳ thịnh vượng, diện tích bưởi Phúc Trạch của Hương Khê lên tới hơn 1.200 ha, chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô và Lộc Yên, nhiều nông dân trồng bưởi trở nên giàu có. Thế nhưng kể từ năm 1998-2008 bưởi Phúc Trạch liên tục mất mùa.


Trong khoảng thời gian này nhiều nhà khoa học đã hết mình nghiên cứu sự cố trên bằng các biện pháp, thực hiện các đề tài khoa học nhỏ lẻ để tìm ra căn nguyên gây mất mùa bưởi. Kết quả không mấy khả quan, diện tích bưởi Phúc Trạch ngày một suy giảm, nông dân chán nản bỏ bê vườn bưởi.


Trước nguy cơ đó, Ban Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ KH&CN) phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp VN (Bộ NN-PTNT) giao Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê”. Dự án ra đời, được triển khai thực hiện từ tháng 3/2009.


Xác định nguyên nhân


Tiến sỹ Ngô Hồng Bình, Phó Viện trưởng Viện NC Rau quả, người chịu trách nhiệm chính về đề tài khoa học này cho biết: Đề tài được triển khai trên diện tích 6 ha của 24 hộ dân thuộc các xã Phúc Trạch, Hương Trạch và Hương Đô với mục đích: Nghiên cứu nguyên nhân suy giảm năng suất; các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, phẩm chất bưởi Phúc Trạch; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp; hợp tác quốc tế và tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hướng tới khôi phục lại thương hiệu của sản phẩm bưởi Phúc Trạch.



Tiến sỹ Vũ Việt Hưng, người có gần 10 năm lăn lộn nghiên cứu cây bưởi Phúc Trạch, nói: “Đến nay có thể khẳng định đề tài đã thực sự thành công. Chúng tôi đã đưa ra quy trình thâm canh tổng hợp được nông dân áp dụng rất tốt. Trong đó thụ phấn bổ sung và bao quả đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch”. Được biết, sau khi lựa chọn các vườn bưởi để làm thử nghiệm, các nhà khoa học đã triển khai áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp như: bổ sung dinh dưỡng; kỹ thuật tưới nước; cắt tỉa kết hợp với thụ phấn bổ sung đến công đoạn bao quả. Kết quả cho thấy, công đoạn thụ phấn bổ sung lúc bưởi ra hoa đã nâng tỷ lệ đậu quả đạt 100%, sau thời gian sinh trưởng đến công đoạn cắt tỉa chọn để lại từ 50-70 quả/cây, lúc đó cho quả vào bao để tránh các loài côn trùng, sâu bệnh hại.


Với cách áp dụng trên đến kỳ thu hoạch, da bưởi trơn mịn, hương vị bưởi đặc trưng rất hấp dẫn. Đặc biệt, năng suất bưởi tăng lên rõ rệt, khi chưa thực hiện dự án vườn bưởi chỉ cho năng suất 5-7 tấn/ha, nhưng khi áp dụng quy trình thâm canh và thụ phấn bổ sung, năng suất tăng vụt lên trên 20 tấn/ha, với giá bình quân bán cho thương lái tại vườn 20.000 đ/quả (1kg), tổng thu đạt 400 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư bà con còn lãi ròng trên 200 triệu đồng/ha.


Nông dân nói gì


Chị Hoàng Thị Tuân, xóm Ngọc Bội, xã Hương Đô nói: “Cách đây 3 năm toàn bộ vườn bưởi gần 0,4 ha của gia đình tôi ra hoa rất nhiều nhưng mỗi cây chỉ đậu được dăm bảy quả, thậm chí có những cây không đậu quả nào, tôi chán nản định chặt bỏ hết, nhưng sau khi được Viện Nghiên cứu Rau quả lựa chọn thực hiện mô hình chăm sóc tổng hợp, triển khai thụ phấn bổ sung và bao quả, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi tỷ lệ đậu quả 3 năm liền đều đạt từ 80-100%. Theo hướng dẫn của các nhà khoa học, sau khi cắt tỉa chúng tôi chỉ để lại mỗi cây bình quân từ 50-70 quả, khi bưởi lớn khoảng 5cm tiến hành bao quả lại. So với những năm trước đây, năng suất thu hoạch bưởi năm nay của gia đình tôi tăng gấp 3 lần. Dân chúng tôi rất tin tưởng và cảm ơn các nhà khoa học giúp dân phục sinh vườn bưởi”. Ngoài gia đình chị Tuân, hộ ông Nguyễn Thanh Lĩnh, Phạm Văn Ân (Hương Trạch); Lê Văn Thắng, Phạm Văn Xuân (Phúc Trạch)… cũng nhờ thực hiện dự án mà hồi phục vườn bưởi, nay đã có của ăn của để.


Ghi nhận thành công đề tài khoa học phục hồi cây bưởi Phúc Trạch của Viện NC Rau quả, ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định: Vườn bưởi được áp dụng quy trình kỹ thuật mới luôn vượt trội hơn hẳn về tỷ lệ ra hoa, đậu quả cũng như năng suất, chất lượng so đối chứng; hạn chế được các loại dịch bệnh… Huyện sẽ rà soát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích trồng bưởi trên địa bàn; từ đó tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện đạt từ 1.500-1.700 ha bưởi trên địa bàn 18 xã, góp phần đưa đặc sản bưởi Phúc Trạch trở thành sản phẩm hàng hóa chính phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP