Liên tiếp “dính” kiện tụng
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên tục gặp rắc rối với các vụ kiện khách hàng, chìm trong nợ nần và khó khăn. Cổ phiếu liên tục xuống giá khiến vốn hóa của công ty chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Chiều 10/6, Công ty Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường (công ty con của Quốc Cường Gia Lai) – chủ đầu tư chung cư Quốc Cường – Gia Lai (quận 7, TP.HCM) phải hầu tòa trong vụ kiện của cư dân yêu cầu trả lãi phạt do chậm giao căn hộ và giao căn hộ nội thất không đúng chất lượng thỏa thuận.
Vụ kiện bắt đầu từ khoảng tháng 10/2011, khi hàng chục chủ căn hộ yêu cầu chủ đầu tư trả lãi phạt, bồi thường giá trị nội thất với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong quá trình giải quyết, nhiều chủ căn hộ chấp nhận thỏa thuận với chủ đầu tư về mức lãi phạt, số tiền bồi thường nội thất nên không tiếp tục kiện. Có 5 chủ căn hộ theo đuổi vụ kiện trên gần 2 năm qua do không chấp nhận mức tiền mà chủ đầu tư đề nghị. Đây là vụ kiện được TAND quận 3, TP.HCM xử đầu tiên trong số 5 vụ kiện.
Trước đó, nhiều hộ dân mua đất của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tại dự án Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng kiện công ty này lên TAND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Theo nhiều người dân, trong quá trình triển khai xây dựng dự án khu dân cư Trung Nghĩa, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã rao bán đất tại đây kèm lời hứa “khi nộp đủ tiền sẽ có sổ đỏ và giao đất ngay”.
Mỗi lô đất 100m2 có giá dao động từ 700 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Hàng chục hộ dân đã nộp đủ và cũng đã nhận sổ đỏ từ tháng 7/2011 nhưng công ty vẫn chưa có đất để giao cho khách hàng làm nhà khiến họ phải chạy đôn chạy đáo thuê nhà ở tạm. Về phía Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty cho biết, sở dĩ công ty giao sổ đỏ cho khách hàng từ tháng 7/2011 nhưng đến nay vẫn chưa giao đất là do có trục trặc trong việc xin thi công các hạng mục đấu nối với cơ sở hạ tầng giao thông của TP Đà Nẵng.
Những vụ kiện tụng của Quốc Cường Gia Lai đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín của công ty này và Cường Đô la, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty vẫn chưa chứng tỏ được những gì làm được cho công ty.
Vẫn mê siêu xe khi mẹ làm ăn thất bát
Theo kết quả công bố mới đây, tài sản của Cường Đô la đang đứng “hạng bét” trong nhóm con nhà đại gia khi chỉ nắm 538.000 cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai, tương đương với số tiền khoảng 3,65 tỉ đồng, giảm 430 triệu đồng so với đầu năm 2013. Thế nhưng, trước đó, cuối tháng 1, trên trang cá nhân, Cường Đô la bất ngờ đăng tải hình ảnh một chiếc Ferrari 458 Italia mới, khiến dư luận đồn đoán đây là món đầu tư mới nhất của đại gia này. Trong khi đó, bà Như Loan, mẹ Cường Đô la vừa mới thế chấp tất cả cổ phiếu của mình để vay ngân hàng gần 1.000 tỷ. Tuy nhiên sau đó, trả lời báo giới, Hồ Ngọc Hà khẳng định, chiếc xe 15 tỷ đồng này hoàn toàn không phải của Cường Đô la.
Có thể thấy, dù kinh tế có khó khăn nhưng Cường Đô la vẫn không dừng được thú mê siêu xe đã “ăn vào máu” của mình. Cường Đô là được biết đến là một tay chơi siêu xe nổi tiếng trong giới mê xe 4 bánh với bộ sưu tập những tên tuổi lừng danh như: Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider… với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Đại gia này còn đầu tư hàng trăm nghìn USD để nâng cấp những “xế yêu” cho thỏa sự đam mê của mình. Độ “bạo tay” chi tiền cho xế hộp của doanh nhân này khiến chuyên trang ô tô Autoguide của Mỹ cũng phải thán phục. Trang này còn so sánh bộ sưu tập siêu xe của Cường Đô la với một thiếu gia người Ả rập.
Trong nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, lương tháng của Cường Đô la chỉ được 3 triệu đồng. Hưởng mức lương thấp nhưng Cường Đô la vẫn không từ bỏ được thú mê siêu xe của mình. Cường Đô la còn là thành viên tích cực, là người sáng lập “Hành trình siêu xe”. Đây là nơi quy tụ của những chiếc xe đắt tiền của giới mê siêu xe trong toàn quốc.
Cường Đôla cũng làm công chúng và giới mê xe một phen hụt hẫng khi hành trình siêu xe 2012 bị hoãn hết lượt này đến lượt khác, và cuối cùng là hoãn vô thời hạn. Không công bố lý do, nhưng ai cũng biết lý do kinh tế chính là nhân tố chủ chốt khiến hành trình siêu xe khó diễn ra. Thêm vào đó, rất nhiều lời đồn đoán được đưa ra về gốc gác các siêu xe và xe siêu sang mà Cường mới có được phần lớn là mua nợ, hay phải bán bớt xe cũ để có tiền tậu xe mới cũng làm giảm sút khá nhiều sự “ngưỡng mộ” của giới mộ điệu dành cho thiếu gia phố núi.
Từng bị xử mức án 3 năm tù treoNăm 11 tuổi, Nguyễn Quốc Cường đã nổi tiếng khắp Pleiku vì chỉ tiêu tiền đô, cái tên Cường Đô la cũng có từ khi đó. Đam mê tốc độ từ khi còn đi học, dường như xe cộ là người bạn thân nhất thuở thiếu thời của Cường. Năm 16 tuổi, Cường Đô la đã có chiếc xe mô tô phân khối lớn đầu tiên. Những ngày còn học lớp 12, Cường Đô la đã tự cầm lái một chiếc xe Matiz đến trường và về nhà.
Đam mê xe và tốc độ, Cường Đô la cũng gặp khá nhiều rắc rối vì sở thích của mình. Năm 16 tuổi, với chiếc mô tô Yamaha đắt tiền, Cường Đô la đã là một tay đua xe khét tiếng Pleiku. Năm 2003, Cường Đô la dính vào vụ đua xe ầm ĩ trên đường Điện Biên Phủ, TP Pleiku, bị cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “đưa hối lộ”. Vụ việc khá nghiêm trọng nên Cường đã bị xử mức án 3 năm tù treo và phạt tiền. Sau những rắc rối này, thiếu gia Pleiku bắt đầu phải “cải tà quy chính”, từ bỏ tốc độ và chỉ tập trung vào một thú vui lành hơn, nhưng cũng hao tiền tốn của hơn là sưu tập xác siêu xe xịn nhất thế giới.
“Né tránh” dư luận
Ngoài thú mê siêu xe, tay chơi khét tiếng đất Pleiku và những cuộc tình với các kiều nữ showbiz Việt thì những gì mà Cường Đô la làm cho Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Cường Đô la nắm chức vụ người công bố thông tin của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Thế nhưng, trước và cả sau khi Cường Đô la công khai hoạt động kinh doanh trong Quốc Cường Gia Lai, thì những ghi dấu của ông trong lĩnh vực kinh doanh là không nhiều, cũng hiếm khi trả lời báo chí về bất kể vấn đề nào của công ty Quốc Cường Gia Lai. Thời điểm mới niêm yết cổ phiếu, ông Cường có đăng đàn một đôi lần để chia sẻ về việc kinh doanh, sau đó gần như…mất hút.
Khi giá cổ phiếu lao dốc cũng như lúc công ty lùm xùm với báo cáo tài chính, thua lỗ, gặp rắc rối với các vụ kiện cáo của khách hàng… người công bố thông tin không hề xuất hiện. Trên thực tế, người đứng ra giải quyết các vụ khiếu nại, trả lời báo chí… là mẹ của Cường – bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ của thiếu gia này.
(Theo Kienthuc)