Pháp luật

Cụ ông 86 tuổi chạy xe ôm để nuôi tình trẻ sau khi đuổi vợ

Phải lòng cô vợ trẻ nhà hàng xóm, ông Cường (TP HCM) liên tục đánh, rồi đuổi vợ mình khỏi nhà, khiến bà uất ức ra tòa ly hôn.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, sống trong cảnh không chồng, không con, nhưng bà Thuận (79 tuổi, quận Tân Phú) lại thấy vô cùng thoải mái và thanh tịnh, bởi 8 năm trước là chuỗi ngày đằng đẵng bà sống trong cảnh nhẫn nhịn cay đắng và chịu những trận đòn vô cớ của ông Cường - người chồng hơn vợ 7 tuổi. Nguyên nhân chỉ vì bà muốn ông quay đầu sau cuộc tình ngang trái, nhưng lại làm mọi sự trở nên căng thẳng hơn.

Năm 1959, ông Cường và bà Thuận nên nghĩa vợ chồng. Họ không có con sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi, song vẫn thương yêu, chăm sóc nhau.

Hàng xóm nhà họ là một người phụ nữ đứng tuổi. Những năm chiến tranh, người này gửi con trai (tên Lâm, hiện 44 tuổi) cho vợ chồng bà Thuận chăm giúp. Từ đó, ông Cường bà Thuận xem con hàng xóm như con mình, dù không làm giấy tờ nhận con nuôi. Anh Lâm trưởng thành, kết hôn với chị Như, kém chồng 2 tuổi. Cưới xong, anh phải đi làm xa nên nhờ chị ở nhà thay mình phụng dưỡng mẹ, chăm sóc ông bà hàng xóm để tỏ lòng biết ơn.

Suốt phiên xử, ông Cường chẳng dám ngước lên nhìn những người xung quanh. Ảnh: Phan Thân.

Ở bên nhau lâu, chị Như và ông Cường nảy sinh tình cảm. Ban đầu họ còn lén lút, rồi sau ngoại tình công khai. Từ năm 2009, ông Cường trở thành người chồng vũ phu, tìm đủ lý do để đánh vợ vì muốn được ở hẳn với bồ.

Quá uất ức và mệt mỏi, một năm sau, bà Thuận nộp đơn xin chia tay, nhưng lại âm thầm rút về, vì sợ bị người đời dị nghị. Bản thân bà cũng mong với sự tha thứ của mình, chồng sẽ thay đổi, để cùng nhau chăm sóc cho tuổi già. Nhưng ông Cường không định "cải tà quy chính" mà còn lấn tới.

Mâu thuẫn gia đình họ căng thẳng hơn khi vợ chồng anh Lâm ly hôn. Vậy là ông Cường đuổi vợ ra khỏi nhà. Để tránh những trận đòn vô cớ, bà Thuận phải về quê ở Long An sống. Năm 2017, một lần nữa bà xin chấm dứt cuộc sống vợ chồng.

“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ, ông ấy sống với người ta, không có con thì thể nào cũng chấm dứt rồi quay về. Lúc đó, tôi sẽ dang tay đón nhận. Bây giờ, nhớ lại suốt thời gian dài bị đánh, tôi cứ rùng mình, chẳng hiểu sao lại có thể chịu đựng tốt như vậy”, bà nghẹn giọng kể lại.

Phiên xử lần thứ nhất diễn ra vào hồi tháng 6/2017. Bà Thuận rất vui khi được tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn. Căn nhà chia đôi. Nhận thấy, căn nhà này có công sức đóng góp của mình, anh Lâm yêu cầu được chia phần. Ông Cường kháng cáo không chấp nhận.

Phiên xử lần thứ hai diễn ra vào chiều 21/6 vừa qua, tại Tòa gia đình và người chưa thành niên TP HCM. Ông Cường đến tòa với mái tóc bạc phơ, lưng còng, da nhăn nheo. Không thể đứng lâu, nói câu được câu mất, ông phải ủy quyền cho luật sư trình bày quan điểm. Nhìn dáng vẻ khắc khổ của ông, chẳng ai nghĩ, ông đang sống như vợ chồng với cô gái kém mình 44 tuổi suốt 9 năm qua.

Bà Thuận không đến, mà ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng. Phiên tòa trở nên căng thẳng khi các bên đều đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, do có nhiều chứng cứ cần phải xem xét nên Hội đồng xét xử đã lùi thời gian tuyên án.

Hơn một năm qua, bà Thuận ở Long An ngày ngày chăm sóc khu vườn nhỏ trong nhà và nuôi một đàn gà, thêm mấy chú cún để tìm niềm vui. Bà cũng tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương để cuộc sống thú vị hơn. Còn ông Cường vẫn ngày ngày chạy xe ôm để lo cho cuộc sống của mình và "vợ" trẻ.

Luật sư Trần Văn Tư, Đoàn luật sư TP HCM là người bảo vệ quyền lợi cho bà Thuận. Ông cho biết, câu chuyện của gia đình ông Cường vô cùng đau lòng. Các tình tiết cứ ngỡ chỉ xảy ra trong phim, nhưng lại có thật trong thực tế. “Quyết định của bà Thuận là đúng, dù có buồn một chút khi ở tuổi già”, vị luật sư nói.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Tác giả: Phan Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP