Cô giáo Thu Nguyệt và học trò của mình |
Không tiền công, không lợi nhuận, cũng chẳng được bằng khen giấy khen nào, nhưng cô Nguyệt đã theo đuổi hành trình “xin tiền nuôi chữ” gần 20 năm qua. Chừng ấy năm là chừng ấy thời gian cô gõ cửa nhiều đoàn thể, công ty để “xin tiền”. Hỏi vì sao cô lại kiên trì với chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo, cô Nguyệt cười: “Tôi coi sinh viên như con, sinh viên chúng gọi tôi là mẹ Nguyệt, mà mẹ thì phải bao bọc, chăm chút con, như thế đã đủ để giải thích chưa?”.
Bằng tình thương của người mẹ dành cho các con, cô giáo Nguyệt luôn âm thầm thực hiện những ấp ủ của mình, rất ít khi “lộ diện”, công khai việc làm của mình.
Những lá thư “xin tiền” từ ngôi nhà 14m2
Năm 1996, khi đang dạy lớp học cử tuyển dành cho sinh viên dân tộc thiểu số, cô Nguyệt phát hiện có một sinh viên gục đầu xuống bàn. Cứ ngỡ học trò vì biếng học mà ngủ gật, cô giận lắm. Nhưng khi lớp trưởng thật thà: “Nhà cậu ấy nghèo lắm. Mỗi ngày, cậu ấy chỉ lót dạ bằng một gói mì tôm”, cô Nguyệt hết sức xót xa. Nhìn một lượt, cô thấy học trò nào cũng xanh xao, gầy gò, mệt mỏi.
“Học trò của mình đói đến mức ngất đi ư? Đói đến thế sao mà đủ sức để tiếp thu bài giảng?” - cô đau lòng mang những trăn trở đó tâm sự với bà Ma-ri-at-ta, một người bạn Phần Lan, đồng thời là điều phối viên của chương trình UNICEF tại Việt Nam lúc đó. Bà Ma-ri-át-ta vốn là chuyên gia về lĩnh vực dinh dưỡng, khi đến thăm lớp học, chợt giật mình vì “hều hết các em đều thiếu dinh dưỡng”. Ngay sau đó, bà Ma-ri-át-ta đã cho tiền mua thức ăn, quần áo và chăn ấm để hỗ trợ cho em trong quá trình đi học. Chương trình “Giúp đỡ sinh viên nghèo” được nảy nở từ đó với 300 USD đầu tiên.
Thời gian đầu, chương trình chỉ tập trung vào đối tượng là sinh viên dân tộc thiểu số. Sau được Ma-ri-át-ta chỉ cách “nhân rộng” mô hình bằng cách viết thư gửi trực tiếp những người bạn nước ngoài để kêu gọi giúp đỡ, cô giáo Nguyệt bắt đầu tập tọe gửi những lá thư đầu tiên. “Lá thư đầu tiên, tôi soạn thảo cả một buổi tối với những lời lẽ cầu thị. Thư gửi đi rồi mà lòng vẫn bồn chồn, lo lắng sợ không nhận được hồi âm. Rất may, rất nhiều người nhận được thư đã quan tâm, ủng hộ chương trình và sẵn lòng giúp đỡ” - cô Nguyệt chia sẻ. Câu nói của một người bạn nước ngoài khiến cô vô cùng cảm động: “Chỉ cần bớt một bữa sáng mỗi tuần, chúng tôi đã có thể giúp cho sinh viên nước bạn đủ chi phí cho một tháng”.
Cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt |
Từ những người bạn ở đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ, rồi cả những “học trò” nước ngoài mà cô đã dạy tiếng Việt cho họ, ai cô cũng kêu gọi giúp đỡ. Mới đầu, chỉ có 1 - 2 sinh viên trong khoa tiếng Anh được nhận giúp đỡ với 20 USD/tháng. “Tiếng lành đồn xa”, số sinh viên nghèo muốn được giúp đỡ tăng dần và nới rộng ra các khoa khác và các trường khác.
Tính đến nay, Quỹ có khoảng 150 nhà tài trợ, chủ yếu là người nước ngoài, không chỉ giúp đỡ về học phí, chỗ ăn ở, có người còn hỗ trợ việc làm cho các em khi ra trường. Hơn 1.000 sinh viên nhận được hỗ trợ từ phía cô Nguyệt và chương trình để yên tâm học tập.
Để có được kết quả đó, cô giáo Nguyệt và cả gia đình đã phải trải bao vất vả, mệt mỏi. Có những đêm, cô thức đến 2 – 3 giờ sáng để viết thư cảm ơn, thư kêu gọi, lên danh sách sinh viên nhận hỗ trợ, thống kê kiểm tra tiền đã nhận và đã gửi; công khai tài chính… Những sinh viên ở xa, cô gửi qua bưu điện. “Có hôm ra bưu điện gửi đến gần 100 phong bì, tôi phải nhờ ông xã giúp đỡ. Giờ thanh toán qua ngân hàng nên đỡ hơn 1 chút”…
Vất vả là thế, mà có người còn đặt điều cô Nguyệt “lợi dụng làm việc thiện để trục lợi cá nhân”. Có người còn dè bỉu: “vác tù và hàng tổng” hay “háo danh”; “không để dành thời gian đó mà đi dạy thêm, tăng thu nhập, lương giáo viên còm cõi, không đủ lo cho chồng con”.
Nghe những lời đó, cô giáo Nguyệt rớt nước mắt vì tủi thân, vì bị hiểu nhầm, thậm chí còn định bỏ cuộc. Mãi đến khi mọi người chứng kiến gia đình cô giáo ở trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng 14m2 (căn nhà nằm trong khu tập thể Bộ Ngoại Giao của bố cô để lại), cuộc sống giản dị, ai cũng ngã ngửa: “Sống khổ quá, nhưng giàu lòng yêu thương”.
Chồng tôi là “trợ thủ” đắc lực
Nghĩ về chặng đường mình đã đi qua, cô Nguyệt bảo: “Không có những “trợ thủ” là bạn nước ngoài, những tấm lòng hảo tâm, nhất là sự chia sẻ, cảm thông và giúp sức của chồng thì chưa chắc tôi đã làm tốt được chương trình này”.
Giờ đã qua tuổi 60, mọi khó khăn đã tạm lắng, cô kể về chồng mình như một người bạn, người đồng hành không thể thiếu: “Tôi bận đến nỗi, thường xuyên ở lại phát tiền cho sinh viên đến 7 giờ tối mới về nhà. Việc đón con, cơm nước đều do chồng lo liệu. Sau khi dọn dẹp xong buổi tối, tôi lại vào bàn, hì hụi với đống giấy tờ, đơn thư đến khuya. Lúc đó, chồng tôi không than trách gì, lẳng lặng giúp vợ làm nốt những việc còn lại. Đẵng đẵng gần 20 năm trời, ông ấy động viên tôi hoàn thành tốt công việc”.
“Người ta trách hộ ông ấy rằng, tôi không dành thời gian cho gia đình, ông ấy tỉnh bơ: Cuộc sống thế này cũng đã ấm cúng và đủ đầy rồi. Mỗi tháng, tôi ra bưu điện gửi tiền cho sinh viên. Gửi 1 ngày không hết, phải 2 – 3 ngày. Ông ấy là người giúp tôi viết và lên danh sách sinh viên cần gửi đến. Con gái tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ mẹ khi có cơ hội, nhưng tôi luôn cố gắng không làm ảnh hưởng đến học tập và công việc của con.
Nhiều người nói này nói nọ, kêu cô Nguyệt nên lo cho mình trước khi lo cho thiên hạ, cô và chồng chẳng để bụng, cũng chẳng quan tâm họ bàn tán gì. “Chúng tôi làm vì Tâm và không hổ thẹn về điều đó. Chỉ cần những người được cho và được nhận hiểu những việc mình cố gắng làm là đủ rồi.
Với cô Nguyệt: “tôi may mắn có đến hơn 1.000 đứa con. Tôi chỉ mong các em tập trung học hành để có kết quả tốt nhất. Món quà lớn nhất mà tôi nhận được là nhìn thấy các em ngày càng khẳng định tài năng của mình ngoài xã hội”.
Có nhiều người thành đạt vẫn luôn nhớ ơn cô giáo Nguyệt như Giám đốc Sơn Lâm, Nhạc sỹ Hà Chương, Luật sư Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Đặng Bình Phương, bác sỹ Thùy Mai… Quyển sổ “theo dõi” tiền hỗ trợ cho học trò một thuở nay thành quyển sổ ghi thành tích và thành công của các em. “Nhiều em sau khi thành đạt lại ủng hộ chương trình và giúp đỡ sinh viên khác”. Hàng năm, những khóa sinh viên của “mẹ Nguyệt” lại trở về hội ngộ cùng với “nhà tài trợ”, cùng ôn lại kỷ niệm. Ở đó, có những câu chuyện buồn, vui, những lời cảm động và những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi…
Cô Nguyệt nói: “Khi không đủ sức gánh vác, tôi sẽ trao lại cho một cựu sinh viên đã từng nhận hỗ trợ của chương trình…”.
“Tôi từng là một học sinh nghèo vượt khó” Vừa 3 tháng tuổi, tôi đã xa bố khi ông tập kết ra Bắc. Vừa tròn 11 tuổi, mẹ mất. Tôi trở thành trẻ vắng cha, vắng mẹ và được những người họ hàng nuôi nấng từ lúc đó. Tuổi thơ của tôi là những năm tháng nhọc nhằn, cô đơn và tủi thân vô hạn nhưng trong sâu thẳm là ý chí tự vươn lên để học giỏi. Có lẽ vì thế, tôi dễ đồng cảm với học trò nghèo hiếu học trên giảng đường. Cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt |
Tác giả: VĂN QUỲNH
Nguồn tin: ngaynay.vn