Hà Tĩnh ngày nay

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Kỳ Phương, Kỳ Anh; Lúng túng và lãng phí

Những năm vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng khá tốt, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, công tác này hiện đang gặp một số vướng mắc…

Cấm nhưng dân vẫn làm


Từ năm 2008 đến nay, khi Dự án Khu kinh tế Vũng Áng được triển khai, UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản, thông báo phổ biến đến các xã trong vùng dự án. Một nội dung quan trọng luôn được đề cập, là: “Bằng mọi hình thức, UBND các xã không để người dân cơi nới, xây dựng mới công trình, nhà cửa, vật kiến trúc kiên cố (…) trong phạm vi ảnh hưởng thực hiện các dự án”. Nội dung các văn bản còn yêu cầu “UBND xã tiến hành đình chỉ, lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật” (…) và “nghiêm cấm các hộ dân xây mới, cơi nới các công trình, trồng cây trong ranh giới các khu tái định cư, khu đất đã quy hoạch”.


Mới đây, tại xã Kỳ Phương, một xã nằm trong vùng dự án, chúng tôi được nghe nhiều về việc chính quyền địa phương phải xử lý những trường hợp vi phạm. Cụ thể là, ngày 13-12, tại xã Kỳ Phương đã diễn ra việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình nhà cửa do người dân tự ý xây dựng. Hơn 50 ngôi nhà của 31 hộ dân đã bị giải tỏa. Chỉ còn lại một ngôi nhà kiên cố của anh Lê Văn Hiệp được cơ quan chức năng cho phép giữ lại 10 ngày để gia đình di dời, chuyển đồ đạc đi nơi khác. Anh Lê Văn Hiệp cho biết: “Tháng 4-2010, tôi đã xây căn nhà mới này tại thôn Hồng Sơn, xã Kỳ Phương để ở. Đây là diện tích đất được ông Trần Công Lâm, bố vợ tôi cho trên đất nông nghiệp do gia đình khai hoang”… Ngôi nhà trị giá khoảng 160 triệu đồng của gia đình anh Hiệp xây dựng xong chưa được bao lâu, đã bị cưỡng chế tháo dỡ để giao đất cho dự án Trung tâm Thương mại đa ngành nghề Lợi Châu (có quy mô 36,4ha do Công ty CP Xây dựng Đại Việt Mỹ làm chủ đầu tư).


Ngoại trừ ngôi nhà của anh Hiệp, còn tất cả những ngôi nhà còn lại ở thôn Hồng Sơn vừa bị cưỡng chế tháo dỡ đều là nhà xây tạm, bằng vật liệu rẻ tiền và hầu hết được xây dựng trong thời gian rất ngắn. Nói về sự kiện cưỡng chế tháo dỡ ngày 13-12, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho rằng: Chính quyền địa phương không đồng tình và yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện phải kiểm kê, áp giá đền bù, sau đó ai không di dời thì mới tổ chức cưỡng chế… Nhưng, các cơ quan chức năng huyện đã huy động 3 máy xúc, hơn 100 nhân lực, bao gồm cả lực lượng của tỉnh để tổ chức cưỡng chế. Trong quá trình giải tỏa đã xảy ra xô xát giữa lực lượng chức năng và người dân, khiến dư luận không đồng tình.


Ông Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Kỳ Anh, cho chúng tôi biết: Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có 155 hộ vi phạm xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất đã có quy hoạch, gây khó khăn lớn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, tại sao khi người dân bắt đầu xây dựng, cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý kịp thời? Ông Sơn nói: “Người dân thường tổ chức xây dựng rất nhanh, chỉ trong vòng một vài ngày, và việc quản lý đất đai ở địa phương thuộc trách nhiệm của UBND xã”.


Cần làm rõ những vấn đề còn khuất tất


Chúng tôi đề nghị UBND huyện Kỳ Anh cho phép tiếp cận các hồ sơ cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Kỳ Phương để tìm hiểu sự việc, nhưng không hiểu vì sao đã bị từ chối. Vì thế, chúng tôi tìm đến những người dân ở Kỳ Phương. Ông Phạm Văn Vang ở thôn Hồng Sơn, xã Kỳ Phương, một trong những người dân bị cưỡng chế, nhưng không ký vào “Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” do UBND xã Kỳ Phương lập, cho chúng tôi biết: “Tui chưa bao giờ nhìn thấy cái biên bản này. Người ta lập ở đâu và từ lúc nào tôi không biết, thì làm sao tôi ký vào đó được?”.


Không chỉ riêng ông Vang mà nhiều người dân khác ở thôn Hồng Sơn có hoàn cảnh tương tự, đều cho rằng, họ chưa bao giờ được cán bộ xã yêu cầu ký vào biên bản vi phạm hành chính? Chính vì vậy, các biên bản được lập ở hiện trường, trên biên bản, phần dành cho người vi phạm ký tên đều ghi: “Chủ hộ không ký”. Cũng trên các biên bản, phần dành cho người làm chứng có chữ ký của ông Hoàng Huy Nam-Trưởng thôn Hồng Sơn. Chúng tôi hỏi ông Hoàng Huy Nam đã làm chứng và ký vào biên bản như thế nào? Ông Nam cho biết: “Thực tế tôi không đi (theo đoàn kiểm tra – PV), cái này (biên bản – PV) do Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã yêu cầu tôi ký thì tôi ký”.


Chúng tôi cũng không thấy thể hiện trên các biên bản thời gian xây dựng, mức độ và quy mô công trình, nhà cửa của người dân. Như vậy, việc lập các biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với 31 hộ dân thôn Hồng Sơn, xã Kỳ Phương đã không kịp thời, chưa đầy đủ và không đúng quy định. Căn cứ vào các biên bản đó, UBND xã Kỳ Phương đã ra Quyết định xử phạt và UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định cưỡng chế người dân tháo dỡ… là không đủ cơ sở pháp lý. Các cơ quan chức năng của địa phương sớm vào cuộc để làm rõ những khuất tất nêu trên.


Đâu là nguyên nhân?


Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho chúng tôi biết: “Trong quá trình quy hoạch và thực hiện các bước để thu hồi đất GPMB phục vụ dự án xây dựng Trung tâm Thương mại đa ngành nghề Lợi Châu đều không đúng quy trình, việc cắm mốc mở rộng không đúng theo tờ trình mà UBND xã, UBND huyện đề nghị. Doanh nghiệp tự ý cắm mốc không thông qua Đảng ủy, UBND xã để chỉ đạo nên nhân dân xây dựng các công trình, nhà cửa trái phép. Quá trình hỗ trợ GPMB, các dự án đã có chủ trương như xây dựng khu tái định cư các hộ xây dựng trại để sản xuất trên đất nông nghiệp, tiến hành hỗ trợ từ 40 đến 70% cho số 5,4ha mặt bằng đã bàn giao, riêng tại khu tái định cư đã hỗ trợ 100%. Song, các hộ có công trình, nhà cửa bị cưỡng chế cũng xây dựng trong thời điểm như các hộ trên lại không được hỗ trợ nên không bảo đảm tính công bằng…”.


Hơn 50 ngôi nhà đã bị giải tỏa, đó là một khối tài sản đáng kể đối với người dân nghèo xã Kỳ Phương. Nếu như ngay từ đầu, các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thắt chặt công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, chắc chắn sẽ không để xảy ra tình trạng đáng tiếc trên. Một số hộ dân trong diện bị cưỡng chế giải tỏa đã bày tỏ nguyện vọng: Chính quyền địa phương nên nghiên cứu hỗ trợ họ một phần kinh phí di dời, tháo dỡ các công trình này… Chúng tôi xin chuyển nguyện vọng này đến các cơ quan chức năng của huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh xem xét và xử lý cho thấu tình, đạt lý.


Bài và ảnh: Trần Hoài

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP