Chiều 11/4, Toà án nhân dân TP HCM công bố bản án sơ thẩm giai đoạn một đại án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Sài Gòn (SCB).
Bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị tuyên tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ. Tòa cũng buộc bị cáo bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB.
Hội đồng xét xử đưa ra các quyết định về các giao dịch dân sự của bà Lan và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhằm thu hồi tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo.
Trong đó, tòa buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Lan là hơn 2.882 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nắm giữ trước đó.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2023, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2023 đạt gần 155 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, tương đương 58 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp của các mảng trong doanh thu lần lượt là bất động sản 46%, bán hàng hóa 20% và bán điện 34%. Lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt khoảng 40 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16% so với cùng kỳ.
Công ty thông báo lợi nhuận sau thuế đạt gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ xấp xỉ 10 tỷ đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh giai đoạn này tăng so với cùng kỳ do sản phẩm bất động sản giao cho khách hàng tăng và chi phí tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3 lần so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 432 tỷ đồng. |
Lợi nhuận sau thuế 2023 của Quốc Cường Gia Lai đạt 10 tỷ đồng
Lợi nhuận gộp cũng lao dốc mạnh khi chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm 40% so với mốc 137 tỷ của năm trước. Sau trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Như vậy, kết quả này kém xa so với kỳ vọng doanh thu đạt 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng mà ban lãnh đạo công bố tại đại hội cổ đông thường niên.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Quốc Cường Gia Lai có tổng tài sản 9.585 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm, tương đương 364 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm xấp xỉ 79%, tương đương 7.531 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm gần 5.236 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu kỳ. Gần 95% nợ của công ty được ghi nhận ở mục ngắn hạn. Chiếm nhiều nhất là khoản phải trả ngắn hạn khác với 4.292 tỷ đồng, trong đó 2.883 tỷ đồng là tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển, còn lại là các dự án khác.
Công ty hiện có vốn chủ sở hữu 4.349 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với mức 4.339 tỷ đồng hồi đầu năm. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ 3%, ghi nhận khoảng 526 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong, ngày 9/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra thông báo về việc giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai tố cáo hai cá nhân đã nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng 125ha đất ở phường Kim Dinh và phường Long Hương (TP Bà Rịa) song thực tế diện tích đất có thể chuyển nhượng được chỉ khoảng 16,3ha.
Được thành lập vào năm 1994, tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất…, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai phát triển trở thành tập đoàn kinh doanh các lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.
Theo công bố trên website doanh nghiệp, Quốc Cường Gia Lai có quỹ đất đang sở hữu tại TP HCM như Quận 1, 3, 7, Bình Chánh, Nhà Bè…
Tác giả: Dy Khoa
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn