Bà Trần Thị Cầu khóc ngất bên cạnh con trai đang nằm điều trị tại bệnh viện Hà Tĩnh.
Ngày 28.3, ông Đào Xuân Lý, Phó trưởng khoa Chấn thương (Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh) cho biết: tại khoa này hiện có 7 bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Những chấn thương nặng của bệnh nhân chúng tôi đã xử lý nhưng vẫn còn nguy cơ diễn biến tiếp theo, vì có thể sau này xuất hiện những tổn thương khác mình chưa biết được.
Phần lớn các bệnh nhân nằm ở khoa Chấn thương đều bị chấn thương sọ não, răng hàm mặt, gãy chân và phần lớn là vết gãy hở.
Các bệnh nhân đang điều trị tại khoa Chấn thương bệnh viện Hà Tĩnh. |
“Bệnh nhân nào cũng nặng, mới chỉ thoát khỏi tình trạng nguy kịch ban đầu chứ đều có nguy cơ hơn những bệnh nhân khác. Chúng tôi vẫn phải kéo dài điều trị không rõ thời gian”, ông Lý nói.
Tính tổng các nạn nhân điều trị tại BV đa khoa Hà Tĩnh đến thời điểm hiện tại có 19 nạn nhân vụ sập giàn giáo Formosa đang được điều trị ở các khoa như Chấn thương, Ngoại tổng hợp, Răng hàm mặt…
Ông Lý cho biết thêm: “Đến nay chưa thấy ai đăng ký bảo hiểm với bệnh viện cả. Theo chỉ đạo của tỉnh và các bộ ngành, trước mắt chúng tôi sẽ tích cực điều trị và bỏ tiền ra toàn bộ. Cũng nghe nói họ có bảo hiểm nhưng chưa thấy”.
Anh Phan Anh Dũng không rõ công ty Nibelc có đóng bảo hiểm cho mình hay không. |
Anh Phan Anh Dũng (23 tuổi, trú thôn 8, Trung Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), đang điều trị tại khoa Chấn thương, kể: “Em làm ở công ty Nibelc gần 1 năm nay, là thợ buộc sắt. Làm việc mỗi ngày 11 tiếng, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hôm xảy ra tai nạn em làm ca từ 13h đến 7h sáng ngày mai. Tối bọn em ăn cơm ở công trường. Trước khi giàn giáo sập, anh em có nghe chấn động nên dừng lại. Sau đó, lúc em đang mài bê tông dính ở trên giàn sắt thì cả giàn giáo bị sập. Em rơi xuống rồi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì thấy thanh sắt lướn đè trên 2 chân”.
Dũng cho biết, không rõ công ty có đóng bảo hiểm cho mình hay không mà chỉ thấy có hợp đồng làm việc.
Còn anh Nguyễn Minh Phương (cũng trú thôn 8, Trung Trạch), cũng là công nhân của công ty Nibelc, kể: “Em vào làm từ tháng 5.2013, đến tháng 6, công ty bắt đầu nói đóng bảo hiểm và trừ của anh em mỗi người 185 ngàn vào tiền lương. Tuy nhiên chờ mãi mấy tháng mà không thấy họ đưa thẻ bảo hiểm, em phải về quê mua thẻ bảo hiểm tự nguyện”.
“Những ngày mưa gió, không có lương bọn em vẫn không được trả tiền. Nhiều lần bọn em định lên văn phòng đòi lại số tiền trên mà không được. Lương cứng của em được 7 triệu/tháng. Làm việc 11 tiếng/ngày. Chưa kể lúc thông ca phải làm tới 16 tiếng. Nên bọn em ra đây chỉ ăn để làm. Làm buộc sắt thôi. Em cũng không biết mai này phải tính làm ăn sao đây nữa”, Phương tâm sự.
Bà Trần Thị Cầu không hết lo lắng vì chấn thương của con trai quá nặng. |
Cạnh đó, vợ của nạn nhân Đàm Trung Hiếu (SN 1988, Quảng Tùng, Quảng Trạch, Quảng Bình) cho hay, chồng chị mới đi làm ở Formosa mới được gần 1 tháng. Trước khi đi làm phải đóng cho công ty Nibelc 2 triệu. Còn về bảo hiểm thì chưa nghe nói gì.