Xã hội

CSGT tắt điện thoại khi làm việc để...tránh nhờ vả: Ai nhờ?

Theo Thượng tá Phương, thực tế cũng có trường hợp anh em, cán bộ gọi điện nhờ CSGT khi họ đang xử lý vi phạm.

Xung quanh xôn xao vụ CSGT Huế phải tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ để tránh bị nhờ vả, ngày 11/8, trao đổi với báo Đất Việt, Thượng tá Lê Viết Phương, Phó trưởng công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận và cho rằng, nội quy này được áp dụng rất hiệu quả, tất cả cán bộ chiến sĩ CSGT TP Huế đều đồng tình, ủng hộ cao về nội quy này.

"Thực tế tôi là người chỉ đạo anh em CSGT TP Huế như vậy và nguyên tắc chúng tôi làm việc là chỉ sử dụng bộ đàm. Việc sử dụng bộ đàm tôi thấy rất hay, chỉ trong vòng một tích tắc thôi là anh em có thể hỗ trợ cho nhau về công việc, chứ không phải dùng bộ đàm là không có thông tin.

Ngoài ra việc sử dụng bộ đàm còn tránh được trường hợp mất sóng, hết pin. Trong khi đó sử dụng điện thoại rất bất tiện vì mỗi khi có việc cần, anh em phải mở điện thoại hay sử dụng danh bạ rất lâu", Thượng tá Phương nói.

CSGT tat dien thoai khi lam viec de...tranh nho va: Ai nho?

Lực lượng CSGT Công an TP Huế phải tắt điện thoại di động và chỉ sử dụng bộ đàm khi ra quân xử lý "ma men" để tránh bị nhờ vả. Ảnh: VTC News
Nói về chỉ đạo CSGT khi đi làm nhiệm vụ phải tắt điện thoại để tránh bị nhờ vả, Thượng tá Phương cho rằng, trong xã hội ai cũng có mối quan hệ, ai cũng có quyền được nhờ sự trợ giúp.

"Riêng chỗ tôi, tôi nghiêm cấm cán bộ chiến sĩ can thiệp nhờ vả. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp anh em, cán bộ đồng đội xin hộ người thân, bạn bè chứ không phải không có.

Bởi vậy nên tôi đã chỉ đạo tắt hết điện thoại khi anh em ra đường làm nhiệm vụ, chứ mở điện thoại ra mà nghe thì ảnh hưởng đến công việc, còn không nghe thì lại mất lòng và tắt điện thoại để xử lý công việc, coi như không liên lạc được với nhau trong những tình huống nhạy cảm", Thượng tá Phương cho biết thêm.

Cũng theo Thượng tá Phương, từ khi CSGT TP Huế thực hiện việc tắt điện thoại khi đi làm nhiệm vụ, ông thấy hiệu quả công việc rất cao.

"Tôi tắt máy từ lúc anh em vừa rời khỏi cơ quan, khi mở máy có nhiều cuộc gọi nhỡ nhưng trên hết vẫn là an toàn giao thông, chúng tôi phải nỗ lực làm sao cho tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe trong địa bàn TP Huế giảm hẳn và con số vụ tai nạn giao thông hạ xuống đột biến", Thượng tá Phương chia sẻ thêm.

Được biết, trong hơn 1 tháng ra quân toàn đội, lực lượng CSGT công an TP Huế đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm luật giao thông về nồng độ cồn, trong đó có không dưới 10 trường hợp bị xử phạt ở mức 17 triệu và giam bằng 4-6 tháng.

Tác giả: Thanh Giang

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: CSGT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP